1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mổ xẻ 5 lý do khiến ông Trump gây thất vọng trong cuộc bầu cử kịch tính

Minh Phương

(Dân trí) - Yếu tố từng giúp Tổng thống Donald Trump đắc cử 4 năm trước lại trở thành một trong những lý do khiến ông về sau ứng viên Dân chủ Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Dù tự tin đạt được hơn 300 phiếu đại cử tri nhưng cho tới nay Tổng thống Donald Trump về sau ứng viên Dân chủ Joe Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Hiện ông Biden được dự đoán giành 290 phiếu đại cử tri, trong khi ông Trump giành 214 phiếu.

BBC đã chỉ ra 5 lý do khiến ông Trump có ít cửa chiến thắng hơn ông Biden trong cuộc bầu cử này.

Đại dịch Covid-19

Mổ xẻ 5 lý do khiến ông Trump gây thất vọng trong cuộc bầu cử kịch tính - 1
Đại dịch Covid-19 khiến tỷ lệ ủng hộ ông Trump giảm mạnh. (Ảnh: Reuters)

Một trong những thách thức lớn nhất đối với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump chính là Covid-19 - đại dịch đã cướp đi sinh mạng của gần 240.000 người Mỹ, khiến kinh tế nước này rơi vào suy giảm. Bất lợi của ông Trump lại trở thành lợi thế cho chiến dịch của ông Biden. Đại dịch đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông Trump giảm mạnh, có thời điểm xuống chỉ còn 38%.

Vài tháng trước bầu cử, chiến dịch của ông Biden cũng như truyền thông Mỹ ra sức xoáy vào công kích cách ứng phó đại dịch của chính quyền Tổng thống Trump. Nếu như ông Trump liên tục khẳng định đại dịch sẽ “tự biến mất”, ông Biden đưa ra những đề xuất ứng phó đại dịch dựa trên căn cứ khoa học.

Ông vạch ra cho cử tri thấy những kế hoạch cụ thể để đối phó Covid-19, bao gồm quy định yêu cầu đeo khẩu trang toàn quốc, tăng cường xét nghiệm và đưa ra các đề xuất chương trình chăm sóc y tế, phục hồi kinh tế.

Những phát ngôn “vạ miệng”

Mổ xẻ 5 lý do khiến ông Trump gây thất vọng trong cuộc bầu cử kịch tính - 2
Tổng thống Donald Trump đưa ra nhiều phát ngôn gây tranh cãi trong nhiệm kỳ của mình. (Ảnh: AFP)

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump nhiều lần đưa ra phát ngôn nhạy cảm, gây tranh cãi, đặc biệt là những phát ngôn trong thời gian chạy đua nước rút vài tuần trước bầu cử. Có thời điểm, ông Trump vận động tranh cử tại 3 bang trong một ngày.

Ngược lại, ông Biden có lịch trình vận động thưa thớt hơn, thậm chí có ngày không tổ chức bất cứ sự kiện tranh cử hay cuộc mít tinh nào. Ông có thể có lý do cho việc này. Trong gần 50 năm sự nghiệp chính trị của mình, ông Biden từng nhiều lần gặp rắc rối vì sự cố “vạ miệng”. Việc hạn chế vận động vào thời điểm quan trọng có thể là cách mà ông Biden tránh những sự cố kiểu này, hãng tin Vanity Fair nhận định.

Cuộc trưng cầu dân ý với ông Trump

Cuộc bầu cử năm nay có thể coi là một cuộc trưng cầu dân ý đối với ông Trump. BBC đánh giá, năm 2016, ông Trump đắc cử một phần là do người Mỹ kỳ vọng một sự đổi khác ở một vị tổng thống không có xuất thân chính trị, một người sẵn sàng nói những điều mà trước kia bị coi là “cấm kỵ”. Tuy vậy, chính yếu tố giúp ông đắc cử năm 2016 lại cũng là yếu tố khiến ông gặp rắc rối trong cuộc bầu cử năm nay.

Về phía ông Biden, ông nói rằng, cuộc bầu cử là cơ hội để cử tri Mỹ đánh giá về cái mà ông gọi là sự chia rẽ và hỗn loạn trong 4 năm ông Trump lãnh đạo. Đảng Dân chủ dường như đã thành công khi hướng cuộc bầu cử thành một cuộc trưng cầu dân ý với ông Trump, mà không phải sự lựa chọn giữa hai ứng viên.

Thông điệp của ông Biden rất đơn giản “Tôi không phải ông Trump”. “Ông Biden đã đặt cược vào vận may chính trị của mình dựa trên quan điểm cho rằng Tổng thống Trump quá phân cực, dễ bị kích động trong khi điều mà người Mỹ cần là một lãnh đạo điềm tĩnh và ổn định hơn”, phóng viên Anthony Zurcher của BBC bình luận.

Giữ quan điểm trung lập

Mổ xẻ 5 lý do khiến ông Trump gây thất vọng trong cuộc bầu cử kịch tính - 3
Ứng viên Joe Biden có chiến lược thu hút cử tri. (Ảnh: Reuters)

Trước khi trở thành ứng viên tổng thống đại diện đảng Dân chủ, ông Biden đối mặt với sức ép lớn với một chiến lược trung lập với việc từ chối ủng hộ chính sách chăm sóc y tế toàn dân của chính phủ hay miễn phí giáo dục đại học, đánh thuế tài sản. Điều này giúp ông chiếm được cảm tình của những thành viên ôn hòa và bất mãn trong đảng Cộng hòa.

Chiến lược này được phản ánh qua cách mà ông lựa chọn ứng viên phó tổng thống liên danh tranh cử - bà Kamala Harris. Quyết định lựa chọn bà Harris có thể giúp ông giành được sự ủng hộ của các cử tri trung lập ở các bang như Michigan và Wisconsin.

Tuy nhiên, ông Biden có quan điểm gần tương đồng với phe cánh tả về các vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu. Đây có thể là một tính toán nhằm thu hút cử tri trẻ vốn coi những vấn đề này là ưu tiên.

Cán cân tài chính

Chiến dịch của ông Biden giành được ưu thế về tài chính hơn so với chiến dịch của ông Trump vài tuần trước bầu cử. Trong vòng 2 tháng trước bầu cử, ông Biden quyên được hơn 493 triệu USD. Với 761 triệu USD quyên được trong năm 2020, chiến dịch của ông Biden tiếp tục chi mạnh cho quảng cáo trong giai đoạn bầu cử nước rút.

Trong khi đó, chiến dịch của ông Trump cùng với Ủy ban Cộng hòa Quốc gia huy động được 1,5 tỷ USD kể từ năm 2019. Ông Trump đã chi phần lớn số tiền đó ngay ở giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử khi mà đa số cử tri chưa quan tâm nhiều đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Tính đến đầu tháng 10, chiến dịch của ông chỉ còn hơn 63 triệu USD, chỉ bằng 1/3 ngân sách của chiến dịch của ông Biden.
Lợi thế tài chính không phải lý do duy nhất giúp ông Biden dẫn trước trong cuộc chạy đua, song nó tạo điều kiện để ông tiếp cận cử tri và đưa ra thông điệp của mình cho đến phút cuối.