1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Việt Nam và vai trò đóng góp đẩy lùi tác động của biến đổi khí hậu

Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma

(Dân trí) - Tôi rất vui khi đến thăm Việt Nam để thảo luận về cách thức chúng ta có thể cùng giải quyết mối đe dọa to lớn của biến đổi khí hậu và xây dựng một tương lai tươi đẹp và bền vững hơn.

Bộ trưởng, Chủ tịch Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) Alok Sharma hôm nay bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài 2 ngày. Ông Sharma sẽ gặp gỡ các quan chức Việt Nam để thảo lụân về cách thức Việt Nam - Vương quốc Anh cùng các quốc gia khác trên thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng một tương lai bền vững hơn. COP26 sẽ được tổ chức vào tháng 11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh.

Việt Nam và vai trò đóng góp đẩy lùi tác động của biến đổi khí hậu - 1

Bộ trưởng Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). (Ảnh: ĐSQ Anh).

Tháng 11 này, Vương quốc Anh sẽ chào đón lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đến thành phố Glasgow để tham dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26). 

Năm 2015, thế giới đã ký kết Thỏa thuận Paris, một thỏa thuận quốc tế nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu. Trong Thỏa thuận đó, các quốc gia đã cùng cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C và nỗ lực để giảm mức đó xuống 1,5 độ C. Khoa học đã chứng minh rằng chỉ với mục tiêu này, thế giới mới có thể tránh được những tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Chỉ một thay đổi nhỏ trong nhiệt độ cũng tạo ra sự khác biệt to lớn. Nếu nhiệt độ toàn cầu trung bình tăng 2 độ C thay vì 1,5 độ C, sẽ có thêm hàng trăm triệu người phải chịu ảnh hưởng. Sự khác biệt về nhiệt độ này cũng sẽ khiến gấp đôi số thực vật và gấp ba loài côn trùng phải đối mặt với việc mất đi môi trường sống. Tại Việt Nam, tôi được biết rằng biến đổi khí hậu đã và đang tác động tới sinh kế của hàng triệu người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy vậy, kể từ khi mục tiêu 1,5 độ được đặt ra trong Thỏa thuận Paris, thế giới chưa hành động đủ và hành tinh của chúng ta vẫn đang ngày một nóng lên. Với vai trò là Chủ tịch COP26, tôi đã tận mắt chứng kiến những ảnh hưởng nặng nề từ sự nóng lên toàn cầu. Đó là băng tan, mùa màng suy thoái và người dân địa phương buộc phải bỏ lại nhà cửa của mình. Nếu thế giới vẫn tiếp tục như hiện nay, những tác động này sẽ còn diễn ra nhanh hơn và ở mức độ tồi tệ hơn.

Tổ chức theo dõi Hành động Khí hậu (Climate Action Tracker) ước tính rằng nếu các quốc gia tiếp tục duy trì các mục tiêu giảm phát thải hiện tại của mình, trái đất sẽ có xu hướng tăng nhiệt độ trung bình là 2,4 độ C. Tuy đây là một sự tiến bộ so với ước tính vào cùng thời điểm năm ngoái, chúng ta còn phải còn nỗ lực nhiều hơn nữa: để có thể đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C, chúng ta phải giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030. Vì vậy, đây chính là thập kỷ mang tính quyết định.

4 mục tiêu chính

Chúng ta phải hành động ngay bây giờ, để khởi động một nỗ lực toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải trong mười năm tới. Giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội để chúng ta cải thiện nền kinh tế và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn - một môi trường với không khí trong lành hơn, một xã hội với nhiều việc làm "xanh", tăng cường sự thịnh vượng chung một cách bền vững và không gây hại cho hành tinh.

Đó là lý do vì sao hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên Hợp quốc, COP26, tại Glasgow trở nên rất quan trọng. Đây là thời điểm mà mọi quốc gia và mọi thành viên của xã hội đều có thể góp phần hướng tới mục tiêu toàn cầu 1,5 độ C và cùng bảo vệ hành tinh của chúng ta.

Với vai trò là Chủ tịch COP26 cùng với Chính phủ Anh, tôi đề xuất hành động xoay quanh 4 mục tiêu chính sau đây.

