1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Lý giải nguyên nhân Tổng thống Mỹ đi "nước cờ mạo hiểm"

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp nhận đi một nước cờ mạo hiểm khi ông tuyên bố công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel. Câu hỏi đặt ra là tại sao người đứng đầu Nhà Trắng lại lựa chọn thời điểm này?


Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau chuyến thăm Jerusalem ngày 23-5-2017

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau chuyến thăm Jerusalem ngày 23-5-2017

Nhiều nhà quan sát cho rằng nhìn vào tỷ lệ ủng hộ thấp như hiện nay (khoảng 35%) và “chủ nghĩa thực dụng” mà một Tổng thống xuất phát từ giới kinh doanh như ông Trump luôn theo đuổi, người ta có thể nói rằng quyết định này xuất phát từ nguyên nhân chính trị.

Sau một năm cầm quyền với hàng loạt cam kết tranh cử chưa được thực hiện, Tổng thống D.Trump lo ngại về việc để mất lực lượng ủng hộ truyền thống và đã có những bước đi để củng cố sự ủng hộ này. Quyết định liên quan đến Jerusalem dường như là một cách hướng sự tập trung chú ý của cử tri trong nước ra ngoài, vào thời điểm ông đang hứng chịu nhiều áp lực liên quan đến cuộc điều tra về sự can dự của Nga đối với cuộc bầu cử Mỹ, một cuộc điều tra đã đụng chạm tới cả những quan chức và cựu quan chức thân cận với Tổng thống.

Hơn nữa, cam kết chuyển Đại sứ quán Mỹ về Jerusalem là một trong những luận điểm nổi bật trong giai đoạn tranh cử của ông Donald Trump, cũng là điều được các cử tri giàu có của đảng Cộng hòa và giới chính sách cứng rắn của đảng này, vốn có quan hệ thân cận với giới vận động hành lang Israel giàu tiềm lực và có tầm ảnh hưởng lớn ở Trung Đông, hết sức ủng hộ.

Người ta sẽ thấy quyết định này bớt khó hiểu hơn khi nhìn nhận nó trong tổng thể “thiên hướng phá cách” của ông Trump. Tổng thống Mỹ hy vọng nó sẽ đạt kết quả, như những “quyết định bất thường” từng giúp ông đạt mục đích trong công tác đối ngoại kể từ khi lên nắm quyền.

Đó là cảnh báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran nhằm lôi kéo sự ủng hộ của các nước Arập, “khẩu chiến” với Triều Tiên để buộc Trung Quốc phải có những động thái mạnh hơn nhằm cô lập Bình Nhưỡng hay dọa rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) khiến Canada và Mexico phải nhất trí xem xét lại thỏa thuận thương mại với Washington…

Vì thế, tuyên bố Jerusalem có thể là gáo nước lạnh bất ngờ cho thế giới, nhưng thực chất là nước cờ đã nằm trong chiến lược Trung Đông và được thực hiện đúng theo phong cách của Tổng thống D.Trump. Trong tuyên bố ngày 6-12, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn một thỏa thuận tốt đẹp cả cho Israel lẫn Palestine…

Chúng tôi không đưa ra lập trường về bất cứ vấn đề và thực trạng cuối cùng nào, bao gồm cả các đường biên giới cụ thể thuộc chủ quyền Israel ở Jerusalem, hay giải pháp về các đường biên giới tranh cãi”. Tổng thống Mỹ né tránh nhắc tới “Jerusalem thống nhất” hay “thủ đô bị chia cắt”, khiến chúng ta phải phỏng đoán rằng phần nào của Jerusalem mà ông coi là của Israel và phần nào sẽ thuộc về một nhà nước Palestine trong tương lai. Chỉ có điều, việc đạt được “một giải pháp cuối cùng” cho vấn đề gai góc Jerusalem sẽ tùy thuộc vào chính thái độ và hành động của các bên liên quan.

Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn của Tổng thống Mỹ, đã giải thích về kế hoạch hòa bình mới của Mỹ: “Rất nhiều nước Trung Đông cùng muốn một điều: Tiến bộ kinh tế, hòa bình cho dân tộc của họ. Họ nhận thấy các mối đe dọa trong khu vực và tôi nghĩ rằng họ nhìn thấy Israel, một kẻ thù truyền kiếp, thực ra đã trở thành một đồng minh tự nhiên của họ vì Iran, sau khi IS bị đánh bại tại Iraq và Trung Đông”.

Cụ thể, theo kế hoạch, một Nhà nước có thể sẽ được trao cho người Palestine trên một phần Cisjordanie và trên dải Gaza nhưng 2 phần này không được kết nối với nhau, thêm vào đó là khoản trợ giúp 10 tỷ USD để xây dựng Nhà nước này. Tuy nhiên, hai chủ đề về đàm phán quy chế của Jerusalem và quyền hồi hương của di dân Palestine đã bị trì hoãn vô thời hạn. Phía Mỹ chịu trách nhiệm đàm phán với Israel. Có thể vì thế mà hình thành ý tưởng công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel như một điều kiện cho đàm phán.

Việc công nhận Jerusalem còn có thể thúc đẩy tiến trình hòa bình. Sau 1/4 thế kỷ loay hoay đàm phán, lãnh đạo Palestine vẫn chưa chuẩn bị cho người dân của mình về nền hòa bình. Chính nội bộ các đảng phái Palestine vẫn là một khối lỏng lẻo và bất đồng trong giải pháp với Israel.

Cuối cùng, bất cứ thỏa thuận nào cũng sẽ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel. Việc thừa nhận thực tế này có thể khiến những người Palestine hiểu rằng sự không khoan nhượng của họ không thể trụ vững được nữa. Hành động của Tổng thống D.Trump là giọt nước tràn ly cho thấy thời kỳ không nhượng bộ đã kết thúc.

Sự công nhận Jerusalem sẽ khiến không chỉ Palestine mà cả các nước Arab hay Hồi giáo trong khu vực phải chuẩn bị tâm lý cũng như bắt tay vào hành động nếu muốn có nền hòa bình thực sự. Họ sẽ phải ngồi lại đàm phán đến cùng mà không đặt ra điều kiện tiên quyết.

Theo Minh Thu

An ninh thủ đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm