1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mảnh ghép đầu tiên trong chiến lược mới của Mỹ để đối phó Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, việc Panama quyết định rút khỏi sáng kiến "Vành đai và Con đường" được xem là một phần trong chiến lược mới của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc.

Mảnh ghép đầu tiên trong chiến lược mới của Mỹ để đối phó Trung Quốc - 1

Phái đoàn quan chức Mỹ thăm kênh đào Panama hồi tuần trước (Ảnh: Reuters).

Mỹ có thể đang nhắm vào các "mắt xích yếu" trong các sáng kiến hoặc nhóm do Trung Quốc hậu thuẫn để làm giảm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh như một phần của chiến lược mới được Tổng thống Donald Trump triển khai, theo các nhà quan sát.

Họ cho rằng, theo cách tiếp cận này, Mỹ có thể nhắm vào những quốc gia thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường" hoặc các tổ chức khác có sự tham gia của Trung Quốc, như BRICS, khi Washington tìm cách bảo vệ vị thế như một cường quốc toàn cầu và duy trì sự thống trị của đồng USD.

Panama trong tuần này xác nhận quyết định rút khỏi dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư khổng lồ của Trung Quốc trong bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng từ Washington về mối quan hệ của quốc gia này với Bắc Kinh. Các nhà phân tích cảnh báo rằng đây có thể chỉ là sự khởi đầu.

Wang Yiwei, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân Dân Bắc Kinh, nói: "Mỹ đang cố gắng để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, và họ đang làm điều này bằng cách nhằm vào những mắt xích yếu hơn".

Ông mô tả những "mắt xích yếu" này là các quốc gia hoặc khu vực có sự phụ thuộc vào "các nguồn vốn phương Tây, đặc biệt là của Mỹ".

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trước đó đã cảnh báo Tổng thống Panama Jose Raul Mulino rằng Mỹ sẽ thực hiện "các biện pháp cần thiết" nếu Panama không có hành động ngay lập tức để chấm dứt những gì Washington coi là sự ảnh hưởng và kiểm soát của Trung Quốc đối với kênh đào Panama.

Ông Mulino đã ám chỉ rằng ông sẽ xem xét lại các thỏa thuận liên quan đến Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc.

Vào ngày 6/2, khi thông báo về việc Panama rút khỏi dự án Trung Quốc, ông Mulino nói: "Tôi không biết mục đích của những người đã ký thỏa thuận này với Trung Quốc là gì. Nó đã mang lại điều gì cho Panama trong suốt những năm qua? Những điều lớn lao mà sáng kiến Vành đai và Con đường mang lại cho đất nước là gì? Vì vậy, chúng tôi sẽ không tham gia".

Sau đó 1 ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố phản đối mạnh mẽ các hành động của Mỹ mà Bắc Kinh cáo buộc là nhằm "bôi nhọ và làm suy yếu" sự hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường thông qua áp lực. Người phát ngôn Lin Jian cho biết Trung Quốc hy vọng Panama sẽ "quyết định đúng đắn".

Panama từ lâu đã có mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Mỹ, và là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới sử dụng USD làm đồng tiền chính thức.

Chuyên gia Wang cho rằng sự đổ bộ mạnh mẽ của nguồn vốn và đầu tư Trung Quốc vào Panama trong những năm gần đây đã khiến Mỹ tìm cách làm giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Theo ông Wang, cách tiếp cận của Washington đối với Panama có thể cũng được áp dụng cho các nền kinh tế khác, ví dụ như Nam Phi, một thành viên chủ chốt của BRICS, một nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn mà Trung Quốc là thành viên sáng lập.

Vào tháng 12 năm ngoái, ông Trump đã cảnh báo áp thuế 100% đối với các quốc gia trong BRICS nếu họ có kế hoạch tạo ra một đồng tiền cạnh tranh với USD, khi nhóm này tiếp tục thảo luận các cách để giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền của Mỹ.

Trong tuần này, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ cắt đứt toàn bộ nguồn tài trợ tương lai cho Nam Phi với lý do nước này "tịch thu" đất đai và "đối xử rất tệ với một số tầng lớp người dân". Ngoại trưởng Rubio sau đó nói rằng ông sẽ không tham dự hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nam Phi sắp tới.

Thách thức cho Trung Quốc

Cách tiếp cận của Washington có thể gây ra một số thách thức cho Trung Quốc. Alvin Camba, chuyên gia về vật liệu quan trọng tại Associated Universities Incorporated, cho rằng việc Panama rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể kích hoạt "hiệu ứng domino", khiến các quốc gia khác ở Mỹ Latinh và toàn cầu làm theo.

Trong một trường hợp nổi bật khác, Italy đã rút khỏi chương trình Vành đai và Con đường vào năm 2023 như một phần của nỗ lực điều chỉnh chính sách.

Chuyên gia Camba cho biết mặc dù việc Panama rút lui không có nghĩa là sự tham gia kinh tế của Bắc Kinh ở khu vực này sẽ suy giảm, nhưng điều này có nghĩa là chính phủ Trung Quốc sẽ có "ít con đường để tác động qua những sáng kiến này", và đây là một "trở ngại" đối với Bắc Kinh.

Việc Panama rút khỏi chương trình Vành đai và Con đường cũng báo hiệu rằng Mỹ có thể sẽ đóng vai trò chủ động hơn ở Trung và Nam Mỹ để kiềm chế ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Bắc Kinh trong khu vực mà Washington từ lâu coi là sân sau, ông nói.

Tuy nhiên, Benedicte Bull, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Oslo, cho rằng Panama ở trong một "vị thế đặc biệt" vì sử dụng USD làm tiền tệ và "phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ".

Sự phụ thuộc này cũng xuất phát từ thực tế là hơn 70% số tàu đi qua kênh đào Panama đến từ hoặc đang hướng đến một cảng của Mỹ. Tổng hợp lại, điều này có nghĩa là Mỹ có ảnh hưởng rất lớn với Panama.

Ông Bull cho rằng các quốc gia lớn hơn trong khu vực như Brazil, Chile hoặc Peru sẽ không dễ bị "áp lực để cắt đứt quan hệ với Trung Quốc" và dễ bị tác động như Panama.

Zha Daojiong, Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Đại học Bắc Kinh, cho rằng quyết định của Panama rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường chủ yếu mang tính "biểu tượng". Tuy nhiên, ông cho rằng các nền kinh tế nhỏ có quyền quyết định đối với các lời đề nghị từ các quốc gia lớn, bao gồm Mỹ và Trung Quốc.

Ông cho biết Mỹ có một chương trình tương tự như Sáng kiến Vành đai và Con đường - chương trình "Build Back Better World" được công bố vào năm 2021 - và Nhóm G7 đã công bố "Đối tác vì Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu" để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Ông Zha cho biết những sáng kiến này "có thể và gần như chắc chắn sẽ là một phần trong các công cụ mà Mỹ sử dụng để thúc đẩy lợi ích kinh tế bên ngoài lãnh thổ".

Theo SCMP, AFP
Dòng sự kiện: Chính quyền Trump 2.0