Việt - Mỹ mở trung tâm khởi nghiệp chống biến đổi khí hậu đầu tiên ở châu Á
(Dân trí) - Trung tâm Hợp tác Khởi nghiệp về Biến đổi khí hậu (CCE Hub) được các cơ quan Việt - Mỹ khai trương vào sáng 27/9 tại Hà Nội. Đây là CCE Hub đầu tiên tại châu Á và thứ 2 trên thế giới.
Nếu một doanh nghiệp thủy sản có ý tưởng về cách nuôi tôm bền vững hơn, hay một start-up muốn dùng công nghệ vệ tinh để phát hiện lũ sớm, họ có thể đến đâu để kết nối với các cá nhân, tổ chức cùng chí hướng, có thể giúp nghiên cứu, triển khai và nhân rộng ý tưởng ấy?
Đây chính là vấn đề mà Trung tâm Hợp tác Khởi nghiệp về Biến đổi khí hậu - nơi vừa được khánh thành tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) bởi PTIT, Bộ Ngoại giao Mỹ và Công ty VMO Holdings - đặt mục tiêu giải quyết.
Trung tâm này được hy vọng sẽ "cầu nối của cộng đồng doanh nghiệp", nơi các nhà khởi nghiệp có thể gặp nhau để hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu bền vững như năng lượng sạch, nông nghiệp bền vững, tài chính khí hậu…
"Chúng ta cần các start-up và doanh nhân mới nổi mang đến những giải pháp của tương lai đến thị trường ngày nay, và chúng ta cần những nhà đổi mới tận tâm áp dụng các giải pháp khí hậu hiện có theo những cách mới", bà Dorothy McAuliffe, Đặc phái viên về Quan hệ Đối tác Toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói tại sự kiện sáng 27/9.
"Và tôi cho rằng không có nơi nào tốt hơn Việt Nam để ta tìm thấy sự khéo léo và đổi mới này", bà McAuliffe khẳng định và lưu ý rằng hợp tác chống biến đổi khí hậu không thể chỉ là hợp tác giữa các chính phủ.
Lễ khai trương CCE Hub được tổ chức hơn 2 tuần sau khi Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và một nội dung trong đó chính là hợp tác về biến đổi khí hậu.
Việt Nam và Mỹ sẽ phối hợp tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, trong các lĩnh vực thích ứng liên ngành với biến đổi khí hậu; hợp tác trong hiện đại hóa hạ tầng truyền tải điện, tích hợp năng lượng tái tạo, phát triển thị trường khí hậu, giải pháp lưu trữ năng lượng…, theo tuyên bố chung Việt - Mỹ ngày 11/9.
"Có doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản có mong muốn hiện đại hóa, số hóa quy trình nuôi trồng, xử lý và chế biến. Trung tâm này sẽ là sự xúc tác kết nối giữa doanh nghiệp và công nghệ", ông Trịnh Thanh Bình - cố vấn Ban Giám đốc công ty Lancs Network, một start-up trong lĩnh vực an ninh mạng - nói với phóng viên Dân trí.
"Trung tâm này có thể giúp hình thành những sáng kiến, dự án được chuyển giao kỹ thuật hay dự án nghiên cứu sâu hơn, có thể được ứng dụng vào hoạt động của các doanh nghiệp kinh tế không chỉ ở Việt Nam mà còn cả các nước trong khu vực", ông Bình nói.
Bên cạnh khai trương CCE Hub, PTIT, Bộ ngoại giao Mỹ, và VMO Holdings cũng cùng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong sáng 27/9.
Chương trình Hợp tác Khởi nghiệp về Biến đổi khí hậu (CCE) là quan hệ đối tác công - tư nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu và góp phần trao quyền kinh tế cho các nước đang phát triển, thông qua nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp tập trung vào các giải pháp chống biến đổi khí hậu.
Trung tâm (Hub) CCE đầu tiên trên thế giới được mở tại Accra, Ghana vào tháng 2 với sự hợp tác của hãng thiết kế chip ARM và Đại học Academic City.
Trong khuôn khổ hợp tác với các bên liên quan, CCE Hub tại Ghana đã có những bước hỗ trợ đầu tiên để phát triển hệ sinh thái start-up chống biến đổi khí hậu tại nước này, như chương trình Gia tốc Công nghệ Khí hậu (CTA).
Alex Kruzel - CEO công ty tư vấn Telesto Strategy (Mỹ), một trong những bên tham gia tổ chức CTA - cho biết chương trình này vừa kết thúc vào 2 tuần trước và đã chọn ra 6 start-up "có tiềm năng đáng kể có thể tạo ra tác động lâu dài trong hệ sinh thái Ghana".
"Tuy còn khá sớm để nói về kết quả do còn cần thời gian, một trong 6 start-up trong nhóm CCE đã lọt vào top 200 start-up toàn cầu được trang TechCrunch chọn tham gia sự kiện (TechCrunch Disrupt) ở San Francisco vào tuần trước", bà Kruzel nói với Dân trí, thêm rằng công ty này sau đó đã nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư.