MH370: Cơ hội "phơi bày" khả năng quân sự của Trung Quốc
(Dân trí) - Hoạt động tìm kiếm và cứu cứu hộ đối với máy bay bị mất tích của Malaysia chính là cơ hội để đánh giá khả năng cũng như tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc, trong khi hải quân nước này xây dựng mục tiêu dài hạn trở thành hạm đội “nước xanh”.
Chính tàu Trung Quốc, Hải Tuần 1, là tàu đầu tiên phát hiện được xung điện tử đầu tiên nghi của hộp đen MH370 ở nam Ấn Độ Dương.
Một số nhà phân tích cho đến nay vô cùng ấn tượng với nỗ lực của Trung Quốc, đặc biệt là tốc độ triển khai tàu chiến của Hải quân chỉ trong một thời gian ngắn và trên những chặng đường dài để tìm kiếm MH370, máy bay chở 239 người, với 153 là người Trung Quốc, bị mất tích vào sớm ngày 8/3 vừa qua.
Trung Quôc được cho là đã triển khai khoảng 15 tàu chiến và tàu trục vớt, với một số gia nhập từ ngày đầu tiên. Sau khi rời đảo Hải Nam, ở miền nam nước này, một số tàu đã tới vùng biển ở ngoài khơi miền nam Việt Nam, rồi sau đó tới Eo Malacca, trước khi tây tiến tới Vịnh Bengal, và cuối cùng là hướng tới nam Ấn Độ Dương ở ngoài khơi Perth, Úc, nhằm hỗ trợ hoạt động tìm kiếm.
“Hành trình dài tới nam Ấn Độ Dương là một minh chứng cho thấy hải quân Trung Quốc và các tàu bán quân sự có khả năng vượt những chặng đường dài”, nhà phân tích an ninh khu vực, giáo sư Carl Thayer cho biết với tờ The Straits Times của Singapore.
Theo nhà phân tích, cuộc phô diễn lực lượng một cách gián tiếp này có thể làm gia tăng quan ngại trong các nước láng giềng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là các nước đang có tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông.
Bất an về an ninh đã được nêu bật kể từ khi Bắc Kinh phô trương sức mạnh của mình bằng cách cử hạm đội 3 tàu nhỏ tới tham gia một cuộc tập trận quanh đảo Christmas gần Úc vào tháng trước. Ngoài ra, tàu nước này còn chiếm các lãnh thổ tranh chấp như bãi Scarborough tranh chấp với Philippines trên Biển Đông vào năm 2012.
Trung Quốc luôn khẳng định lo ngại của các nước láng giềng là không có cơ sở và nhằm mục đích thêu dệt đe dọa của Trung Quốc, phá hoại công cuộc xây dựng hạm đội nước xanh tương xứng với vị thế là một siêu cường trong tương lai nhằm bảo vệ các tài sản và người dân của nước này ở nước ngoài.
Trên khía cạnh đó, theo nhà phân tích Ian Storey ở Singapore, sứ mệnh hiện nay cho thấy Trung Quốc đã đạt được bước tiến về số lượng và tốc độ của các tài sản được triển khai.
“Nó chứng tỏ khả năng và tính chuyên nghiệp ngày một phát triển của Hải quân Trung Quốc, sau một thập niên hiện đại hóa”, ông cho biết thêm.
Chuyến gia an ninh hàng hải ở London Christian Le Miere nhận định hải trình mà tàu Trung Quốc đã thực hiện và số lượng đông đảo các tàu tham gia cũng “chắc chắn là vấn đề các nước khác phải lưu tâm”.
“Dĩ nhiên, những cuộc triển khai này không phản ánh khả năng trong môi trường chiến tranh, nhưng dựa vào lợi ích toàn cầu đang lớn mạnh của Trung Quốc, chúng chắc chắn là “mầm ươm” cho những điều sắp tới”, nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á cho biết với tờ Straits Times.
“Toan tính xấu”?
Theo nhà phân tích Gary Li, công ty tư vấn quân sự HIS ở Bắc Kinh, hoạt động tìm kiếm và cứu hộ MH370 của hải quân Trung Quốc hiện nay không phản ánh bất kỳ hoạt động chiến đấu nào, do các tàu được chọn tham gia là vì sức bền và khả năng của chúng. “Chúng không tham gia tập trận hay triển khai các thiết bị tinh vi”, ông đánh giá.
Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, tin rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách vươn lên là nước đi đầu trong cuộc tìm kiếm và cứu hộ đa quốc gia sau hoạt động hiện nay đối với MH370. Theo ông, chính báo chí Trung Quốc đã kêu gọi nước này tham gia tích cực hơn vào các hoạt động như thế này.
“Một số nhà bình luận thậm chí còn gợi ý xây dựng các tiền đồn và sân bay quanh Biển Đông để hỗ trợ cho hoạt động tìm kiếm và cứu hộ”, ông lưu ý.
Mặc dù ý tưởng có vẻ như đáng được tán thưởng, nhưng một số nhà phân tích chỉ ra rằng nỗ lực cứu hộ của Trung Quốc đã phơi bày “toan tính xấu”. Nhà phân tích ở Singapore William Choong, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, nêu bật ví dụ Ấn Độ đã từ chối tàu Trung Quốc vào tham gia tìm kiếm và cứu hộ MH370 ở biển Andaman và Nicobar, khi nghi ngờ Trung Quốc còn có mục đích thu thập thông tin tình báo.
Vũ Quý