1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mariupol và những ngày khói lửa

Thanh Thành

(Dân trí) - Mariupol từng chứng kiến giao tranh khốc liệt nhất tại Ukraine trong những tháng đầu tiên khi Nga mở chiến dịch quân sự. Giờ đây, thành phố đã bị tàn phá nghiêm trọng và trở thành đống hoang tàn.

Mariupol và những ngày khói lửa - 1

Mariupol cho đến nay vẫn được đánh giá là chiến trường khốc liệt nhất tại Ukraine (Ảnh: Getty).

Chỉ trong hơn 80 ngày sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các lực lượng Nga đã liên tục dội bom Mariupol nhằm giành quyền kiểm soát thành phố cảng chiến lược này.

Nga cuối cùng đã chiếm Mariupol vào tháng 5/2022 và kéo dài cho đến nay. Một năm kể từ ngày 24/2/2022, nhiều câu chuyện viết về Mariupol đều mô tả thành phố này là chương "đẫm máu nhất và gây sốc nhất" trong cuộc xung đột khốc liệt tại Ukraine.

Bất ngờ với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga

Mariupol và những ngày khói lửa - 2

Mariupol từng chứng kiến các cuộc giao tranh khốc liệt giữa các lực lượng Nga và Ukraine (Ảnh: ISW).

Người dân Mariupol chào đón năm mới 2022 với tâm trạng thoải mái, bình yên. Nhưng khi một cơn gió mạnh làm đổ cây thông Noel chiếu sáng rực rỡ ở trung tâm thành phố, đã có những đồn đoán về một điềm xấu gì đó.

Nhưng hầu hết mọi người không nghĩ đến một kết cục chiến sự đẫm máu như hiện nay đối với thành phố này.

Họ đã quen với những tin đồn về chiến tranh ở đây, sau các sự kiện năm 2014 khi bán đảo Crimea sáp nhập về Nga và Moscow giành quyền kiểm soát Donetsk và cả Mariupol trong một thời gian ngắn. Tiền tuyến, ngay bên ngoài thành phố, hầu như vẫn yên ắng như vậy trong nhiều năm.

Việc thỉnh thoảng chứng kiến các cuộc giao tranh không thường xuyên là một thực tế của cuộc sống ở đây, nhưng không ai nghĩ đến một chiến sự đẫm máu.

Vì vậy, trong 7 tuần đầu tiên của năm 2022, cuộc sống hầu như vẫn diễn ra bình thường. Mọi người tụ tập trong quán cà phê vào những buổi tối lạnh giá; thanh thiếu niên vui cười khi trượt trên sân trượt băng phía sau nhà hát kịch. Tại một nhà hàng gần đó, không khí vẫn rất náo nhiệt theo điệu nhạc du dương.

Một số ít người cảm thấy lo lắng và bắt đầu dọn dẹp tầng hầm, trang bị làm hầm tránh bom. Họ dự trữ thực phẩm đóng hộp. Và số ít người này thường bị bạn bè trêu chọc vì "những hành vi lập dị".

Nhưng vào rạng sáng ngày 24/2, mọi việc bùng nổ.

Khoảng 5 giờ sáng, các cảnh sát trưởng và lãnh đạo các cơ quan ban ngành khác của thành phố phát đi thông báo, Nga đã bắt đầu các hoạt động quân sự đồng thời yêu cầu tất cả chuẩn bị sẵn sàng, không rời khỏi nhà. Hầu hết mọi người đều bị đánh thức bởi âm thanh của pháo binh Nga.

Vào lúc 11 giờ sáng, Thị trưởng thành phố Vadym Boychenko triệu tập một cuộc họp khẩn. Tại cuộc họp, ông thông báo đã có 3 người thường thiệt mạng và 6 người bị thương. Không khí trong phòng rất căng thẳng, nhưng Thị trưởng Boychenko đảm bảo với một số nhà báo có mặt lúc đó rằng, các quan chức và nhân viên cơ sở hạ tầng chủ chốt vẫn đang làm việc và cuộc sống sẽ tiếp diễn.

