Lợi ích khổng lồ của kênh đào nhân tạo Suez
(Dân trí) - Là huyết mạch giao thông Đông-Tây, là tuyến đường biển ngắn nhất nối liền lục địa Á-Âu mà không phải qua châu Phi, kênh đào Suez - một công trình nhân tạo khổng lồ, đã tác động mạnh đến sự phát triển của giao thương không chỉ của Ai Cập mà toàn thế giới.
Kênh đào chính thức được khởi công tháng 4/1859
Tuy nhiên, cuộc khảo sát lần hai vào năm 1840 đã cho thấy kết quả khảo sát lần một là không chính xác và khẳng định có thể xây dựng một con kênh nối liền Địa Trung Hải-Biển Đỏ với chi phí không quá cao. Vậy là tháng 4/1859, Pháp chính thức cho phép việc xây dựng Kênh đào Suez. Trải qua 10 năm với sự tham gia của hơn 2,4 triệu công nhân Ai Cập, cùng rất nhiều gian nan, và 125.000 công nhân phải bỏ mạng, đến tháng 11/1869, kênh đào Suez chính thức được khánh thành.
Năm 1875, Pháp đã buộc phải bán cổ phần của mình tại kênh đào (với giá 400.000 bảng Anh) cho Anh, giữa lúc lợi nhuận hàng năm mà kênh đào này mang lại là 25 triệu USD, tương đương với 200 triệu USD ngày này. Cho đến tháng 8/1882, Anh đã giành quyền kiểm soát Kênh đào Suez và tuyên bố sự bảo hộ đối với con kênh này, nhưng đến năm 1954, Anh đã phải đồng ý rút khỏi đây.
Kể từ khi được mở cửa lưu thông, Kênh đào Suez nhanh chóng tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nền giao thương thế giới. 50 năm sau sự kiện tháng 10/1956, Kênh đào Suez vẫn là huyết mạch sống còn của tuyến lưu thông hàng hóa từ Đông sang Tây, đặc biệt là vai trò quan trọng trong việc vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông đến các nền kinh tế phát triển. Hơn thế nữa, Kênh đào Suez còn có vai trò chiến lược về mặt an ninh trong khu vực Trung Đông, trong bối cảnh khu vực Trung Đông luôn đầy biến động, Ai Cập được Mỹ xem như “hòn đá tảng” trong chính sách Trung Đông của mình.
Hiện nay, cùng với du lịch, việc khai thác Kênh đào Suez là một trong những ngành dịch vụ thương mại quan trọng của Ai Cập. Trong năm 2005, hơn 18.700 tàu của các nước chuyên chở 665 triệu tấn hàng hóa các loại qua Kênh đào này, mang lại cho Ai Cập khoản thu nhập lên đến 3,42 tỉ USD so với 3,275 tỉ USD của năm 2004. Trong 7 tháng đầu năm 2006, kênh đào Suez đã thu được 2,1 tỉ USD và dự kiến trong năm 2006 sẽ đem về cho Ai Cập 3,56 tỉ USD. Chính phủ Ai Cập có kế hoạch đào sâu thêm Kênh Suez để đủ khả năng đón những con tàu tải trọng lớn hơn.