1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lộ trình "tháo ngòi" xung đột bắt đầu: Cuộc chiến Ukraine sắp đến hồi kết?

Thành Đạt

(Dân trí) - Các động thái ngoại giao và những phát ngôn tích cực từ các nhà lãnh đạo dường như cho thấy lộ trình giải quyết xung đột Nga - Ukraine đã bắt đầu.

Lộ trình tháo ngòi xung đột bắt đầu: Cuộc chiến Ukraine sắp đến hồi kết? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp năm 2018 (Ảnh: Getty).

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có các cuộc điện đàm liên tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 12/2, khi chính quyền của ông tập trung vào lộ trình chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ tuyên bố các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột - một trong những cam kết quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump - sẽ bắt đầu "ngay lập tức".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã đưa ra bản phác thảo chi tiết nhất cho đến nay về lập trường của chính quyền Trump đối với các vấn đề chính trong cuộc xung đột Ukraine, từ nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine cho đến các mục tiêu lãnh thổ của Kiev.

Mariia Zolkina, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu an ninh khu vực và xung đột tại Quỹ Sáng kiến Dân chủ, nhận định hàng loạt hành động ngoại giao - và các tuyên bố từ các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga và Ukraine - dường như cho thấy "một quá trình tìm kiếm giải pháp cho lệnh ngừng bắn tạm thời hoặc tạm dừng xung đột" ở Ukraine đang diễn ra.

Đây được xem là những bước đi đầu tiên trên con đường tìm giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài 3 năm qua ở Ukraine.

Cuộc điện đàm Trump - Putin 

Tổng thống Trump cho biết cuộc điện đàm kéo dài 1,5 giờ "rất hiệu quả" và Tổng thống Putin cũng chia sẻ với nhà lãnh đạo Mỹ mục tiêu chấm dứt chiến tranh.

"Như cả hai chúng tôi đã nhất trí, chúng tôi muốn ngăn hàng triệu trường hợp thiệt mạng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine", ông Trump cho biết.

Tổng thống Trump sau đó cho biết ông và Tổng thống Putin có kế hoạch gặp mặt trực tiếp "trong tương lai không xa".

"Ngày mai, sẽ có một cuộc họp tại Munich, và tuần tới sẽ có một cuộc họp tại Ả Rập Xê Út, không phải với tôi hay Tổng thống Putin, mà với các quan chức cấp cao. Và Ukraine cũng sẽ tham gia", ông Trump cho biết hôm 13/2.

Phóng viên Yulia Shapovalova của hãng tin Al Jazeera, đưa tin từ Moscow, cho biết cuộc điện đàm Trump - Putin đã thắp lên hy vọng cho nhiều người Nga.

"Họ thấy rằng ông Trump đang cố gắng giữ lời hứa chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Nhưng vẫn còn một chặng đường dài trước khi có bất kỳ bước ngoặt nào trong quan hệ giữa hai nước", Shapovalova cho biết.

Cuộc điện đàm Trump - Zelensky 

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ukraine cũng diễn ra "rất tốt", theo lời Tổng thống Trump. Ông Trump cho biết Tổng thống Zelensky muốn "kiến tạo hòa bình".

Tổng thống Zelensky nói rằng ông và Tổng thống Trump đã có một cuộc thảo luận "rất có ý nghĩa" về các vấn đề kinh tế và quân sự, bao gồm việc Ukraine sử dụng thiết bị không người lái. Ông Zelensky cũng cho biết Tổng thống Trump đã cập nhật cho ông về cuộc điện đàm trước đó với Tổng thống Putin.

"Chúng tôi đang xác định các bước chung với Mỹ để ngăn chặn hành động quân sự của Nga và đảm bảo một nền hòa bình đáng tin cậy và lâu dài", ông Zelensky nói.

Tuy nhiên, sau đó, ông Trump đã phủ nhận một số mục tiêu chính của Tổng thống Zelensky trong cuộc đối đầu với Nga. Ông chủ Nhà Trắng nói rằng Ukraine khó có thể giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát hoặc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tầm nhìn của ông Trump nhằm chấm dứt chiến tranh thế nào?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã đưa ra góc nhìn tổng quan hơn về cách giải quyết xung đột khi gặp gỡ các đồng minh quân sự của Ukraine tại Brussels. Ông đã đề cập đến quan điểm của chính quyền Trump về biên giới tương lai của Ukraine và các đảm bảo quốc phòng cho Kiev.

