1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lý do Mỹ lần đầu đưa tiêm kích tia chớp F-35 tới Ấn Độ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát lý giải nguyên nhân Mỹ quyết định lần đầu đưa tiêm kích hiện đại nhất kho vũ khí, F-35, tới Ấn Độ.

Lý do Mỹ lần đầu đưa tiêm kích tia chớp F-35 tới Ấn Độ - 1

Tiêm kích F-35 của Mỹ lăn bánh trong triển lãm hàng không Aero India 2023 tại căn cứ không quân Yelahanka ở Bengaluru, Ấn Độ ngày 13/2 (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, Mỹ đã lần đầu tiên đưa máy bay chiến đấu F-35 đến Ấn Độ trong tuần này cùng với tiêm kích F-16, Super Hornet và máy bay ném bom B-1B. Đây được xem là nỗ lực của Mỹ nhằm thu hút Ấn Độ khỏi nhà cung cấp vũ khí truyền thống của New Delhi, Nga.

Theo giới quan sát, Ấn Độ, quốc gia đang muốn hiện đại hóa phi đội máy bay chiến đấu chủ yếu từ thời Liên Xô, để tăng cường sức mạnh không quân, dường như đang lo ngại về kịch bản Nga có thể chậm trễ trong việc chuyển vũ khí cho các khách hàng nước ngoài vì phải ưu tiên cho chiến sự ở Ukraine. Ngoài ra, Reuters nhận định, Ấn Độ cũng phải chịu áp lực từ phương Tây trong thời gian qua khi vẫn đang giữ thái độ trung lập với cuộc chiến Nga - Ukraine.

Mỹ cử phái đoàn lớn nhất 27 năm qua tới tham dự triển lãm hàng không Aero India ở Bengaluru. Động thái này cho thấy mối quan hệ chiến lược ngày càng lớn mạnh giữa Mỹ và Ấn Độ.

Ngược lại, Nga - nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ kể từ thời Liên Xô - chỉ hiện diện với quy mô không quá lớn. Tập đoàn xuất khẩu khí nhà nước Nga Rosoboronexport cùng chung gian trưng bày với các nhà thầu United Aircraft và Almaz-Antey, chủ yếu mang mô hình thu nhỏ của máy bay, xe tải, radar và xe tăng tới triển lãm.

Tại các kỳ triển lãm trước, Rosoboronexport trưng bày gian hàng quy mô lớn hơn dù Nga đã không đưa tiêm kích tới Bengaluru trong 10 năm qua, sau khi Ấn Độ bắt đầu xem xét mua thêm các máy bay chiến đấu của châu Âu và Mỹ.

Theo một nguồn tin của Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF), New Delhi chưa cân nhắc mua F-35 vào thời điểm hiện tại, nhưng việc Mỹ lần đầu mang 2 tiêm kích này tới Aero India cho thấy tầm quan trọng chiến lược ngày càng gia tăng của quốc gia Nam Á với Mỹ.

Trước buổi triển lãm, các hãng thông tấn nhà nước Nga đưa tin rằng, Moscow đã cung cấp cho New Delhi khoảng 13 tỷ USD vũ khí trong 5 năm qua.

Mỹ đã thông qua các thương vụ bán vũ khí trị giá hơn 6 tỷ USD cho Ấn Độ trong 6 năm qua, bao gồm máy bay vận tải, trực thăng Apache, Chinook và MH-60, tên lửa, hệ thống phòng không, súng hải quân và máy bay giám sát P-8I Poseidon.

F-35 được coi tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ nhờ hội tụ những yếu tố của một vũ khí chiến đấu uy lực như khả năng tàng hình trước radar, tốc độ ấn tượng, tính linh hoạt cao, hệ thống cảm biến hiện đại.

Mỹ đã phát triển F-35 thành 3 biến thể khác nhau, trong đó F-35A dành cho không quân, F-35C cho hải quân, và F-35B dành cho thủy quân lục chiến. Điểm đặc biệt của F-35B là nó có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng.

Tuy nhiên, F-35 cũng là một vũ khí gây tranh cãi vì thời gian phát triển lâu hơn dự kiến cũng như các lỗi kỹ thuật đã phát sinh khiến cho dự án bị đội chi phí lên cao, biến nó trở thành máy bay chiến đấu đắt đỏ nhất thế giới.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm