1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

McCain - Obama: Một trời khác biệt

(Dân trí) - Mùa thu này, người Mỹ sẽ phải lựa chọn một trong hai ứng viên McCain và Obama trong tâm trạng đã quá chán nản với tình hình đất nước. Hai đấng trượng phu đều tự quảng bá là những nhà cải cách, mặc dù họ là một trời khác biệt...

Sự khác biệt đó nằm ở mọi thứ, từ hệ tư tưởng, nguồn gốc, đến vẻ ngoài lẫn kinh nghiệm.

 

Trong năm tháng tới, nền kinh tế ốm yếu của Mỹ cùng cuộc chiến ở Iraq cũng như những vấn đề về tuổi tác chắc chắn sẽ làm nên cuộc tranh cử có thể nói vô cùng khốc liệt để tìm người kế nhiệm Tổng thống Bush. Người chiến thắng sẽ là tổng thống thứ 44 của nước Mỹ.

 

Ông McCain, một cựu chiến binh 71 tuổi đã hứa sẽ không bao giờ đầu hàng al-Qaeda có thể sẽ trở thành tổng thống già nhất nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên. Còn ông Obama, 46 tuổi, một người da đen, đồng thời là một người mới đến trong Thượng viện, người cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến kéo dài ở Iraq, có thể sẽ trở thành người “thiểu số” đầu tiên bước vào Nhà Trắng.

 

“Bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này, hướng đi của đất nước về cơ bản sẽ thay đổi”, ngày hôm qua McCain đã cho biết như vậy tại New Orleans. “Nhưng đó là sự lựa chọn giữa thay đổi đúng và thay đổi sai; giữa tiến lên và tụt lùi”.

 

Về phần mình ông Obama “phản pháo” lại: “Có rất nhiều từ có thể diễn tả được những cố gắng của McCain nhằm thoát ra khỏi con đường, chính sách của George Bush, để trở thành một người mới, một người của cả hai đảng. Nhưng trong đó không có từ thay đổi”.

 

Có thể nói, có hai câu hỏi lớn mà các ứng cử viên cần phải trả lời cho đến ngày 4/11. Đó là liệu ông McCain có thể vượt qua khát khao thay đổi cháy bỏng của nước Mỹ bằng cách tự tách mình ra khỏi người tiền nhiệm đang bị “thất sủng” Bush trong khi vẫn trung thành với Bush trong những vấn đề chiến tranh và thuế má hay không. Và liệu ông Obama có thể vượt qua được quá khứ “nô lệ” không mấy dễ chịu và sự cố chấp vẫn còn dai dẳng của người Mỹ để trở thành tổng thống da đen đầu tiên hay không.

 

Sẽ phải cần 270 phiếu để có thể giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, và cuộc chiến chắc chắn sẽ “tàn khốc” nhất tại khoảng 14 “chiến trường bang”. Cả hai ứng cử viên sẽ phải chiến đấu để bảo vệ “thành luỹ” mà đảng của họ đã chiếm lĩnh trong cuộc chiến 4 năm về trước. McCain cũng sẽ phải giành chiến thắng ở những bang mà đảng Dân chủ nắm giữ ở vùng Great Lakes trong khi Obama hy vọng sẽ phá thủng được thành luỹ của đảng Cộng hoà ở miền nam.

 

Đây cũng là cuộc đọ sức đầu tiên trong một nửa thế kỷ qua mà ở đó không có tổng thống đương nhiệm cũng như phó tổng thống tham dự. Chiến dịch chạy đua đầu tiên như thế này diễn ra vào năm 1960. Ông McCain, thượng nghị sỹ đại diện cho bang Arizona 4 nhiệm kỳ là một nhà hoạt động tích cực của đảng Cộng hoà. Còn Obama, thượng nghị sỹ đại diện cho bang Illinois mới được một nhiệm kỳ, là một ngôi sao mới được phát hiện của đảng Dân chủ.

 

Xét về từng khía cách, giữa hai ứng cử viên này là một trời cách biệt.

 

Trước tiên, nước Mỹ sẽ phải lựa chọn giữa hai thái cực, với một thái cực là McCain theo đường lối bảo thủ, và thái cực kia là Obama theo đường lối tự do.

 

Một cuộc thăm dò dư luận do hãng thông tấn AP cùng Yahoo News tiến hành cho thấy chỉ hơn 1/3 số người được hỏi tự cho mình là “bảo thủ”, trong khi dưới ¼ tự nhận là “tự do”. Số còn lại lại tự nhận là “ôn hoà”.

 

Điều đó cũng có nghĩa là những cử tri không ở hai thái cực khác biệt trên sẽ là lực lượng quyết định chính ai sẽ là tổng thống của nước Mỹ. Vì vậy, cả hai ứng cử viên đã bắt đầu hướng tới quan điểm “trung dung” sau cuộc chiến ở kỳ bầu cử sơ bộ.