Ông Hegseth lập luận rằng lập trường của Tổng thống Trump dựa trên tầm nhìn về tình hình thực địa, nơi Nga phần lớn đang giành ưu thế. Ông nói rõ rằng Mỹ đang chuyển trọng tâm về trong nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều này có nghĩa là thu hẹp quy mô ở châu Âu.

"Chúng ta sẽ chỉ chấm dứt cuộc chiến tàn khốc này - và thiết lập một nền hòa bình lâu dài - bằng cách kết hợp sức mạnh của đồng minh với đánh giá thực tế trên chiến trường", ông Hegseth nói với các thành viên khác của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine, một liên minh gồm 57 quốc gia ủng hộ quân sự cho Ukraine, hôm 12/2.

Cơ hội Ukraine gia nhập NATO 

Theo tuyên bố của các quan chức Mỹ, Ukraine không thể gia nhập NATO. Bộ trưởng Hegseth tuyên bố thẳng thừng rằng Mỹ "không tin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là kết quả thực tế của một giải pháp đàm phán".

Ngay cả Tổng thống Zelensky dường như cũng thừa nhận việc gia nhập NATO có thể không được đưa ra thảo luận, khi đề xuất một "Kế hoạch B" cho quốc phòng của Ukraine trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Economist. Ông Zelensky nói rằng nếu Ukraine không trở thành thành viên NATO, nước này phải tập hợp một đội quân có quy mô tương đương với Nga.

"Để làm được điều này, chúng tôi cần vũ khí và tài chính. Và chúng tôi sẽ yêu cầu Mỹ cung cấp", ông Zelensky nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson hôm 13/2 tuyên bố NATO vẫn nên mở cửa cho Ukraine trong tương lai nếu nước này đáp ứng các điều kiện.

Khả năng Ukraine giành lại lãnh thổ 

Theo ông Trump, mặc dù Ukraine có thể khôi phục một số vùng lãnh thổ của mình thông qua đàm phán, nhưng họ không nên kỳ vọng vào việc quay trở lại biên giới trước năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở phía đông.

Bộ trưởng Hegseth cũng tuyên bố, việc theo đuổi "mục tiêu viển vông" là giành lại biên giới Ukraine trước năm 2014 "sẽ chỉ kéo dài xung đột và gây ra nhiều đau khổ hơn".

Điều này đánh dấu sự tương phản rõ rệt với chính quyền Mỹ trước đây dưới thời Tổng thống Joe Biden. Chính quyền Biden đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine và cam kết hỗ trợ nước này lâu nhất có thể để chống lại Nga.

Tổng thống Zelensky dường như đã âm thầm thích nghi với lập trường thay đổi của Mỹ, dù trước đó từng kiên quyết loại trừ khả năng nhượng bất kỳ vùng lãnh thổ nào cho Nga.

Vào tháng 11 năm ngoái, ông Zelensky cho biết Ukraine đã chuẩn bị "đưa Crimea trở lại bằng con đường ngoại giao", dường như ám chỉ đến việc chấp nhận quyền kiểm soát trên thực tế của Nga đối với vùng lãnh thổ này, mặc dù không chính thức. Ông Zelensky gần đây cũng đề xuất "trao đổi lãnh thổ" với Nga, trong bối cảnh lực lượng Ukraine đang chiếm giữ một số khu vực ở tỉnh Kursk phía tây Nga.

Tuy nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ một cuộc trao đổi như vậy.

Đảm bảo an ninh cho Ukraine 

Bộ trưởng Hegseth cho biết, bất kể đảm bảo an ninh cho Ukraine là gì, chúng sẽ không bao gồm việc triển khai quân đội Mỹ tại Ukraine. Thay vào đó, ông tuyên bố, an ninh của Ukraine nên được bảo vệ bởi "quân đội châu Âu và đối tác ngoài châu Âu có năng lực".

Lãnh đạo Lầu Năm Góc nói thêm rằng, nếu những đội quân này được triển khai với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình, họ không nên liên kết với NATO.

Keir Giles, một cố vấn cấp cao tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London, nhận định điều này "thực sự loại trừ các đảm bảo an ninh đáng tin cậy" từ Mỹ hoặc NATO.

Bộ trưởng Hegseth cũng kêu gọi các đồng minh NATO chi nhiều hơn cho ngân sách quốc phòng, bao gồm cả việc tăng chi tiêu quốc phòng từ 2% lên 5% GDP.

"Châu Âu phải cung cấp phần lớn viện trợ vũ khí sát thương và không sát thương trong tương lai cho Ukraine", ông Hegseth nhấn mạnh.

Theo Aljazeera, Newsweek