1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Máy bay thương mại Nhật Bản lần đầu cất cánh

(Dân trí) - Máy bay thương mại 100 chỗ ngồi của Nhật Bản hôm qua đã lần đầu tiên bay thử sau 50 năm. Đây có thể là cột mốc đánh dấu sự gia nhập của quốc gia Đông Á trong lĩnh vực sản xuất máy bay thương mại.

 

Mẫu Mitsubishi Regional Jet (Ảnh: AFP)
Mẫu Mitsubishi Regional Jet (Ảnh: AFP)

Máy bay thương mại 100 chỗ ngồi mang tên Mitsubishi Regional Jet (MRJ) của Công ty Hàng không Mitsubishi ngày 10/11 đã cất cánh bay thử trong một giờ từ sân bay Nagoya.

MRJ là máy báy chở khách thương mại đầu tiên do Nhật Bản sản xuất kể từ sau khi mẫu YS-11 có 64 chỗ ngồi cất cánh cách đây 50 năm.

Công ty hàng không Mitsubishi, một đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Mitsubishi, hy vọng mẫu máy bay thương mại có giá thành sản xuất 47 triệu USD sẽ cạnh tranh được với mẫu Bombadier của Canada để trở thành công ty sản xuất máy bay thương mại cỡ nhỏ lớn thứ hai thế giới sau hãng Embraer SA của Brazil.

Chiếc MRJ đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển giao vào cho hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản, ANA Holdings, vào tháng 6/2017. Công ty hàng không Mitsubishi đang đặt mục tiêu bán được hơn 2.000 mẫu máy bay thương mại này nhằm giành lấy thị phần trước các đối thủ trong cùng lĩnh vực.

Tới nay, Công ty hàng không Mitsubishi đã nhận được 223 đơn hàng, chủ yếu là vào tháng 1 vừa qua sau khi hãng hàng không Japan Airlines đặt mua 32 mẫu.

Hợp đồng bán lẻ lớn nhất tính tới lúc này của công ty hàng không Mitsubishi, khoảng 100 máy bay, tới từ công ty điều hành hàng không trong khu vực Trans State Holdings của Mỹ.

Công ty hàng không Mitsubishi cho biết mẫu MRJ sử dụng nhiêu liệu chỉ bằng một phần năm so với máy bay cùng cỡ nhờ động cơ thế hệ mới của công ty Pratt & Whitney, một đơn vị thuộc Tập đoàn United Technologies.

Trong quá khứ, nỗ lực thành lập một công ty sản xuất máy bay thương mại của Nhật Bản đã thất bại. Liên doanh, trong đó có sự tham dự của Tập đoàn Công nghiệp Mitsubishi, chỉ bán được 182 mẫu YS-11.

Tuy nhiên, chương trình YS-11 đã giúp Tập đoàn Công nghiệp Mitsubishi và các công ty khác của Nhật Bản thắt chặt quan hệ với Tập đoàn Boeing, từ đó giúp các công ty này trở thành nhà cung cấp linh kiện và đối tác của hãng sản xuất máy bay danh tiếng của Mỹ, cũng như tạo tiền đề để Nhật Bản khôi phục lại ngành công nghiệp hàng không vốn đã bị giải thể sau Chiến tranh Thế giới II.

Hiện các công ty Nhật Bản cung ứng tới 35% các linh kiện lắp ráp cho mẫu Boeing 787, chủ yếu là ở phần cánh máy bay.

Ngọc Anh

Tổng hợp

 

Máy bay thương mại Nhật Bản lần đầu cất cánh - 2