1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ nêu vũ khí có thể giúp Ukraine xuyên thủng phòng tuyến của Nga hiệu quả

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức Mỹ tin rằng đạn chùm có thể giúp Ukraine đối phó hiệu quả với hệ thống phòng ngự kiên cố của Moscow nhưng Washington chưa viện trợ loại đạn này cho Kiev vì đây là hỏa lực gây tranh cãi.

Mỹ nêu vũ khí có thể giúp Ukraine xuyên thủng phòng tuyến của Nga hiệu quả - 1

Ukraine đang đối mặt thách thức để xuyên qua phòng tuyến kiên cố của Nga trong chiến dịch phản công (Ảnh: Reuters).

Laura Cooper, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho biết Lầu Năm Góc tin rằng đạn chùm DPICM sẽ là vũ khí có ích cho Ukraine để đẩy lùi lực lượng Nga.

"Các chuyên gia quân sự chúng tôi nhận định Đạn dược cải tiến thông thường lưỡng dụng (DPICM) sẽ có ích, đặc biệt để chống lại các chiến hào, công sự của Nga trên chiến trường", bà Laura phát biểu, nhấn mạnh từ góc độ hiệu quả trên chiến trường, đây là vũ khí hữu ích.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa cấp loại đạn gây tranh cãi này cho Ukraine vì những hạn chế trong quy định của quốc hội, đồng thời lo ngại sẽ bị đồng minh phản đối. 

"Lý do chúng ta chưa thấy bước tiến nhằm cung cấp loại đạn này (cho Ukraine) có liên quan đến những hạn chế của quốc hội đối với việc viện trợ DPICM, cũng như lo ngại về sự đoàn kết với các đồng minh", bà giải thích.

Đạn chùm hay bom chùm khi kích nổ sẽ phân tán các viên đạn nhỏ ra khu vực rộng lớn. Chúng có thể không phát nổ hết khi được giải phóng ra và có thể gây rủi ro lâu dài cho bất cứ ai chạm phải, tương tự như mìn.

Đối với Ukraine, đạn chùm/bom chùm có thể giải quyết 2 vấn đề chính cho Kiev là cung cấp thêm đạn dược cho các hệ thống pháo và tên lửa mà Mỹ và các nước khác viện trợ, cũng như ngăn ưu thế của Nga về số lượng pháo.

Tuy nhiên, đạn chùm đã bị 123 quốc gia cấm vì sự nguy hiểm của vũ khí này về mặt lâu dài đối với thường dân, bao gồm hầu hết các thành viên NATO. Theo CNN, cả Nga và Ukraine được cho đều sử dụng bom chùm/đạn chùm kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng từ cuối tháng 2.

Cả Mỹ, Nga, Ukraine đều từ chối tham gia vào một hiệp ước năm 2008 cấm sản xuất, sử dụng và cất trữ bom, đạn chùm.

Phát biểu của quan chức Mỹ đến trong bối cảnh Ukraine đang dồn lực nhằm xuyên qua phòng tuyến kiên cố của Nga để phản công trên quy mô lớn. Tuy nhiên, với 3 lớp phòng thủ chắc chắn, Moscow đang gây ra thách thức không nhỏ với Ukraine. Kiev thừa nhận hoạt động phản công đang diễn ra không như kỳ vọng.

Theo Reuters