Trước tiên, chúng ta cần cùng chí hướng trên con đường đạt mục tiêu giảm phát thải bằng không vào giữa thế kỷ này. Đây là hướng đi cần thiết để có thể đảm bảo mục tiêu 1,5 độ C. Vì vậy, trước COP26, chúng ta cần các quốc gia có mục tiêu giảm phát thải rõ ràng. Tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ đẩy mạnh hành động và sớm công bố năm đạt đỉnh phát thải của mình trước COP26.

Chúng ta cũng cần hành động trong các lĩnh vực gây ô nhiễm nhất. Nếu chúng ta nghiêm túc với mục tiêu 1,5 độ C, Hội nghị COP26 phải là thời điểm chúng ta cam kết chấm dứt việc sử dụng điện than, ngừng nạn chặt phá rừng và hướng tới xóa bỏ những phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Vì vậy, chúng tôi đang làm việc với chính phủ các nước và thông qua các tổ chức quốc tế để chấm dứt hỗ trợ tài chính quốc tế cho các dự án sử dụng than trên toàn cầu - đây là một ưu tiên của cá nhân tôi. Chúng tôi hối thúc các nước loại bỏ điện than, và chúng tôi cũng đang làm việc với các nước đang phát triển để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Chúng ta đã thấy những bước tiến thực sự. Hội nghị Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường G7 do tôi đồng chủ trì gần đây đã đưa ra cam kết rằng các nước thuộc nhóm G7 sẽ dần loại bỏ than trong thị trường nội địa và chấm dứt mọi hỗ trợ mới và trực tiếp của chính phủ đối với các dự án sử dụng điện than trên toàn cầu vào cuối năm 2021. Tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam, bao gồm năng lượng mặt trời và gió, chính là giải pháp thiết thực thay thế cho việc xây dựng nhà máy điện than mới, và là một cách để tiếp tục thu hút đầu tư công nghệ cao.

Mục tiêu thứ hai của chúng ta là bảo vệ con người và thiên nhiên khỏi những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Khủng hoảng khí hậu đã tồn tại và chúng ta phải cùng hành động để nâng cao công tác phòng chống lũ lụt, hệ thống cảnh báo và các nỗ lực quan trọng khác để giảm thiểu những mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Tại Việt Nam, tôi được biết về những tổn thất nặng nề về con người cũng như tài sản mà thời tiết khắc nghiệt tại miền Trung Việt Nam đã gây ra vào cuối năm ngoái. Việc giúp các cộng đồng tăng khả năng chống chịu cho nhà ở và cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết.

Mục tiêu thứ ba là tài chính - một yếu tố quan trọng trong kế hoạch của chúng ta. Các nước phát triển cần cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm như đã cam kết để hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Vương quốc Anh là một ví dụ tiên phong với cam kết tài trợ 11,6 tỷ Bảng Anh từ năm 2021 đến năm 2025. Và chúng ta cần sự đồng hành của tất cả các nước phát triển.

Chúng ta cũng cần phải hỗ trợ cho việc tiếp cận tài chính một cách dễ dàng hơn và tăng nguồn tài chính sẵn có để bảo vệ con người và thiên nhiên. Vào tháng 3 vừa qua, tôi đã có dịp họp cùng các Bộ trưởng từ 50 chính phủ và các tổ chức quốc tế để giải quyết những vấn đề này và chúng tôi đang tập trung thực hiện các cam kết được đề ra tại cuộc họp này.

Thứ tư, chúng ta phải làm việc cùng nhau để xây dựng sự đồng thuận giữa các chính phủ để đảm bảo sự thành công của Hội nghị COP26. Chúng ta cũng cần có sự tham gia của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự để đạt được mục tiêu của COP26 và tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực quan trọng. Đây cũng là một trong những nội dung thảo luận của tôi với Chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm tuần này.

Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, tăng cường nỗ lực cho những mục tiêu này, bởi COP26 là hy vọng cuối cùng của chúng ta để duy trì cam kết 1,5 độ C và là cơ hội tốt nhất để chúng ta xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.

Đây là thời điểm của chúng ta. Hãy cùng nắm bắt cơ hội!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm