1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Lý do Iran nã 200 tên lửa vào Israel trong đòn tấn công chưa từng có

Thành Đạt

(Dân trí) - Cuộc tấn công của Iran vào Israel hôm 1/10 là kịch bản được dự đoán từ trước, khi căng thẳng leo thang liên tục ở Trung Đông trong thời gian gần đây.

Lý do Iran nã 200 tên lửa vào Israel trong đòn tấn công chưa từng có - 1

Một hệ thống tên lửa của Iran được trưng bày cạnh biểu ngữ có hình ảnh lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và cố thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah trên một con phố ở Tehran ngày 2/10 (Ảnh: Reuters).

Mặc dù cuộc tấn công bằng 200 tên lửa hôm 1/10 của Iran vào Israel không được thông báo trước cả về thời điểm và quy mô, nhưng động thái này không phải là điều quá bất ngờ trong bối cảnh tình hình Trung Đông liên tục leo thang trong thời gian gần đây.

Trong nhiều tháng qua, các cường quốc trên thế giới đã dự đoán về "tình hình leo thang khu vực" từ cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza khiến 40.000 người Palestine thiệt mạng. Sự kiện này diễn ra sau cuộc tấn công của phong trào Hamas, lực lượng do Iran hậu thuẫn, vào Israel hôm 7/10/2023 khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hiện đã mở rộng cuộc chiến sang Li Băng, nơi các đợt không kích dữ dội đang diễn ra. Li Băng là quê hương của Hezbollah, một đồng minh quan trọng của Iran trong khu vực và là lực lượng đã bắn tên lửa vào miền bắc Israel để đáp trả cuộc xung đột ở Gaza.

Tuần trước, hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm thuộc sở hữu của các thành viên Hezbollah đã phát nổ trên khắp Li Băng, khiến hàng chục người thiệt mạng và làm bị thương hàng nghìn người khác, bao gồm cả dân thường. Ngày 27/9, Israel tuyên bố sát hại thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah. Trước đó, vào tháng 7, thủ lĩnh chính trị Hamas, Ismail Haniyeh, đã thiệt mạng tại thủ đô Tehran của Iran, một cuộc tấn công được cho là do Israel thực hiện.

Các cuộc tấn công của Israel đã tàn phá vùng ngoại ô phía nam của Beirut, thủ đô Li Băng, cũng như các ngôi làng ở phía nam nước này. Ít nhất 1 triệu người ở Li Băng, chiếm 1/5 dân số, đã phải sơ tán.

Iran mô tả cuộc tấn công tuần này là một phản ứng có cân nhắc đối với những hành động leo thang liên tục từ Israel.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết các cuộc tấn công bằng tên lửa là để đáp trả vụ sát hại thủ lĩnh của lực lượng Hezbollah, Hassan Nasrallah, và các chỉ huy khác, bao gồm nhà lãnh đạo chính trị của lực lượng Hamas là Ismail Haniyeh.

Cùng với Hamas, Hezbollah là một phần trong "Trục kháng chiến" của Iran, một liên minh của các lực lượng dân quân Hồi giáo trải dài từ Iraq, Syria, Li Băng, Gaza và Yemen. Các lực lượng ủy nhiệm này giúp Iran có chiều sâu chiến lược trong việc đối phó với đối thủ của mình.

Sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas khi ông tham dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Iran vào tháng 7, thế giới đã chờ đợi xem Tehran sẽ phản ứng như thế nào. Tiếp đó là vụ sát hại thủ lĩnh Hezbollah khi Israel mở rộng cuộc chiến với Hezbollah ở Li Băng.

Vào ngày 28/9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có bài phát biểu nhắm vào Iran, nói rằng Israel đang "thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực" và rằng "không có nơi nào ở Iran hay Trung Đông mà cánh tay dài của Israel không với tới".

Ông Netanyahu tuyên bố cái chết của thủ lĩnh Hezbollah là cần thiết để đưa hàng nghìn người dân Israel trở về nhà dọc biên giới Li Băng, sau khi họ phải di dời do các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hezbollah, đồng thời để ngăn chặn nhóm này tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel.

Các quan chức Mỹ từ lâu đã đánh giá rằng cả Iran và giới lãnh đạo cấp cao của Hezbollah đều muốn tránh một cuộc chiến toàn diện với Israel, ngay cả khi cả hai đều đã giao tranh.

Nhưng Iran đã nói rõ rằng bất kỳ phản ứng nào từ Israel cũng sẽ dẫn đến leo thang hơn nữa. Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết cuộc tấn công hôm 1/10 "chỉ là một phần sức mạnh của chúng tôi".

Chứng minh sức mạnh quân sự

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, 90% tên lửa của họ đã đánh trúng mục tiêu và họ đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Fattah để tấn công Israel hôm 1/10.

Cuộc tấn công khiến khoảng 10 triệu người Israel phải vào hầm trú ẩn. Theo truyền thông địa phương, cuộc tấn công của Iran nhằm vào thị trấn Hod HaSharon của Israel khiến khoảng 100 ngôi nhà bị hư hại, 7 người bị thương.

Quân đội Israel thừa nhận một số căn cứ quân sự của nước này đã trúng tên lửa đạn đạo của Iran. Cụ thể, tên lửa chỉ gây hư hại nhẹ đến các tòa nhà văn phòng và khu vực bảo trì khác trong căn cứ.

Các chuyên gia Trung Đông nhận định, cuộc tấn công tên lửa chưa từng có của Iran vào Israel trong tuần này nhằm mục đích báo hiệu rằng, kho vũ khí của Tehran có khả năng gây ra thương vong hàng loạt.

Mohammad Ali Shabani, biên tập viên của Amwaj.media, một trang tin tức tại London chuyên đưa tin về Trung Đông, cho biết không giống như cuộc tấn công vào Israel hồi tháng 4, vốn chỉ nhằm mục đích phô trương năng lực của Iran và đã được báo trước, cho phép Israel đánh chặn, cuộc tấn công lần này nhằm gửi đi thông điệp rằng Iran có thể gây ra thiệt hại đáng kể nếu họ muốn.

"Phản ứng của Iran đã được cân nhắc và hướng đến việc gửi đi thông điệp thông qua mức độ chính xác và khả năng vượt qua hệ thống phòng không của Israel, thay vì gây ra thương vong hàng loạt", chuyên gia Shabani cho biết.

Theo Ali Ahmadi, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách An ninh Geneva, "cuộc tấn công của Iran hồi tháng 4 được cố tình thiết kế để không hiệu quả nhằm tránh leo thang". Tuy nhiên, Iran vẫn cảm thấy rằng đó là dấu hiệu của sự yếu kém.

"Iran cảm thấy rằng họ phải hạ thấp uy tín các hệ thống phòng không của Israel và Mỹ", chuyên gia Ahmadi nói, đồng thời cho biết mặc dù cuộc tấn công mới nhất không gây ra thương vong hàng loạt, nhưng "đã chứng minh rằng Israel có thể phải chịu tổn thất nặng nề".

Trong khi đó, Behnam Ben Taleblu, chuyên gia cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies (FDD) ở Washington, nhận định cuộc tấn công lần này của Iran nhằm mục đích cho thấy rằng họ thực sự đang phản ứng lại các vụ tấn công gần đây của Israel nhằm vào các nhà lãnh đạo chủ chốt của Hezbollah và Hamas, "vì mục đích bảo vệ an ninh và sự sống còn" của chính quyền Iran.

Theo Guardian, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm