Lý do Ukraine khó chọc thủng phòng tuyến của Nga
(Dân trí) - Dù được phương Tây hậu thuẫn, quân đội Ukraine đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu chiến lược trong cuộc phản công. Một trở ngại lớn của Kiev hiện nay là "phòng tuyến Surovikin" của Nga.
Ukraine chưa đạt được mục tiêu phản công chiến lược
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận, cuộc phản công của họ đang diễn ra chậm hơn kỳ vọng, mà nguyên nhân là ông lo ngại về cuộc sống của người dân. Ngược lại, Moscow cho rằng lý do là Ukraine đã tổn thất hàng nghìn binh sĩ, hàng trăm xe tăng và xe bọc thép trong khi chỉ đạt được những bước tiến rất nhỏ.
Một cựu điệp viên hàng đầu người Estonia trong tuần này tiết lộ, các tuyến phòng thủ dài của Nga đã cản trở đà phản công của Kiev. Theo ông này, những đơn vị Ukraine được đồng minh phương Tây đào tạo, huấn luyện và trang bị vũ khí đều chưa đạt được bất kỳ mục tiêu chiến lược nào trước hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Vilnius vào tháng tới.
Dù Kiev không công khai các mục tiêu này, song giới truyền thông Mỹ và các tổ chức tư vấn của Washington đều nhận định, mục tiêu chính của Kiev dường như tập trung vào cắt đứt hành lang trên bộ giữa bán đảo Crimea và đất liền Nga ở khu vực Zaporizhia và Kherson, phong tỏa bán đảo này, tấn công sâu hơn vào Nga.
Khó chọc thủng phòng tuyến Surovikin
"Phòng tuyến Surovikin", một thuật ngữ lần đầu tiên được truyền thông Anh sử dụng vào cuối năm 2022, nhằm đề cập đến việc Nga xây dựng các vị trí phòng thủ dưới sự chỉ đạo của tướng Sergey Surovikin. Ông Surovikin từng là chỉ huy "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023, và được đánh giá là đã giúp cản đà phản công của Ukraine.
Ông Surovikin, 56 tuổi, có gần 40 năm phục vụ trong quân đội Liên Xô và Nga, đồng thời giữ chức vụ Tổng tư lệnh Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga kể từ năm 2017. Ông từng là chỉ huy trong chiến tranh Chechnya lần thứ hai vào những năm 2000. Vào những năm 2010, ông là chỉ huy các lực lượng Nga ở Syria.
Trong thời gian chỉ huy lực lượng Nga ở Ukraine cuối năm ngoái, ông Surovikin đã chỉ đạo xây dựng mạng lưới phòng thủ kiên cố để đề phòng kế hoạch phản công của Ukraine.
Theo các báo cáo và phân tích của giới truyền thông, các tuyến phòng thủ này là một mạng lưới phức tạp, nhiều lớp, gồm chiến hào, bãi mìn sát thương và hào chống tăng, răng rồng chống tăng cũng như các gờ đất được nâng cao để che chắn cho thiết bị quân sự.
Tuyến phòng thủ này dài gần 2.000 km qua Kherson và Zaporizhia, cũng như Crimea, Donetsk, Lugansk và phần lãnh thổ của Nga giáp Ukraine ở phía bắc. Hệ thống phòng thủ này của Nga được phát hiện thông qua các ảnh chụp vệ tinh của phương Tây.
Khả năng Ukraine phá hủy phòng tuyến này của Nga bị hạn chế bởi một số yếu tố, trong đó phải kể đến việc Moscow đang có ưu thế trên không.
Ukraine cũng khó có thể nhắm mục tiêu vào các công sự của Nga bằng cách sử dụng pháo binh và tên lửa. Nguyên nhân là họ phải liên tục đối mặt với nguy cơ Nga phản công bằng không quân và pháo binh.
Chưa kể, Nga đang sử dụng hiệu quả chiến thuật maskirovka, tức là che đậy và ngụy trang. Chiến thuật này liên quan đến việc sử dụng thiết bị giả, mồi nhử, lan truyền thông tin sai lệch và triển khai các hoạt động đánh lạc hướng để khiến lực lượng Ukraine bị nhầm lẫn.
Một yếu tố khác nữa là tuyến phòng thủ Surovikin kiên cố rất dài, chạy từ Kherson ở phía nam đến biên giới phía nam của Nga với Belarus ở phía bắc.