"Mọi người đừng hoảng loạn. Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu vì Mariupol và Ukraine", Thị trưởng Boychenko nói. Nhưng ông và hầu hết chính quyền của ông phải rời khỏi thành phố 3 ngày sau đó.

Trong vài ngày đầu tiên, giao tranh chỉ giới hạn ở vùng ngoại ô thành phố. Hàng dài người xếp hàng tại các cây ATM và trạm xăng, nhưng các phương tiện giao thông công cộng vẫn hoạt động, và một số người vẫn đi làm như thể mọi thứ vẫn bình thường.

Tại ga xe lửa, nhiều cặp vợ chồng đẫm nước mắt tiễn con cái của họ lên những chuyến tàu sơ tán hướng đến Kiev. Nhưng các chuyến tàu vẫn trống một nửa. Vào thời điểm hầu hết mọi người nhận ra điều gì sắp xảy ra thì đã quá muộn để rời đi.

Ở phía đông thành phố, lực lượng Nga khó xuyên thủng nhưng ở phía tây, nơi  không có sự chuẩn bị tốt, quân đội Nga tràn qua eo đất hẹp từ Crimea về phía Mariupol, và chỉ trong vài ngày, thành phố đã bị bao vây.

Gần như ngay lập tức, lực lượng Nga tấn công vào nguồn cung cấp điện, nước và khí đốt. Mọi người làm tan tuyết để lấy nước và nấu ăn bằng củi. Hệ thống thông tin liên lạc bị cắt đứt. Các cửa hàng cuối cùng cũng đóng cửa và bị cướp phá bởi những người tuyệt vọng vì không có thức ăn.

Khi cuộc chiến trở nên khốc liệt hơn, mọi người kéo nệm vào cầu thang trong khu chung cư, hoặc di chuyển vào tầng hầm tối tăm và lạnh cóng. Một số người quá già hoặc quá yếu nên không thể rời đi và thiệt mạng. 

Tại Bệnh viện Số 1 ở phía đông thành phố, hầu hết các bác sĩ đã rời đi. Chỉ còn lại bác sĩ về chấn thương Mudryi, hai bác sĩ phẫu thuật khác, một bác sĩ gây mê và một vài y tá.

Và họ đối mặt thực tế là những người bị thương ngày càng nhiều, cả binh lính và thường dân. Các bác sĩ không có thời gian cho những ca phẫu thuật phức tạp cần thiết như nỗ lực để bệnh nhân không bị tứ chi. Bác sĩ Mudryi giải thích với bệnh nhân: "Sau phẫu thuật, vết thương cần được chăm sóc rất kỹ, có nguy cơ nhiễm trùng và hoại tử rất lớn, rồi tử vong vì nó. Bây giờ, hễ bị thương nặng là các bác sĩ cắt cụt chi. Bệnh nhân sẽ mất một cánh tay hoặc một chân nhưng có nhiều cơ hội sống hơn".

Khi giao tranh chuyển sang vùng ngoại ô và nhiều tòa nhà bị cháy, nhiều người sống gần đó chuyển vào sống ở tầng hầm của bệnh viện. Một cụ bà 92 tuổi nói với bác sĩ Mudryi rằng, bà đến đây vì nhớ đã trốn ở cùng một nơi như thế trong Thế chiến II và đã sống tốt. Nhưng rồi bệnh viện cũng bị trúng pháo kích. 

Bị bao vây

Không có tín hiệu di động trong thành phố, tin đồn về lệnh ngừng bắn và hành lang sơ tán bùng lên nhưng không có thông tin xác thực. Lực lượng Ukraine có cho họ ra ngoài? Phía Nga có cho họ rời đi? Quân đội Nga đã ở Kiev chưa? Không ai biết chắc chắn điều gì đang xảy ra.

Mariupol và những ngày khói lửa - 3

Dân thường di tản ra khỏi Mariupol (Ảnh: Getty).

Cuộc giao tranh căng thẳng đến mức không ai dám ra ngoài. Trong thời gian hiếm hoi ngưng tiếng súng, người dân tranh thủ đi chôn cất những nạn nhân thiệt mạng.

