1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý giải nguyên nhân khiến ông Trump thất bại ở bầu cử Mỹ 2020

Ông Trump đã truyền lửa cho những người ủng hộ, giữ họ luôn trung thành với ông nhưng cũng tạo ra một liên minh lớn gồm nhiều đối thủ quyết tâm chấm dứt nhiệm kỳ đầu đầy bão tố của ông tại Nhà Trắng.

Với việc giành thêm 20 phiếu đại cử tri ở bang chiến địa Pennsylvania, ứng cử viên Joe Biden đã đánh bại đương kim Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử 2020 để đắc cử tổng thống Mỹ thứ 46. Một số ý kiến cho rằng, đại dịch Covid-19 đã cướp đi cơ hội tái đắc cử của ông Trump, thế nhưng cây bút David Axelrod của CNN, người từng là cựu cố vấn cấp cao dưới thời Tổng thống Barack Obama, lại đưa ra quan điểm khác trong bài bình luận có tiêu đề “Vì sao Donald Trump thua cuộc?”.

Lý giải nguyên nhân khiến ông Trump thất bại ở bầu cử Mỹ 2020 - 1

Tổng thống Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 9. Ảnh: Reuters.

“Chính Donald Trump đã đánh bại Donald Trump”

Ông David Axelrod lý giải thất bại của Tổng thống Trump không phải do dịch bệnh Covid-19 mà do những “khiếm khuyết cơ bản và quen thuộc trong tính cách cũng như năng lực lãnh đạo của ông”. Nói cách khác: “Chính Donald Trump đã đánh bại Donald Trump” .

“Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều người Mỹ đã mệt mỏi với những hành động của ông Trump: những dòng Twitter dài vô tận, những cơn giận dữ và thuyết âm mưu, các cuộc chiến, những lời cáo buộc. Trong nhiệm kỳ của ông Trump, sự hỗn loạn vây quanh Nhà Trắng, sự thiếu đồng cảm khiến người ta lúng túng. Tổng thống Trump cũng đưa ra những tuyên bố thiếu tính thực tế và điều này khiến người ta phải kiểm chứng sự thật. Ông phá vỡ các quy tắc, chuẩn mực. Dưới thời ông, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc bùng phát mạnh mẽ trên khắp nước Mỹ, sự chia rẽ dân tộc, chia rẽ quốc gia lên một nấc thang mới”, nhà bình luận David Axelrod viết.

Ông Trump là tổng thống đầu tiên trong lịch sử có tỷ lệ ủng hộ dưới 50% trong những ngày đầu nhậm chức – tỷ lệ này là chỉ dấu đáng tin cậy nhất để quyết định cơ hội tái đắc cử của một tổng thống. Đến ngày bầu cử (3/11), các cuộc thăm dò cho thấy, chỉ có 47% người dân Mỹ ủng hộ ông.

Kể từ lúc Tổng thống Trump rời Tháp Trump năm 2015 và dấn thân vào sự nghiệp chính trị, ông có lẽ đã nhận thấy vấn đề phân biệt chủng tộc và sự chia rẽ về văn hóa là những rào cản lớn trên con đường dẫn đến quyền lực tối cao.

Vào ngày 3/11, Tổng thống Trump đã gặt hái được những thành quả chính trị ban đầu khi ông giành được nhiều hơn hàng triệu phiếu bầu so với 4 năm cách đây. Làn sóng ủng hộ ông đến từ các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn, khiến đảng Cộng hòa có lợi thế bất ngờ trong cuộc bầu cử khó dự đoán.

Nhưng ông Trump vẫn không thoát khỏi Định luật thứ ba của Newton, đó là mọi hành động đều có những phản ứng tiêu cực và tích cực.

Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã truyền lửa cho những người ủng hộ, giữ họ luôn trung thành với ông. Thế nhưng, vô hình trung, ông cũng tạo ra một liên minh lớn gồm nhiều đối thủ quyết tâm chấm dứt nhiệm kỳ đầu đầy bão tố và chia rẽ của ông tại Nhà Trắng.

Joe Biden được ví như “liều thuốc giải”

Ứng cử viên Joe Biden ngay từ đầu đã xây dựng hình ảnh như là “liều thuốc giải” cho đường lối chính trị cứng rắn của ông Trump, trở thành một người hàn gắn nước Mỹ chứ không phải thổi bùng lên sự chia rẽ. Cuối cùng, ông đã giành được nhiều phiếu bầu hơn bất cứ ứng viên tổng thống nào trong lịch sử. Ông Biden đã tập hợp một liên minh rộng rãi các thành phần ủng hộ, trong đó có phụ nữ, nhóm người thiểu số và thanh niên, “nhuộm xanh” những vùng ngoại ô vốn là “pháo đài” của đảng Cộng hòa.

