Lý do cựu Ngoại trưởng Mỹ qua đời do biến chứng Covid-19 dù đã tiêm vaccine
(Dân trí) - Các nhà khoa học đã bác bỏ hoài nghi về hiệu quả của vaccine, sau khi cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell qua đời ngày 18/10 do biến chứng Covid-19 dù đã tiêm chủng đầy đủ vaccine.
Truyền thông địa phương dẫn thông báo của gia đình cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell hôm 18/10 cho biết, ông Powell đã qua đời ở tuổi 84 vì những biến chứng Covid-19. Gia đình cho biết, ông Powell đã được tiêm đầy đủ vaccine Covid-19.
Peggy Cifrino, một trợ lý lâu năm của ông Powell, cho biết ông đã tiêm mũi hai vaccine Pfizer-BioNTech hồi tháng 2 năm nay và dự định tiêm mũi tăng cường vào tuần trước nhưng tình trạng sức khỏe đã rất xấu. Giới chức y tế Mỹ lo ngại rằng, những người phản đối vaccine sẽ vin vào cái chết của ông Powell để đưa ra những tuyên bố sai lệch về hiệu quả của vaccine - một trong những công cụ hiệu quả nhất hiện nay để đối phó với đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia y tế lý giải, ông Powell tuy đã tiêm chủng đầy đủ nhưng hệ miễn dịch của ông đã suy yếu đáng kể do đa u tủy, một bệnh ung thư máu. Căn bệnh này và việc điều trị có thể khiến người bệnh dễ bị nhiễm trùng hơn.
"Ông Colin Powell đã trải qua các đợt điều trị đa u tủy và dường như đáp ứng tốt với thuốc. Tuy nhiên, ức chế miễn dịch lại là phản ứng phụ thường gặp khi điều trị ung thư", Kathy Giusti, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu bệnh đa u tủy, cho biết.
Ngoài ra, ở tuổi 84, nguy cơ biến chứng do Covid-19 với ông Powell cũng cao hơn so với bình thường. Trợ lý Cifrino cho biết, trước khi qua đời, ông Powell cũng đang điều trị bệnh Parkison giai đoạn đầu.
Không thể phủ nhận hiệu quả của vaccine
Tiến sĩ Paul Offit, thành viên nhóm tư vấn của Cục Thực và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, vaccine giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện hoặc tử vong Covid-19, nhưng cũng không loại bỏ hoàn toàn được những nguy cơ đó. "Không có gì hiệu quả 100%. Điểm mấu chốt của tiêm vaccine là những lợi ích mà nó mang lại rõ ràng nhiều hơn là rủi ro", ông Offit nói.
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Leana Wen, bác sĩ cấp cứu và giáo sư về chính sách và quản lý y tế tại Trường Y tế Công cộng Milken Institute thuộc Đại học George Washington, cho biết: " Vaccine Covid-19 không bảo vệ bạn 100%. Không vaccine nào có hiệu quả 100%. Điều đó không có nghĩa là vaccine không hoạt động hoặc ta không nên dùng nó".
Các vaccine Covid-19 hiện thời được đánh giá là có hiệu quả cao đối với các biến chủng của virus SARS-CoV-2, kể cả biến chủng dễ lây lan như Delta. Theo một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, những người đã tiêm chủng đầy đủ vaccine có thể giảm 10 lần nguy cơ nhập viện và nguy cơ tử vong do Covid-19 cũng thấp hơn so với những người chưa tiêm chủng.
Một phân tích dữ liệu của New York Times thu thập từ 40 bang của Mỹ cũng chỉ ra, nguy cơ tử vong do Covid-19 ở những người đã tiêm chủng đầy đủ vaccine chỉ khoảng 0,2% đến 6%.
Theo dữ liệu của CDC Mỹ, hơn 187 triệu người Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ, trong đó hơn 7.000 người đã tử vong và khoảng 85% trong số này là người trên 65 tuổi.
"Những ca tử vong đột phá vẫn có thể xảy ra với những người đã tiêm chủng, nhưng có những nhóm người nhất định có nguy cơ tử vong cao hơn", Tiến sĩ Peter Hotez, hiệu trưởng trường dược tại Cao đẳng Y dược Baylor (Houston, Mỹ), nói.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, người thuộc nhóm cao tuổi có xu hướng dễ bệnh nặng hơn so với các nhóm tuổi khác. Để hạn chế những ca đột phá, giảm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong ở nhóm người có nguy cơ cao, theo các chuyên gia, cách tốt nhất là tăng độ phủ tiêm chủng vaccine. Tiến sĩ Ashish Jha của Đại học Y Brown giải thích: "Khi có nhiều người mắc Covid-19 trong cộng động, virus sẽ lây lan sang cả những người đã tiêm chủng. Khi đó, nhóm người dễ tổn thương sẽ đối mặt với rủi ro cao hơn".
Ngoài ra, theo giới chức y tế Mỹ, liều vaccine tăng cường cũng có thể giúp những người thuộc nhóm nguy cơ cao có thể tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn.