1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lời nhắn cuối cùng của bệnh nhân Covid-19 Mỹ: "Giá như tiêm vắc xin"

Thành Đạt

(Dân trí) - Người đàn ông 39 tuổi tại Mỹ ân hận vì không tiêm vắc xin trước khi tử vong vì Covid-19.

Lời nhắn cuối cùng của bệnh nhân Covid-19 Mỹ: Giá như tiêm vắc xin - 1

Ông bố Michael Freedy đã nhập viện điều trị Covid-19 và qua đời (Ảnh: Fox).

Hơn 3 tuần trước, Jessica DuPreez cùng chồng, Micheal Freedy, và 5 đứa con đã rời quê nhà ở Las Vegas để đi nghỉ dưỡng ở San Diego, bang California, Mỹ. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời với gia đình họ.

Sau chuyến đi, Freedy, 39 tuổi, trở về với phần da bị cháy nắng nghiêm trọng và có một số triệu chứng bất thường như chán ăn, buồn nôn, sốt, chóng mặt.

Freedy nghỉ làm việc và ở nhà trong 2 ngày. Anh vẫn không thể ăn, ngủ và cơ thể luôn nóng. Tuy vậy, anh vẫn nghĩ triệu chứng này là do tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời.

Freedy tới bệnh viện để thăm khám, nhưng không phát hiện điều gì bất thường. Trở về nhà, anh vẫn cảm thấy không khỏe.

Freedy sau đó tới một bệnh viện khác. Tại đây, anh nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây đại dịch Covid-19.

"Anh ấy hoảng loạn, nói rằng anh ấy không muốn chết và không muốn để lại những đứa con không có bố", DuPreez nói.

Khi đó, DuPreez tin rằng chồng cô sẽ sớm hồi phục vì anh vẫn còn trẻ và có sức khỏe tương đối tốt. Freedy quyết định tự cách ly tại nhà.

Tuy nhiên, tình hình sức khỏe của Freedy ngày càng trầm trọng. Anh thức giấc vào lúc 3 giờ sáng, nói với vợ rằng anh không thể đứng thẳng và không thể thở được.

DuPreez đưa chồng tới bệnh viện. Nồng độ ôxy trong máu Freedy đã xuống thấp. Kết quả kiểm tra cho thấy cả 2 bên phổi của anh đều bị tổn thương.

Một tuần sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19, Freedy được đưa tới phòng điều trị tích cực (ICU). Anh được đặt nội khí quản ngay lập tức, nhưng không qua khỏi do bệnh trở nặng.

Trước khi qua đời, Freedy ân hận rằng anh không tiêm vắc xin Covid-19 sớm hơn. Trong tin nhắn cuối cùng gửi vợ khi còn ở trong bệnh viện, anh viết: "Lẽ ra anh nên tiêm vắc xin".

DuPreez cũng nhận thức được tầm quan trọng của vắc xin sau sự ra đi đột ngột của chồng. DuPreez cho biết cô và đứa con lớn nhất đã tiêm vắc xin vào ngày Freedy được thông báo mắc Covid-19.

"Anh ấy mới 39 tuổi. Những đứa trẻ của chúng tôi giờ không có bố", DuPreez nói khi chia sẻ câu chuyện của mình để khuyến khích những người khác tiêm vắc xin.

"Các bạn không thể nói rằng: "Tôi còn trẻ và điều đó sẽ không ảnh hưởng đến tôi", bởi vì điều đó sẽ xảy ra với bất kỳ ai", DuPreez nói.

DuPreez nói rằng cô và Freddy đã quyết định đợi một năm sau khi vắc xin được công bố rộng rãi, để xem mọi người có gặp phải các phản ứng phụ nghiêm trọng hay không. Tuy nhiên, đó lại là quyết định khiến cô ân hận suốt đời.

"Chúng tôi chỉ muốn đợi thêm một năm để xem mọi người có bị ảnh hưởng gì không, chứ không phải không có ý định tiêm", DuPreez nói thêm.

Nhìn lại kinh nghiệm của bản thân, DuPreez cho biết những người còn do dự về vắc xin nên vượt qua sự hoài nghi của họ và đi tiêm chủng.

Câu chuyện của Freedy là câu chuyện mới nhất về những người chưa tiêm chủng và bày tỏ sự hối tiếc về quyết định không tiêm vắc xin của họ.

Một phụ nữ ở Alabama gần đây đã kêu gọi mọi người tiêm vắc xin và cho biết bà rất hối hận vì đã không tiêm vắc xin sau khi con trai bà qua đời vì Covid-19. Một bác sĩ ở Arkansas, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất tại Mỹ, cho biết nhiều bệnh nhân của ông hối tiếc về việc không tiêm vắc xin sau khi phải nhập viện.

Hãng tin AP hồi tháng 6 đưa tin, gần như tất cả các ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ hiện nằm trong số những trường hợp chưa được tiêm chủng.