1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lý Quang Diệu: Phải thoát khỏi tham lam, tham nhũng

Thủ tướng đầu tiên của Singapore, ông Lý Quang Diệu đã viết tựa cho một cuốn sách xuất bản nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Cục Điều tra chống tham nhũng Singapore (CPIB).

Ông Lý Quang Diệu: Sứ mệnh của tôi là thiết lập một chính phủ sạch (Ảnh: Realsingapore)
Ông Lý Quang Diệu: Sứ mệnh của tôi là thiết lập một chính phủ sạch (Ảnh: Realsingapore)

Nội dung lời tựa như sau:

Trong một khu vực mà tham nhũng là đặc trưng vùng miền, Singapore vẫn trong sạch. Từ năm 1959 khi đảng Nhân dân hành động (PAP) lập chính phủ đầu tiên, chúng ta đã đặt ra mục tiêu ngăn chặn tham nhũng. Thách thức là không còn tham nhũng. Xã hội chúng ta phải thoát khỏi tham lam, tham nhũng và suy đồi. Khi tôi trở thành thủ tướng năm 1959, sứ mệnh của tôi là thiết lập một chính phủ sạch, hiệu quả chống lại một khu vực mà tham nhũng lan tràn.

Chúng ta đã xây dựng được các hệ thống và quy trình để đảm bảo rằng, mỗi đồng đô la thu về được hạch toán một cách rõ ràng, chính xác. Chúng ta đã mài sắc các công cụ để có thể ngăn ngừa, phát hiện và ngăn chặn các trường hợp lạm dụng quyền lực. CPIB trong sự chú tâm của tôi đã thành công trong việc giữ gìn một đất nước sạch.

CPIB được người Anh thiết lập năm 1952 để đối phó với nạn tham nhũng ngày một gia tăng. Tuy nhiên, có rất ít tiến bộ bởi CPIB thiếu tài nguyên và quyền lực pháp lý cần thiết. Khi tôi lên nắm quyền năm 1959, tôi đã củng cố luật pháp và tổ chức của CPIB.

Chúng ta đã thắt chặt luật chống tham nhũng. Tài sản bất cân xứng với nguồn thu nhập của mỗi người bị coi là bằng chứng khi họ bị cáo buộc tham nhũng. CPIB trực thuộc thủ tướng. Và nếu thủ tướng từ chối đồng thuận để CPIB nghi vấn hay tiến hành điều tra với bất cứ người nào, kể cả bản thân thủ tướng, thì phụ trách CPIB có thể tìm kiếm sự đồng thuận của tổng thống để tiến hành điều tra. Nói một cách khác, không có ai được miễn trừ.

Trong những năm qua, Singapore đã thiết lập được một khuôn khổ chống tham nhũng hiệu quả. Lãnh đạo cấp trên cũng phải bị nghi ngờ và biết nghi ngờ. Họ cần nhấn mạnh vào tính trung thực của các bộ trưởng và quan chức làm việc cho mình. Chúng ta không khoan dung tham nhũng. CPIB kể từ đó đã xây dựng được khả năng điều tra kỹ lưỡng và không biết sợ hãi của mình. Cục xử lý thành công các trường hợp quan chức chính phủ tham nhũng gồm các bộ trưởng, nghị sĩ, công chức cấp cao và doanh nhân nổi tiếng. Điều này chứng minh cho sự độc lập của CPIB, rằng Cục có thể thực hiện nhiệm vụ của mình một cách nhanh chóng nhưng chắc chắn, công bằng và kiên định.

Vụ việc đáng kể nhất là Teh Cheang Wan, từng là Bộ trưởng phát triển quốc gia. Tháng 11/1986, ông bị CPIB điều tra vì nhận hối lộ tổng cộng 1 triệu đô la. Các vụ hối lộ diễn ra năm 1981 và 1982. Teh đã cố gắng thương lượng với trợ lý cấp cao của giám đốc CPIB để không theo đuổi vụ việc. Ông đã đề nghị trả lại 800.000 đô la để được miễn trừ. Thư ký nội các đã báo cáo việc này và nói rằng Teh xin gặp tôi. Tôi trả lời không thể cho tới khi việc điều tra hoàn tất. Một tuần sau đó, buổi sáng ngày 15/12/1986, nhân viên an ninh của tôi báo rằng Teh đã qua đời và để lại cho tôi bức thư với nội dung:

Thủ tướng,

Tôi cảm thấy rất buồn và chán nản trong hai tuần qua. Tôi cảm thấy có trách nhiệm khi để xảy ra sự việc đáng tiếc này và tôi cần phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Là người có phẩm giá, tôi cảm thấy cần phải trả giá cao nhất cho sai lầm của tôi.

Chân thành,

Teh Cheang Wan

CPIB đã và đang là một công cụ hiệu quả, kiên định chống tham nhũng. Cục và các thành viên của mình đã đóng góp vào vị thế của Singapore, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư để họ mang lại sự tiến bộ và thịnh vượng cho đất nước. Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác và đảm bảo rằng, Singapore tiếp tục được coi là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới, với một dịch vụ công trong sạch và các doanh nghiệp căm ghét tham nhũng.

Theo Thái An (theo Realsingapore)
Vietnamnet