1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Máy bay mất tích của Malaysia bay rất thấp để né radar

(Dân trí) - Sau khi “biến mất” khỏi màn hình radar của đài kiểm soát không lưu, máy bay bị mất tích của Malaysia Airlines đã bay rất thấp, đồng thời lợi dụng địa hình đồi núi để né sự phát hiện của radar quân sự, báo giới Malaysia khẳng định.

Thông tin được tờ New StraitsTimes của Malaysia đăng tải dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra. Theo đó, chuyến bay MH370 đã hạ độ cao xuống chỉ còn 5000 feet (1524 m), thậm chí thấp hơn, để tránh sự phát hiện của các radar thương mại (radar cấp hai), sau khi nó quay đầu khỏi hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh hôm 8/3.

Lộ trình thực sự của MH370 ngày càng trở nên bí ẩn
Lộ trình thực sự của MH370 ngày càng trở nên bí ẩn

Các nhà điều tra hiện đang rà soát hành trình bay của chiếc Boeing 777-200, để xác định xem liệu nó đã bay thấp và sử dụng kỹ thuật “núp địa hình” trong suốt hầu hết 8 giờ máy bay này biến mất khỏi màn hình radar, của có lẽ ít nhất 3 quốc gia.

Những quan chức hàng đầu, những người đang được huy động cho cuộc điều tra, đang xem xét khả năng chiếc máy bay mang theo 239 người, đã lợi dụng các tuyến hàng không đông đúc bên trên Vịnh Bengal.

Bằng cách bay theo các chặng bay thương mại, máy bay có thể sẽ tránh được sự nghi ngờ của những nhân viên trực radar quân sự (radar cấp một) tại các quốc gia mà nó bay qua. Khi đó, với họ, MH370 xem ra có vẻ cũng chỉ như một máy bay thương mại khác đang trong hành trình của mình.

“Người đã điều khiển máy bay có kiến thức vững chắc về điện tử hàng không và định vị, và không để lại dấu vết gì. Nó đã bay thấp qua khu vực Kelantan (bang ở phía Đông Bắc bán đảo Malaysia), đó là sự thật”, các quan chức cho biết.

“Có khả năng máy bay đã nương mình vào địa hình tại một số khu vực, có thể là đồi núi để tránh bị radar phát hiện”.

Kỹ thuật này được gọi là “núp địa hình” và thường được sử dụng bởi các phi công quân sự, để có thể tiếp cận mục tiêu mà không bị phát hiện, nhờ việc sử dụng địa hình để che giấu sự tiếp cận của mình trước các sóng điện từ.

Đây là một phương pháp bay rất nguy hiểm, đặc biệt trong điều kiện thiếu ánh sáng, đôi lúc bị mất phương hướng, và tình trạng say máy bay có thể dễ dàng xảy ra. Những sức ép và tải trọng đối với khung máy bay, nhất là đối với một chiếc cỡ nhưng Boeing 777, là cực kỳ lớn.

“Trong khi cuộc tìm kiếm hiện tại được chia thành hai khu vực lớn, dữ liệu mà đội điều tra thu thập được dẫn chúng tôi thiên về phía Bắc hơn”, các nguồn tin cho biết.

Trước đó, trong ngày thứ Bảy, thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Razak khẳng định, dữ liệu chuyến bay cho thấy lần liên lạc cuối cùng với vệ tinh, máy bay nằm trên một trong hai hành lang: phía Bắc trải đài từ gần biên giới Kazakhstan Turkmenistan tới Bắc Thái Lan, hành lang phía Nam từ Indonesia tới Nam Ấn Độ Dương.

Máy bay được cho là đã bay theo một trong hai đường màu đỏ
Máy bay được cho là đã bay theo một trong hai đường màu đỏ

Các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết, cuộc điều tra cũng sẽ tập trung vào những khu vực có nhiều sân bay bỏ không có đường băng dài, đủ khả năng đón những máy bay cỡ lớn như Boeing 777. Như vậy các nhà điều tra có thể thu hẹp được diện tích điều tra xuống chỉ còn trong bán kính 8 giờ bay của MH370, dựa trên lượng nhiên liệu của máy bay.

Trước đó, Malaysia Airlines xác nhận rằng các phi công không hề có điều chỉnh gì về yêu cầu nhiên liệu, có nghĩa là máy bay có đủ nhiên liệu để bay tới Bắc Kinh, kèm lượng nhiện liệu dự phòng cho 45 phút bay trong trường hợp phải chuyển hướng tới sân bay khác.

Các nhà điều tra cũng tính đến khả năng máy bay đốt nhiều nhiên liệu hơn do không khí đặc hơn khi bay ở tầm thấp trong thời gian dài. Các phi công cho rằng MH370 sẽ mất lượng nhiên liệu tương đương ít nhất 2 giờ bay. Bất kỳ sự chuyển hướng đột ngột nào cũng khiến lượng nhiên liệu dự trữ giảm xuống.

“Giả sử máy bay bị không tặc, với giả định nó đã hạ cánh, vậy người ta có thể giấu một chiếc Boeing 777 ở đâu?”, một nhà điều tra nói.

Từ khoảng thời gian máy bay quay đầu tại vị trí gần không phận Việt Nam, cho tới điểm nó biến mất khỏi màn hình radar quân sự, 6 tín hiệu “ping” tự động từ máy bay đã được các vệ tinh ghi lại.

Tín hiệu cuối cùng được ghi nhận lúc 8 giờ 11 phút sáng ngày thứ Bảy, cho thấy máy bay có thể đã bay thêm gần 7 tiếng nữa sau khi mất liên lạc.

Các nguồn tin xác nhận rằng đợt ping thứ 7 không diễn ra.

“Tín hiệu thứ 7 được gửi đi nhưng không có phản hồi. Có hai khả năng, hoặc là nó đã hạ cánh ở đâu đó và động cơ được tắt đi, hoặc nó đã bị rơi”.

Hiện giới chức Kuala Lumpur đã chính thức tiếp cận một số quốc gia, với hy vọng họ sẽ chia sẻ cởi mở và rà soát các dữ liệu vệ tinh và radar của mình.

Thanh Tùng
Theo NST