Tại một khu chung cư trung tâm, một nhóm đàn ông lao ra đường để nhanh chóng tiến hành thủ tục chôn cất một số phụ nữ lớn tuổi. Đó là một cảnh lặp đi lặp lại trên toàn thành phố.

Ở những nơi khác trên khắp Ukraine, mọi người cố gắng liên lạc với người thân ở Mariupol trong tuyệt vọng. "Số điện thoại này hiện không liên lạc được. Xin vui lòng gọi lại sau", luôn là câu trả lời tự động mà mọi người nhận được khi liên lạc cho người thân ở Mariupol. Mọi người bắt đầu gặp ác mộng về câu trả lời tự động này.

Thời gian trôi qua, một số người trở nên tức giận và bấn loạn khi họ nhận ra rằng, không có cách nào để ra khỏi thành phố an toàn và họ có thể chết trong tầng hầm của mình, vì lạnh, đói hoặc bom đạn.

Vụ tấn công nhà hát

Khi có càng nhiều khu dân cư bị tấn công và các tuyến đường sơ tán ra khỏi thành phố bị đóng cửa, nhiều người tụ tập tại những nơi trú ẩn công cộng. Đông nhất có lẽ là ở nhà hát kịch thành phố, nơi có hơn 1.000 người trú ẩn. 

Mariupol và những ngày khói lửa - 4

Người dân bị mất nhà cửa ngủ tại nơi trú ẩn tạm thời tại một phòng tập thể dục (Ảnh: Getty).

Vào ngày 11/3, Oleksandr Khodzhava, một công nhân làm việc cho nhà máy thép, đến nhà hát cùng cha mẹ, vợ và hai cô con gái nhỏ sau khi tòa nhà chung cư của họ bị trúng pháo kích.

Khi đến nơi, cả gia đình tìm một chỗ ngủ trên sàn nhà lạnh lẽo của phòng hóa trang, bên cạnh những chiếc máy khâu và những mảnh vải vụn. Họ nhận được khẩu phần ít ỏi 3 lần mỗi ngày: nước nóng cho bữa sáng, súp cho bữa trưa và một chiếc bánh quy cho bữa tối.

Sáng sớm 16/3, họ chuyển đến căn hầm, một phòng điều khiển đầy thiết bị điện tử ở nhà hát vì nghĩ rằng ở đó sẽ an toàn hơn. Sàn nhà được phủ bằng đệm mềm xé từ ghế ngồi trong nhà hát. Oleksandr đi giúp chuẩn bị thức ăn, trong khi vợ anh đưa cô con gái út của họ trở lại phòng hóa trang để dọn dẹp nơi ở cũ. Cha mẹ của Oleksandr, Serhiy và Iryna, ở dưới tầng hầm.

Ở đâu đó xa xa, họ nghe thấy tiếng động cơ máy bay yếu ớt. Ngay sau đó thì nhìn thấy một tia chớp và một vụ nổ lớn. Vụ nổ xé toạc cửa căn hầm. Mọi thứ đều phủ đầy bụi phấn; khói dày lơ lửng trong không khí. Ông Serhiy may mắn sống sót và cố đứng dậy ra khỏi hầm. Nhưng nhiều người thân của ông thì không may mắn như vậy. Con trai ông là Oleksandr, vợ và một cô con gái nhỏ đã thiệt mạng.

Ông Serhiy và vợ, nắm tay cháu gái còn sống sót của họ là Valeriya, bàng hoàng đi lang thang trên các con phố quanh nhà hát, ho vì bụi và không biết phải làm gì. Sau một thời gian, cả ba quyết định bắt đầu cuộc hành trình đầy rủi ro ra khỏi Mariupol. Họ đến lãnh thổ do Ukraine kiểm soát, nơi phải bắt đầu một cuộc sống mới với cảm giác mất mát tàn khốc.

Cả Nga và Ukraine đều đổ lỗi cho nhau đã tấn công nhà hát này. Theo ước tính của hãng tin AP, khoảng 600 người có thể đã chết trong vụ tấn công này.