 

Tuy nhiên, khác biệt từ trước tới nay vẫn còn đó. Theo đường lối bảo thủ, McCain được mệnh danh là một “diều hâu phòng ngự”, ủng hộ chiến lược tăng quân ở Iraq, và phản đối việc rút quân sớm. Ông cũng ủng hộ lệnh trừng phạt cứng rắn với Iran và ủng hộ thương mại tự do và mở rộng việc cắt giảm thuế của Tổng thống Bush, những vấn đề lớn trong chính sách kinh tế hiện tại của nước Mỹ. Ngoài ra, ông phản đối việc nạo phá thai và là người ủng hộ lâu năm đối với việc kiềm chế công khố, một nhà “thập tự chinh” phản đối việc tiêu pha lãng phí của chính phủ. Ngoài ra, ông còn có chính sách “thị trường tự do” đối với mạng lưới y tế.

 

Trong khi đó, Obama lại nổi tiếng là người luôn ủng hộ quan điểm tự do trong Thượng viện. Ông phản đối chính sách mở rộng cắt giảm thuế của Tổng thống Bush trong lĩnh vực đầu tư; phản đối hiệp ước thương mại tự do với Trung Mỹ. Obama cũng phản đối việc tư hữu hoá cơ quan an ninh xã hội và ủng hộ quyền nạo phá thai. Ngoài ra, ngay từ đầu ông đã phản đối cuộc chiến ở Iraq và kêu gọi sớm rút quân khỏi Iraq, một trọng tâm chính trong chiến dịch tranh cử của thượng nghị sỹ bang  Illinois.

 

Về nguồn gốc xuất thân cũng như ngoại hình, hai ứng cử viên cũng rất khác. Là người da trắng, McCain có vóc dáng của con nhà binh. Ông từng là tù nhân chiến tranh Việt Nam và là cựu chiến binh thuỷ quân. Ông bắt đầu vào quốc hội Mỹ từ năm 1982 và đã có khoảng 2 thập kỷ trong Thượng viện, làm nên hình ảnh của mình với tư cách là một người có suy nghĩ độc lập, và đấu tranh không biết mệt mỏi cho những cải cách mới. Giờ đây, McCain tự quảng bá mình là một ứng cử viên có thừa kinh nghiệm và kiến thức để đưa ra những đánh giá tốt nhất, “chữa trị” khỏi cho những cơn ốm yếu của nước Mỹ.

 

Còn Obama, người con trai gầy gò, cao lêu nghêu của một người đàn ông nhập cư gốc Kenya và người phụ nữ Kansan. Ông đã từng “trôi dạt” tới IndonesiaHawaii. Tốt nghiệp Đại học Harvard, nhà hoạt động Chicago đã bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình khoảng một thập kỷ trước ở bang Illinois . Ông được trúng cử vào Thượng viện mới chỉ 3 năm rưỡi, và nhanh chóng nổi lên là ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ. Ông đã đánh bại đối thủ trong đảng mình, bà Hillary Rodham Clinton bằng lời hứa về sự thay đổi.

 

Tại thời điểm hiện nay, có vẻ như Obama gặp nhiều khó khăn hơn để làm nên điều kỳ diệu trong cuộc chạy đua với McCain xét về phương diện tuổi tác.

 

Một nghiên cứu của AP-Yahoo News so sánh các số liệu hồi tháng 11 năm ngoái và tháng tư vừa qua cho biết, McCain đã lấy lòng được nhiều người ban đầu còn bận tâm hoặc hoài nghi về tuổi tác của ông. Trong khi đó Obama cho đến nay mới làm cho những người không thoải mái với mình nhất “nhúc nhích” được chút ít.

 

Khoảng 13% những người hồi tháng 11 năm ngoái nói rằng họ cảm thấy rất không thoải mái khi bỏ phiếu cho một người da đen giờ mới quay sang ủng hộ cho Obama. Trong khi đó 51% sẽ bỏ phiếu cho McCain. 31% những người trước đó cho biết cảm thấy không thoải mái khi bỏ phiếu cho một ứng cử viên trên 70 tuổi giờ lại quay sang bỏ phiếu cho ông. Trong khi đó có 40% nói sẽ ủng hộ cho Obama.

 

Và ít nhất là cho tới thời điểm hiện nay, vẫn chưa rõ kinh nghiệm hay sự đổi thay sẽ lôi kéo được nhiều cử tri hơn. Một cuộc nghiên cứu tương tự cho thấy những người ủng hộ một người ngoài Washington, người sẽ mang đến thay đổi, vẫn còn lưỡng lự ngang nhau trong việc chọn McCain hay Obama. Trong khi đó những người ủng hộ nhân vật có kinh nghiệm ở Washington lại hơi nghiêng về McCain.

 

Tuy nhiên, những ai lạc quan rằng mọi thứ ở Washington sẽ có thể thay đổi thực sự lại ủng hộ Obama nhiều hơn là McCain, với tỷ lệ là 43% so với 31%. Còn những ai bi quan về khả năng có thay đổi ở Washington nghiêng về ủng hộ McCain nhiều hơn là Obama với khoảng cách rất lớn, 43% so với 23%.

 

Từ giờ trở đi, mỗi ứng cử viên sẽ còn 5 tháng để tìm đường đến với Nhà Trắng, Washington.

 

Phan Anh
Theo AP