Máy bay quân sự Mỹ chở nhóm nghị sĩ đến Đài Loan
(Dân trí) - Một nhóm 17 người, bao gồm các nghị sĩ Mỹ, đã di chuyển đến Đài Loan bằng máy bay vận tải quân sự trong chuyến thăm hòn đảo.
Hai tuần sau khi một phái đoàn các nhà lập pháp Mỹ có chuyến thăm bất ngờ tới Đài Loan, một đoàn nghị sĩ khác đã tới hòn đảo trong khuôn khổ chuyến đi 2 ngày.
Nhóm 17 người, dẫn đầu bởi hạ nghị sĩ Mark Takano, đã hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc vào tối 25/11. Họ di chuyển bằng máy bay vận tải quân sự C40-C của quân đội Mỹ.
Nhóm nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan hôm qua gồm 5 nhà lập pháp và các trợ lý. Họ dự kiến sẽ gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và các quan chức khác, bao gồm người đứng đầu cơ quan phòng vệ hòn đảo Khâu Quốc Chính.
Viện Mỹ tại Đài Loan cũng xác nhận thông tin nhóm nghị sĩ Mỹ tới thăm hòn đảo và cho biết đây là một phần của chuyến thăm quy mô lớn hơn tới khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các cuộc gặp sẽ bàn bạc về quan hệ Mỹ - Đài Loan, an ninh khu vực và các vấn đề quan trọng mà 2 bên cùng quan tâm.
Chuyến thăm diễn ra vài ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden họp hội nghị thượng đỉnh trực tuyến kéo dài hơn 3 giờ.
Động thái của nhóm nghị sĩ Mỹ được cho sẽ khiến Trung Quốc nổi giận. Trước đó, chuyến thăm Đài Loan ngày 9/11 do thượng nghị sĩ Mỹ John Cornyn dẫn đầu đã bị Bắc Kinh chỉ trích.
Trung Quốc cáo buộc chuyến thăm là "hành động khiêu khích" và thực hiện một cuộc tuần tra ở khu vực để đáp trả động thái mà họ gọi là "những hành động và phát ngôn sai lầm nghiêm trọng" của các quốc gia liên quan tới Đài Loan.
Hồi tháng 6, chuyến thăm kéo dài 3 giờ của một nhóm nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan đã khiến Bắc Kinh cảnh báo "hậu quả nghiêm trọng" cho Mỹ và hòn đảo.
Trung Quốc cáo buộc Lithuania "phản bội" vì vấn đề Đài Loan
Cũng liên quan tới vấn đề Đài Loan, Trung Quốc ngày 25/11 cho biết, họ đã dừng cấp thị thực ở Lithuania, trong bối cảnh 2 nước đang căng thẳng vì vấn đề Đài Loan.
"Do các lý do về mặt kỹ thuật, các dịch vụ về lãnh sự quán sẽ bị dừng lại từ ngày 25/11", Đại sứ quán Trung Quốc thông báo. Họ cho biết, thời điểm nối lại hoạt động này sẽ được công bố sau đó.
Tuy nhiên, theo Reuters, thông báo này đã bị xóa đi một thời gian ngắn sau đó.
Động thái của Trung Quốc diễn ra sau khi họ hạ cấp quan hệ với Lithuania xuống mức "đại biện" tuần trước nhằm phản đối quyết định của Vilnius cho phép hòn đảo mở "Văn phòng đại diện Đài Loan". Theo quy định quốc tế, người đứng đầu cơ quan ngoại giao một nước thường chia làm 3 cấp đại biện, công sứ và đại sứ, trong đó đại biện là cấp thấp nhất.
Đài Loan cũng có các cơ sở ở các nước châu Âu khác, nhưng thường chỉ được gọi với cái tên "văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc". Vì vậy, động thái của Lithuania đã khiến Trung Quốc "nóng mặt" vì Bắc Kinh coi hòn đảo là lãnh thổ không thể tách rời, phải thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 25/11, cáo buộc Lithuania đã "phản bội" lòng tin của Bắc Kinh. "Cuối cùng rồi họ sẽ phải trả giá", ông Triệu nói.
Trước đó, Trung Quốc đã rút đại sứ từ Lithuania về nước và yêu cầu Vilnius có hành động tương tự. Trung Quốc được cho đã dừng tàu chở hàng tới Lithuania và ngừng cấp phép xuất khẩu thực phẩm.