1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mệt mỏi với đại dịch, châu Âu dần coi Covid-19 là bệnh đặc hữu?

Thanh Thành

(Dân trí) - Một số nước châu Âu đã thay đổi cách tiếp cận đối với Covid-19 sang phương pháp gần giống cách thích ứng với bệnh cúm. Nhưng các chuyên gia sức khỏe cộng đồng nói rằng, còn quá sớm để làm như vậy.

Mệt mỏi với đại dịch, châu Âu dần coi Covid-19 là bệnh đặc hữu? - 1

Bên trong phòng chăm sóc đặc biệt trong tuần này ở Cremona, Italy (Ảnh: Getty).

Theo New York Times (NYT), tại Anh, Pháp, Tây Ban Nha và các quốc gia khác trên khắp châu Âu, các chính trị gia và một số chuyên gia y tế công cộng đang thúc đẩy một cách tiếp cận mới đối với đại dịch Covid-19: căn bệnh đặc hữu.

Chính phủ các nước đang nắm bắt thời điểm mà số ca nhiễm giảm dần sau nhiều tuần tăng kỷ lục. Và họ đang dần dịch chuyển các chiến lược chống dịch ra khỏi "cơ chế khẩn cấp".

Ví dụ, ở Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez tuần trước tuyên bố rằng, người dân sẽ "phải học cách sống chung với nó, giống như chúng ta làm với nhiều loại virus khác" và nhấn mạnh thêm, chính phủ cần điều chỉnh cách tiếp cận phù hợp hơn.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran gần đây cho biết, tỷ lệ ca nhiễm đã đạt đỉnh cùng với tỷ lệ tiêm vaccine cao ở nước này có thể đánh dấu "đây sẽ là làn sóng dịch cuối cùng".

Sự thay đổi này diễn ra ngay cả khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần này cảnh báo về việc điều trị virus như cúm mùa, nói rằng còn quá sớm để làm như vậy. WHO cho biết vẫn còn nhiều điều chưa rõ về căn bệnh này. Và việc số ca nhiễm tăng cao do biến chủng Omicron vẫn đang hoành hành khắp lục địa, trong khi phần lớn dân số trên thế giới vẫn dễ bị tổn thương vì chưa được tiêm vaccine cũng như vẫn có nguy cơ xuất hiện nhiều biến chủng mới.

Châu Âu phải học cách "sống chung với Covid-19"

Tuy nhiên, những người ủng hộ phương pháp "học cách sống chung với Covid-19" cho rằng, dù số ca nhiễm mới tăng do biến chủng Omicon lây lan nhanh, tỷ lệ nhập viện thấp hơn nhiều trong khi phần lớn dân số châu Âu đã tiêm chủng đầy đủ.

Thực trạng trên thể hiện rõ ràng trong các chính sách đang phát triển mà chính phủ Anh đã áp dụng kể từ đầu năm 2022, một sự khác biệt so với "thế trận chiến tranh" mà ngành y tế của nước này thường xuyên nói đến vào tháng 12/2021 khi Omicron xuất hiện.

Những thay đổi bao gồm thời gian cách ly ngắn hơn và loại bỏ quy định xét nghiệm cho những du khách đến Anh. Nguyên nhân chủ yếu là do Omicron đã quá phổ biến nên việc xét nghiệm cũng không có ảnh hưởng hạn chế đến sự lây lan của nó.

Đã có một số dấu hiệu cụ thể cho thấy Anh có thể đang rẽ vào một góc. Có 99.652 trường hợp mới được báo cáo vào 14/1, giảm đáng kể so với 178.250 trường hợp được báo cáo vào cùng ngày tuần trước.

Giáo sư Graham Medley về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học Nhiệt đới London, nói với BBC: "Nó không thể là một trường hợp khẩn cấp mãi mãi". Ông nói thêm rằng, đại dịch có thể kết thúc theo từng giai đoạn.