Joe Biden, một nhân vật ôn hòa – sinh ra trong một gia đình Công giáo gốc Ireland, đến từ trung tâm công nghiệp Pennsylvania, cũng giành được phiếu bầu từ các cử tri nam giới, người cao tuổi, tầng lớp lao động và các cử tri da trắng nhiều hơn bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016.

Đây là điều rất khó tưởng tượng bởi ở giai đoạn cuối năm 2019 - đầu năm 2020, ông Trump gần như chắc chắn nắm trong tay cơ hội tái đắc cử. Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ là một thuận lợi lớn cho ông Trump để tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai. Chưa hết, ông đã vượt qua được những thách thức, trong đó có nỗ lực luận tội của phe Dân chủ tại Hạ viện. Ông tự tin nắm trong tay đề cử ứng viên tổng thống chính thức của đảng Cộng hòa, trong khi đảng Dân chủ thời điểm đó vẫn đang lựa chọn ứng viên thích hợp nhất của đảng này.

Sau đó, dịch Covid-19 bùng phát, khiến nước Mỹ rơi vào khủng hoảng. Cây bút David Axelrod cho rằng, nếu ông Trump có cách ứng phó với đại dịch khác đi ngay từ giai đoạn đầu, thực hiện theo những hướng dẫn của giới khoa học và các chuyên gia y tế, nâng cao mức độ cảnh báo trên toàn quốc, có thái độ thận trọng và khiêm tốn hơn khi nói về đại dịch, thể hiện sự đồng cảm với những mất mát của người dân, thì có lẽ ông đã vượt qua được cơn khủng hoảng.

Thế nhưng ông Trump lại muốn đánh lạc hướng dư luận ra khỏi cuộc khủng hoảng và sử dụng nó làm cơ hội để chỉ trích Trung Quốc, gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”, công kích đảng Dân chủ - những người ủng hộ “đóng cửa đất nước” và cho rằng điều đó không cần thiết. Tổng thống Trump thậm chí còn dẫn đầu cuộc chiến chống lại các chuyên gia y tế tại Nhà Trắng.

Theo cây bút David Axelrod, Tổng thống Trump không muốn các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 gây tổn hại đến nền kinh tế mà ông đã nỗ lực vực dậy suốt thời gian qua, hơn nữa những biện pháp đó có nguy cơ khiến những người ủng hộ ông tức giận. Vì thế ngay sau khi miễn cưỡng chấp nhận một số biện pháp ngắn như đóng cửa một phần và giãn cách xã hội vào mùa xuân, ông nhanh chóng tuyên bố nhiệm vụ đã hoàn thành, đồng thời kêu gọi người dân mau trở lại công việc thường ngày.

Tổng thống Trump đã khiến việc đeo khẩu trang trở thành một cuộc tranh cãi giữa các đảng phái. Ông phản đối việc các thống đốc đảng Dân Chủ áp đặt những biện pháp cứng rắn để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Dù kinh tế Mỹ phục hồi, nhưng cái giá phải trả của việc nới lỏng các hạn chế chống Covid-19 quá đắt. Tính đến ngày 8/11, đã có hơn 10 triệu người Mỹ mắc Covid-19 và hơn 243.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Bên cạnh cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, nước Mỹ lại gánh thêm cuộc khủng hoảng sắc tộc sau vụ một sĩ quan cảnh sát tại Minneapolis ghì chết công dân da màu George Floyd. Biểu tình, bạo loạn đã bùng phát trên khắp các thành phố của đất nước. Thay vì xoa dịu những người biểu tình, ông Trump tự khắc họa bản thân là tổng thống của “trật tự và luật pháp”, cảnh báo sẽ triển khai quân đội đến các bang để dập tắt những cuộc biểu tình bạo lực. Trái lại, ông Biden truyền tải thông điệp đoàn kết và hòa giải.

Kinh nghiệm chính trị gần nửa thế kỷ cùng những trải nghiệm thăng trầm trong cuộc đời ông đã giúp ông Biden có thêm sức mạnh và sự ủng hộ của người dân. Sau hai lần tranh cử Tổng thống thất bại, cuối cùng ông Joe Biden đã chinh phục được đỉnh vinh quang. Còn Tổng thống Trump – người đặt cược tất cả cho cuộc đua năm nay, cuối cùng đã biết đâu là giới hạn.