1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

MH370: Không tặc, tự sát hay là chuyến bay "ma"?

(Dân trí) - 19 ngày sau khi MH370 biến mất trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh cùng 239 người, người ta vẫn chưa biết chính xác điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay bí ẩn này. Từ những thông tin mới về MH370, các chuyên gia đưa ra 3 giả thuyết.

3 giả thuyết còn lại về MH370

Mặc dù Malaysia đã công bố máy bay MH370 rơi ở nam Ấn Độ Dương, nhưng cho đến nay chưa một mảnh vỡ nào được tìm thấy.

Các nhà điều tra khẳng định hệ thống liên lạc và lần theo “dấu chân” của máy bay – tức bộ truyền tín hiệu và hệ thống đáp và thông báo liên lạc máy bay hay ACARS đã bị tắt có chủ định. Điều này xảy ra khi chiếc Boeing 777-200ER đang chuẩn bị rời không phận Malaysia để tiến vào không phận Việt Nam. Và ngay sau đó, nó đã chuyển hướng ra khỏi đường bay đã định.

Liên lạc vệ tinh cuối cùng của máy bay diễn ra vào 8h11 sáng ngày 8/3, tức 6 tiếng rưỡi sau khi trạm không vận Malaysia mất liên lạc với máy bay. Và cho tới thời điểm đó, không có tín hiệu cấp cứu nào được phát ra từ buồng lái máy bay.

Vào tối thứ hai vừa qua, Thủ tướng Malaysia Najib Razak xác nhận, dựa vào các phân tích dữ liệu vệ tinh, máy bay được kết luận đã rơi xuống Ấn Độ Dương và cơ hội sống sót của những người trên máy bay là bằng không.

Song chưa có một mảnh vỡ máy bay nào được tìm thấy.

Diễn biến mới đã loại bỏ nhiều giả thuyết về sự biến mất của MH370 và số phận của 239 người trên máy bay.

Khả năng máy bay gặp trục trặc kỹ thuật lớn đã bị loại bỏ. Bởi nếu máy bay gặp trục trặc kỹ thuật trên không, sẽ có một vụ nổ và các nhà điều tra dễ dàng phát hiện được vụ nổ đó.

Khả năng máy bay đột ngột bị rơi hoặc có lửa cháy trong máy bay cũng gần như không thể xảy ra.

Thậm chí nếu có khả năng các động cơ hỏng hết ở độ cao 35.000 feet (10.000m), theo các chuyên gia, máy bay vẫn có thể “trượt” đi tiếp và phi công có 15-20 phút để làm những việc cần làm, như gửi tín hiệu cảnh báo.

Năm 1998, máy bay mang số hiệu 111 của Swissair đã bị đâm xuống Đại Tây Dương sau khi buồng lái và khoang máy bay bị cháy. Nhưng các phi công khi đó đã nhanh chóng thông báo tình hình. 7 năm sau, một máy bay của Helios Airways đã đâm vào núi khi bị thiếu oxy, khiến phi hành đoàn không thể điều khiển được máy bay. Nhưng họ vẫn có thời gian để gửi tín hiệu cấp cứu.

Sau khi loại bỏ các giả thuyết không có khả năng, các chuyên gia giờ đây tập trung vào 3 giả thuyết, phù hợp với những thông tin mới được phát hiện về MH370.

Bị cướp bất thành

Máy bay MH370 có thể bị cướp. Có thể ai đó trên máy bay, hoặc phi công, đã chiếm quyền kiểm soát máy bay nhưng không đạt được ý định của mình.

Một vụ việc tương tự đã xảy ra năm 1996, khi cơ trưởng trên chuyến bay 961 của Ethiopian Airlines đã cố gắng ngăn chặn 3 kẻ cướp định tìm cách tị nạn ở Úc khi máy bay đang trên đường từ Addis Ababa tới Nairobi. Tuy nhiên, nỗ lực ngăn chặn của ông đã không thành.

Máy bay đã đâm xuống Ấn Độ Dương, gần quần đảo Comoros, khi bị hết nhiên liệu. Trong số 175 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay, 125 người chết, trong đó có cả những kẻ cướp.

Giới chức Malaysia cho biết họ không nhận được yêu cầu nào từ phía MH370, nhưng khả năng họ có thể đã đàm phán với bọn cướp được một số chuyên gia nghĩ đến. Một số nghi ngờ giới chức trách hoặc ai đó trên máy bay có thể đã cố gắng đàm phán với bọn khủng bố, nhưng máy bay bị hết nhiên liệu và bị rơi trước khi giới trức trách có thể đưa ra được một quyết định.

