Beirut, thành phố không bao giờ chết
(Dân trí) - Người ta gọi Libăng là "Thụy Sĩ của Trung Đông" và thủ đô Beirut là "Paris của khu vực". Đối với người Libăng, Beirut có ý nghĩa hơn thế - một “thành phố không bao giờ chết", dù đã trải qua 5.000 năm lịch sử với hàng trăm lần bị tàn phá.
... và với hơn 1 triệu dân ngày nay
Beirut - thủ đô và thành phố lớn nhất của Libăng, nằm ở điểm giao thoa Đông-Tây, trên một mũi đất khổng lồ nhô ra biển với những dãy núi rất ấn tượng sừng sững phía sau, cao tới 3.000m. Không chỉ là những nhà hàng sang trọng tràn ngập rượu champagne và món trứng cá muối, những con đường lát sỏi, những quán café bên đường, những tòa nhà xây bằng đá vàng bên cạnh Địa Trung Hải xanh biếc, Beirut còn là một khu định cư rất cổ, một vùng đất với quá khứ hào hùng, một thị trấn thịnh vượng trên bờ biển xứ Canaan và Phênixi.
Tên Beirut xuất hiện bằng chữ hình nêm từ đầu thế kỷ 14 trước Công nguyên. Trong thế kỷ đầu tiên trước Công nguyên, Berytus, tên thời đó của Beirut, là thuộc địa của Đế quốc La Mã và là nơi đặt trường Luật nổi tiếng còn tồn tại đến thời Đế quốc La Mã phương Đông. Nhưng quyền lực và vẻ lộng lẫy của Berytus đã bị một loạt những cuộc động đất, sóng thần và hỏa hoạn vào năm 551 sau Công nguyên tàn phá gần hết. Thành phố bị lực lượng Hồi giáo Arập chiếm giữ và rơi vào tay quân Thập Tự Chinh năm 1110. Cả một thời gian dài những năm sau đó, Beirut nằm dưới quyền kiểm soát của Đế quốc Ốttôman, sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp. Thanh bình chỉ đến với vùng đất này năm 1943, khi Libăng giành được độc lập.
Cũng chính bởi bề dày lịch sử ít nơi nào sánh kịp nên ngày nay, bên dưới khu vực đổ nát của thành phố, người ta vẫn tìm thấy những công trình rất cổ còn lại từ thời Đế quốc La Mã: những Tháp Đồng Hồ của thời Thập Tự Chinh, Khu quân sự thời Ốttôman (gồm cả những tòa nhà xưa là trụ sở của Pháp), những phòng tắm khảm trai kiểu La Mã trong Thánh đường George, những Nhà thờ Thiên Chúa giáo có kiến trúc cầu kỳ hay cả những Nhà thờ Hồi giáo xây từ những năm 1113 sau Công nguyên.
Nhưng tất cả đã là của ngày hôm qua. Chỉ trong một đêm giữa năm 2006, mọi thứ gần như biến mất. Tháng 7 năm đó, Beirut trở lại cảm giác chết chóc và phá hủy của những năm nội chiến, khi Israel bắt đầu chiến dịch quân sự chống Lực lượng du kích Hezbollah. Người Libăng sững sờ chứng kiến thời gian quay ngược quá nhanh. Thời kỳ của cuộc nội chiến kéo dài 15 năm (1975-1990) dường như đang hiển hiện trước mắt họ.
Berut một ngày tháng 7/2006, sau các vụ nã pháo từ Israel
Đó là khi Beirut từ chỗ là hòn ngọc của Trung Đông bỗng trở thành mảnh đất hoang tàn với những tòa nhà bị ném bom, các tay súng bắn tỉa và bạo lực thường trực. Gần hai thập kỷ trôi qua, hơn 1,2 triệu dân ở trung tâm Beirut và 2,1 triệu người khác ở khu ngoại ô của thành phố này đã rất tự hào về nỗ lực tái thiết thành phố của mình. Những cửa tiệm đẹp đẽ mọc lên. Bờ biển tràn ngập nắng và khách du lịch nước ngoài. Không khí nghệ thuật tràn ngập với những nhà hát, rạp chiếu phim, điểm chơi nhạc, vẽ tranh khiến cho người ta có cảm giác thành phố thực sự đang trong một cuộc chuyển mình. Cảng Beirut đã lấy lại được vị thế là cảng lớn nhất ở Đông Địa Trung Hải. Sân bay quốc tế Beirut bắt đầu có khả năng phục vụ các chuyến bay của các hãng hàng không Trung Đông và số lượng rất lớn các hãng máy bay nước ngoài. Beirut hoàn toàn xứng đáng là thủ đô, thành phố lớn nhất và cảng biển chính của Libăng.
Người dân Beirut đáng lẽ đang trên đà hồi sinh với tốc độ ngoạn mục, lại sống trong cảm giác của chết chóc và tuyệt vọng. Tất cả những gì họ xây dựng trong 20 năm qua đã bị phá hủy trong chưa đến hai tuần. Cơ sở hạ tầng - từ các cây cầu cho đến sân bay quốc tế - đều bị hư hại nặng. Ít ngày trước khi bạo lực nổ ra, các tờ báo tràn đầy những dự báo lạc quan về một mùa hè du lịch sầm uất, nhưng sau đó tất cả đều vắng lặng. Thế giới bàng hoàng về sự phá hủy ở Beirut. Hàng nghìn người sơ tán, nhưng nhiều người vẫn trụ lại. Họ cho rằng Beirut đã chết hàng trăm lần, nhưng cũng đã hồi sinh hàng trăm lượt, "và nếu Beirut phải chết một lần nữa, thành phố này sẽ sống lại một lần nữa".