1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do Mỹ phản đối Hàn - Triều lập vùng cấm bay

(Dân trí) - Việc Mỹ phản đối kế hoạch chung của Hàn Quốc và Triều Tiên nhằm thiết lập một vùng cấm bay ở khu vực biên giới đã cho thấy những rạn nứt trong quan hệ giữa hai đồng minh Seoul và Washington.

Binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên đứng gác tại khu phi quân sự liên Triều (Ảnh: Reuters)
Binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên đứng gác tại khu phi quân sự liên Triều (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, Mỹ và Hàn Quốc luôn công khai thể hiện rằng họ đồng tâm hiệp lực trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên ở phía sau hậu trường, hai đồng minh lâu năm này đã có những dấu hiệu cho thấy sự bất đồng khi Hàn Quốc và Triều Tiên thúc đẩy những kế hoạch nhằm hạ nhiệt căng thẳng quân sự cũng như tái thiết mối liên kết về kinh tế.

Thỏa thuận quân sự được ký trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 nhân chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng hồi tháng trước được là một trong những thỏa thuận cụ thể nhất giữa hai nước láng giềng trong năm nay. Tuy vậy, giới chức Mỹ lo ngại rằng thỏa thuận này có thể làm giảm khả năng sẵn sàng phòng vệ và không mang lại tiến triển tích cực trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Thỏa thuận quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên bao gồm cam kết dừng “tất cả các hành động thù địch”, thiết lập vùng cấm bay quanh khu vực biên giới và dỡ bỏ dần dần các bãi mìn và chốt an ninh tại khu phi quân sự liên Triều - một trong những khu vực biên giới được vũ trang dày đặc nhất thế giới.

Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ sự “bất bình” về thỏa thuận quân sự Hàn Triều trong một cuộc điện đàm. Đây là lần hiếm hoi quan chức Hàn Quốc hé lộ sự bất hòa giữa hai đồng minh thân cận.

Giới chức Hàn Quốc cho biết mặc dù Mỹ không công khai phản đối sáng kiến hợp tác liên Triều, tuy nhiên sự can dự chặt chẽ của Mỹ vào các lệnh trừng phạt và hoạt động quân sự trên bán đảo Triều Tiên đã tạo điều kiện cho Washington có khả năng trì hoãn hoặc thay đổi chính sách.

Các nguồn tin từ giới chức Hàn Quốc cho biết thiết lập vùng cấm bay tại biên giới Hàn - Triều là vấn đề then chốt đối với Mỹ vì nó sẽ cản trở các cuộc tập trận yểm trợ cự ly gần. Ngoại trưởng Mỹ được cho là đã đề cập tới vấn đề này trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc. Vùng cấm bay này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11.

Thỏa thuận quân sự Hàn - Triều cũng cấm các cuộc tập trận bắn đạn thật với sự tham gia của các máy bay cánh cố định và các vũ khí không đối đất có hệ thống dẫn đường chính xác tại vùng cấm bay. Hàn Quốc và Mỹ từng tổ chức các cuộc tập trận thường kỳ như vậy trước khi tạm dừng hồi tháng 6 năm nay.

Thỏa thuận quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã giới hạn hoạt động của các máy bay trực thăng, máy bay không người lái và khinh khí cầu tại vùng cấm bay, song cũng đặt ra những trường hợp ngoại lệ đối với các máy bay hoạt động thương mại hoặc phi quân sự vì mục đích cứu trợ y tế, thảm họa hay sử dụng trong nông nghiệp.

Trong hoạt động yểm trợ cự ly gần trên không, các máy bay quân sự sẽ cung cấp hỏa lực để hỗ trợ binh sĩ tác chiến gần lực lượng của đối phương. Hầu hết các máy bay chiến đấu được Mỹ triển khai tại Hàn Quốc như F-16 đều có khả năng yểm trợ như vậy.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Seoul vẫn hợp tác chặt chẽ với Washington cũng như Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên theo nghị sĩ Baek Seung-joo thuộc đảng Tự do Hàn Quốc, liên minh Mỹ - Hàn đang bị buông lỏng để đổi lấy việc xây dựng lòng tin với Triều Tiên. Trong khi đó Bình Nhưỡng vẫn chưa có nhiều động thái cho thấy sự tiến triển trong mục tiêu phi hạt nhân hóa như từng cam kết với Mỹ trước đây.

Thành Đạt

Tổng hợp