Cũng có khả năng phi công hoặc phi hành đoàn đã cố ngăn bọn cướp. Cuộc ẩu đã nổ ra và máy bay bị đâm.

Phi công tự sát

Malaysia Airlines xác nhận cơ phó là người nói câu: “Được rồi, chúc ngủ ngon”, ngay trước khi bộ truyền tín hiệu bị tắt. Điều tra ban đầu cho thấy Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi, lúc đó có vẻ bình tĩnh, không bị đe dọa.

Mọi con mắt cũng được đổ dồn về cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi. Cảnh sát đã thu giữ một mô hình tự chế về chuyến bay ở nhà ông, và giới chuyên gia hiện đang phân tích nó. Họ cũng đang điều tra xem liệu các phi công có gặp vấn đề về tài chính hay các vấn đề khác hay không.

Trong vụ đâm máy bay của MI185, hãng SilkAir, các nhà điều tra kết luận nguyên nhân có thể là do phi công tự sát, mặc dù điều này không được chứng minh. Máy bay đã đâm thẳng mũi xuống sông Musi, ở Palembang, khiến toàn bộ 104 người thiệt mạng.

Chuyến bay “ma”

Cũng có khả năng điều gì đó, mà không phải do ý định phạm tội, đã xảy ra, khiến tất cả mọi người trên máy bay bất tỉnh, dẫn đến máy bay tự bay.

Các chuyên gia cho biết, chưa đầy một phút phi công, phi hành đoàn và hành khách có thể đã bị bất tỉnh, nếu máy bay bị mất áp suất nghiêm trọng. Mất áp suất nghiêm trọng cũng có thể khiến các hệ thống trên máy bay bị hỏng.

Giới chức trách tin rằng sau khi máy bay mất liên lạc với trạm không vận, nó có thể đã bay ở độ cao tới 45.000 feet (hơn 13.000m), trên độ cao thông thường của máy bay. Điều này có thể dẫn đến giảm áp suất đột ngột trên máy bay.

Năm 1999, 6 người trên một máy bay thương mại từ Orlando tới Dallas, trong đó có tay golf người Mỹ Payne Stewart, đã thiệt mạng do áp suất trên máy bay giảm đột ngột, khiến họ thiếu oxy. Máy bay đã bay ở chế độ tự lái trong 4 giờ trước khi hết nhiên liệu và đâm xuống cánh đồng ở Nam Dakota.

Kết hợp cả ba giả thuyết

Theo các chuyên gia hàng không và an ninh, còn một giải thích khác cho sự biến mất của MH370, khi kết hợp cả 3 giả thuyết trên.

Không thể loại bỏ khả năng điều gì đó hoặc ai đó trên máy bay có đủ tầm quan trọng để một nhóm hoặc một tổ chức tiến hành cướp máy bay.

Những kẻ cướp có thể đã đưa máy bay bay lên độ cao 45.000 feet để làm mọi người bất tỉnh rồi sau đó hạ máy bay xuống một địa điểm bí mật. Sau khi nhận được những gì chúng muốn, họ đưa máy bay bay trở lại bằng chế độ điều khiển từ xa và cho nó đâm xuống biển.

Và với mỗi giả thuyết, thì hình thức máy bay lao xuống biển là khác nhau và thậm chí cũng có thể còn người sống sót.

Nếu phi công tự sát, nhiều khả năng máy bay đâm thẳng mũi xuống, gây ra một vụ va chạm mạnh, khiến máy bay vỡ thành nhiều mảnh nhỏ thậm chí là trước khi chạm mặt nước.

Nếu máy bay đâm vì hết nhiên liệu, nó có thể lao xuống biển “trong vòng vài phút”, một cựu phi công cho hay. Và hình thức va chạm này giống như là đâm vào bê tông, khiến mảnh vỡ máy bay nằm rải rác trên một khu vực rộng lớn.

Nếu có ai đó lái máy bay, có thể mất khoảng 15 phút để máy bay hạ độ cao trước khi chạm xuống mặt biển. Có thể có người sống sót sau cú va chạm, nhưng chắc chắn họ không thể chống chọi được với cái lạnh đóng băng trên biển trong thời gian dài được.

Vũ Quý

Tổng hợp