1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mở tuyến phà tới Thổ Nhĩ Kỳ, Nga muốn “nối dài cánh tay” của Crimea

(Dân trí) - Tuyến phà kết nối một số cảng biển tại Crimea với Thổ Nhĩ Kỳ qua khu vực Biển Đen là dự án giao thông lớn tiếp theo của Nga nhằm tăng cường sự giao lưu giữa bán đảo này với phần còn lại của thế giới.

Cầu Crimea nhìn từ trên cao (Ảnh: Sputnik)
Cầu Crimea nhìn từ trên cao (Ảnh: Sputnik)

“Các cuộc đàm phán với các đơn vị vận tải hàng hóa đã được tiến hành. Các cảng của Crimea được kết nối trong tuyến phà Thổ Nhĩ Kỳ - Crimea - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm được thông báo”, giám đốc điều hành của Cơ quan Cảng biển Crimea Alexey Volkov nói, đồng thời cho biết tuyến phà sẽ đi vào hoạt động từ mùa thu năm nay.

“Các cảng biển và dịch vụ đều đã sẵn sàng, các điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác sắp tới đều đã được thiết lập, chúng tôi đang chờ quyết định từ các đối tác và ký thỏa thuận”, ông Volkov cho biết thêm.

Theo ông Volkov, tuyến phà nối Crimea với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được sử dung để vận chuyển hàng hóa trong năm nay còn hoạt động vận chuyển người sẽ được bắt đầu từ năm 2019. Bán đảo Crimea sẽ vận chuyển thịt tới Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển hoa quả và rau tới Crimea.

“Với sự ấm dần lên trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, tôi tin rằng chúng tôi sẽ giải quyết ổn thỏa mọi việc”, ông Volkov khẳng định.

Crimea luôn giữ vị trí quan trọng đối với các nước ở khu vực Biển Đen, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Hiện có khoảng 350.000 người Tatar Crimea, một cộng đồng dân cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ, sống trên bán đảo Crimea.

Thổ Nhĩ Kỳ đã từng vài lần thay đổi lập trường về Crimea. Năm ngoái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã ban hành sắc lệnh cấm mọi hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường biển từ Crimea. Tổng thống Erdogan nói rằng ông ủng hộ quan điểm của Ukraine trong vấn đề Crimea - vùng lãnh thổ được Nga sáp nhập từ năm 2014.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga hồi năm 2015, mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào trạng thái căng thẳng trong gần một năm. Trải qua thời gian, mối quan hệ này dần tan băng và sau khi xảy ra cuộc đảo chính thất bại tại Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016, cả hai nước đã quyết định tăng cường hợp tác về kinh tế và thương mại.

Giới phân tích chính trị cho rằng so với Ukraine, việc hợp tác với Nga sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ.

“Thổ Nhĩ Kỳ không nhận được nhiều lợi ích kinh tế đáng kể từ Ukraine, trong khi yếu tố Ukraine lại gây bất ổn trong quan hệ với Nga. Việc lựa chọn Ukraine hay Nga là điều dễ dàng nhận ra đối với Tổng thống Erdogan - Moscow là đối tác tiềm năng hơn cả về chiến lược lẫn kinh tế”, Aleksey Obraztsov, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á và châu Phi thuộc Trường Kinh tế Cấp cao, nhận định.

Việc đưa vào hoạt động tuyến phà là dự án lớn thứ hai của Nga trong năm nay nhằm kết nối giao thông giữa bán đảo Crimea với phần còn lại của thế giới. Hồi tháng 5, tuyến vận tải bằng đường bộ bằng cây cầu Crimea bắc qua eo biển Kerch đã được đích thân Tổng thống Vladimir Putin khánh thành. Đây là cây cầu dài nhất châu Âu và là tuyến đường bộ trực tiếp đầu tiên kết nối Crimea với đất liền Nga.

Cầu Crimea mới hoàn thiện phần đường bộ, trong khi phần đường sắt vẫn đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Ngoài ra, chính phủ Nga cũng đang cân nhắc xây dựng một tuyến đường cao tốc và hệ thống đường hầm chạy xuyên qua bán đảo Crimea để giúp hoạt động lưu thông diễn ra thuận tiện hơn.

Thành Đạt

Theo RT