Chôn cất và tái thiết

Lực lượng Nga kiểm soát Mariupol trong khung cảnh đổ nát của nơi từng là một thành phố sôi động. Người dân ở đây không có nước hoặc điện, và các tổ chức nhân đạo cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch tả.

Mariupol và những ngày khói lửa - 5

Một nghĩa trang mới mọc lên ở Mariupol (Ảnh: Getty).

Thành phố được ví như "một nghĩa trang mở", với hàng ngàn ngôi mộ được lập vội trong sân của các khu chung cư. Khi các đội cứu hộ đến từng nhà, họ thấy nhiều người già đã qua đời trong chính căn hộ của họ. 

Các phương tiện truyền thông ở Nga cũng thừa nhận tình hình ở thành phố này rất nghiêm trọng đồng thời cáo buộc do phía Ukraine gây ra.

Khi hệ thống thông tin liên lạc ở đây được kết nối lại và chiến sự kết thúc, người thân ở khắp nơi đổ về tìm tung tích người thân và cố gắng chôn cất người chết theo tục lệ. Những con số đánh dấu ngôi mộ của những cư dân không xác định được danh tính ở Mariupol tại nghĩa trang Starokrymske cho thấy thực tế khốc liệt của nó.

"Tôi không biết mình đã chôn cất bao nhiêu người, nhưng nhiều lắm",  anh Oleksandr, một người làm việc tại nghĩa trang nói. 

Chính phủ Nga đã giao cho chính quyền St. Petersburg và thành phố viễn đông Khabarovsk nhiệm vụ bảo trợ, giám sát việc tái thiết Mariupol, đồng thời điều nhiều quan chức đến đây để chỉ đạo công cuộc tái thiết.

Mariupol và những ngày khói lửa - 6

Bên ngoài một tòa nhà ở thành phố Mariupol bị phá hủy trong các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine (Ảnh: AP).

Trong một tuyên bố hồi tháng 8/2022, Phó thủ tướng Nga Marat Khusnullin cho biết: "Các tòa nhà dân cư đầu tiên sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 9. Chúng tôi cũng sẽ có những bệnh viện đầu tiên và sẽ xây một trung tâm của Bộ Tình trạng Khẩn cấp". 

Nga cũng có kế hoạch xây dựng lại khu trung tâm lịch sử của Mariupol, cải tạo tất cả tòa nhà chưa bị những trận pháo kích phá hủy hoàn toàn.

Các công ty Nga tuyển dụng hàng nghìn lao động nhập cư từ Trung Á đến Mariupol xây dựng lại thành phố.

Abdulloh, một thợ mộc 24 tuổi đến từ Tajikistan, đến Mariupol vào giữa tháng 12/2020 trên một chuyến xe buýt từ Moscow, nơi trước đây anh làm việc tại các công trường xây dựng, cùng với những công nhân khác đến từ Tajikistan và Kyrgyzstan. Những người đàn ông sống trong một ký túc xá đại học đã bị phá hủy một nửa và làm việc nhiều giờ để xây sửa lại các tòa nhà khác nhau. Chỉ riêng tại công trường xây dựng của Abdulloh đã có khoảng 300 công nhân đến từ Tajikistan.

Thành phố bên bờ biển Azov này có dân số khoảng 400.000 người trước khi chiến sự bùng phát, buộc nhiều người phải sơ tán. Phó Thủ tướng Nga Khusnullin cho biết, dân số Mariupol sẽ tăng lên 350.000 người vào năm 2025 nhưng không nói rõ mục tiêu này sẽ đạt được bằng cách nào.

Mariupol đã bị tàn phá nặng nề sau nhiều tháng chiến sự. Phía Ukraine cho rằng hàng chục nghìn người đã chết ở thành phố này do giao tranh. Vì vậy, theo các chuyên gia bất chấp những nỗ lực tái thiết mạnh mẽ của Nga, sẽ còn rất lâu nữa Mariupol mới có thể "trở lại là chính mình".

Theo Guardian