Giữa sự thay đổi đó, thông điệp gửi đến người dân cũng thay đổi, nhưng còn nhiều mâu thuẫn. Trong khi một số chính trị gia tuyên bố làn sóng mới nhất kết thúc và những người khác ủng hộ việc dần dần trở lại trạng thái bình thường, nhiều chuyên gia y tế bày tỏ sự thận trọng về tất cả những điều chưa biết và nguy cơ xuất hiện chủng mới.

Ông Peter English, một chuyên gia về kiểm soát bệnh truyền nhiễm nói rằng, đối với nhiều chuyên gia y tế công cộng và nhà khoa học ở Anh, giờ đây cuộc tranh luận đã chuyển từ việc phong tỏa sang các biện pháp giảm thiểu cảm giác đã từng trải qua. Hầu hết hiện nay đang khuyến khích các biện pháp như đeo khẩu trang bắt buộc ở các môi trường công cộng.

Còn nhiều tranh cãi

Tại Anh, một trong những mối lo ngại lớn nhất là áp lực mà virus gây ra đối với Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Matthew Taylor, người đứng đầu NHS Confederation, một tổ chức thành viên dành cho những người đứng đầu bệnh viện, cho biết "trừ khi mọi thứ thay đổi bất ngờ, chúng ta đang ở gần mức đỉnh".

Mệt mỏi với đại dịch, châu Âu dần coi Covid-19 là bệnh đặc hữu? - 2

Một bệnh viện dã chiến mới lập trong tuần này tại khuôn viên của Bệnh viện St. George ở London, Anh (Ảnh: Reuters).

Tại Tây Ban Nha, một hệ thống giám sát mới đã được thực thi sau khi số ca nhiễm tăng cao. Tuy nhiên, Madrid vẫn thúc đẩy chính sách xem Omicron giống như bệnh đặc hữu, bất chấp việc một số bác sĩ và hiệp hội chuyên môn, cũng như Cơ quan Dược phẩm châu Âu, chỉ trích vì cho rằng Covid-19 vẫn đang là một đại dịch.

Tại Pháp, số ca nhiễm vẫn đang có xu hướng tăng lên, với gần 300.000 ca mới được báo cáo từng ngày trong tuần này, gần như gấp 6 lần so với một tháng trước. Tuy nhiên, Tổng thống Emmanuel Macron đã chọn cách giảm tối thiểu các quy định hạn chế và tập trung vào việc thúc đẩy người dân phòng ngừa. Bộ trưởng Y tế Olivier Veran, người mắc Covid-19 hôm 13/1, cho biết các giới chức nước này đang theo dõi chặt chẽ dữ liệu từ Anh để xác định Pháp đã gần đạt đến đỉnh chưa.

Đức đang đi sau vài tuần so với một số nước láng giềng châu Âu trong làn sóng Omicron lần này. Nước này ghi nhận 80.430 ca mới vào hôm 11/1, phá vỡ kỷ lục hồi tháng 11/2021. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã không khuyến khích chính phủ áp dụng các hạn chế mới bất chấp cảnh báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng.

NYT dẫn lời ông Christian Drosten, nhà virus học nổi tiếng nhất nước Đức, lưu ý rằng Đức cuối cùng rất có thể sẽ phải chuyển sang xem Covid-19 như một bệnh đặc hữu. Italia cũng vậy khi nước này đang phải vật lộn với tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ đầu đại dịch. Nhưng trong những tuần gần đây, họ đã thắt chặt các hạn chế, bắt buộc phải tiêm vaccine cho những người từ 50 tuổi trở lên, bao gồm cả việc yêu cầu phải có thẻ xanh sức khỏe để sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Một phát ngôn viên của Bộ Y tế Italy cho biết, nước này "vẫn đang trong giai đoạn nhạy cảm" và các ca bệnh tăng đột biến hàng ngày tiếp tục gây áp lực lên hệ thống y tế. Các nhà khoa học Italy cũng cho rằng, còn quá sớm để tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu, ngay cả khi đã đến lúc "bắt đầu suy nghĩ về điều bình thường mới" và cùng tồn tại với virus, nhà virus học Fabrizio Pregliasco tại Đại học Milan cho biết.