1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lộ diện người thuyết phục Tổng thống Zimbabwe từ chức sau 37 năm cầm quyền

(Dân trí) - Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đồng ý từ chức hồi đầu tuần này sau 37 năm cầm quyền. Zimbabwe do đó cũng tránh được một cuộc chuyển giao quyền lực đổ máu.


Ông Mugabe trong cuộc đàm phán với quân đội trước sự chứng kiến của linh mục Mukonori và hai đặc phái viên Nam Phi. (Ảnh: Zimbabwe Today)

Ông Mugabe trong cuộc đàm phán với quân đội trước sự chứng kiến của linh mục Mukonori và hai đặc phái viên Nam Phi. (Ảnh: Zimbabwe Today)

Người được cho là góp phần quan trọng vào việc thuyết phục ông Mugabe từ bỏ quyền lực là linh mục Fidelis Mukonori, người có quan hệ khá gần gũi với cựu Tổng thống Zimbabwe.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên với truyền thông sau cuộc chính biến ở Zimbabwe, ông Fidelis Mukonori đã chia sẻ về quá trình thuyết phục ông Mugabe từ chức.

Ông Mukonori là người thân thiết, gặp gỡ gần như hàng ngày với ông Mugabe. Ông trở thành người thương thuyết chính bởi ông được sự tin tưởng của ông Mugabe và quân đội và hơn nữa ông cũng khá có kinh nghiệm trong lĩnh vực này khi từng là trung gian hòa giải giữa các đối thủ chính trị.

Linh mục Mukonori cho biết, chiến lược của ông là không bao giờ tranh cãi với ông Mugabe, thay vào đó chịu khó lắng nghe và thuyết phục ông ấy rằng ông ấy có thể rút khỏi chính trường trong danh dự.

"Ông ấy là một người tranh luận giỏi, một nhà tư tưởng. Ông ấy lập luận một cách thông minh và tư duy như một triết gia. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ông Mugabe thấy những gì đang xảy ra với kinh tế và chính trị trong nước ở thời điểm đó và điều gì xảy ra nếu quân đội can thiệp vào”, vị linh mục 70 tuổi này chia sẻ.

Quân đội sáng 15/11 đã giành quyền kiểm soát thủ đô, quản thúc Tổng thống. “Ông ấy không phản đối việc có nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng không hiểu tại sao quân đội phải làm như vậy”, ông Mukonori nói.


Linh mục Fidelis Mukonori (Ảnh: Getty)

Linh mục Fidelis Mukonori (Ảnh: Getty)

Sức ép thương thuyết đối với ông Mukonori và các tướng lĩnh ngày càng tăng khi đảng cầm quyền ZANU-PF đưa ra cảnh báo rằng ông Mugabe hoặc phải từ chức hoặc đối mặt với nguy cơ bị luận tội.

Ông Mukonori cho biết, ông đã nhiều lần thuyết phục ông Mugabe rằng những đóng góp của ông ấy vẫn được công nhận, và ông vẫn được xem là vị anh hùng dân tộc, vẫn được quân đội và đảng cầm quyền tôn trọng.

“Các tướng lĩnh luôn cư xử tôn trọng ông ấy trong suốt các cuộc đàm phán, thậm chí họ vẫn chào ông ấy theo điều lệnh. Ông ấy biết ông ấy muốn được ra đi trong danh dự”, linh mục Mukonori nói.

Mặc dù vậy, ban đầu ông Mugabe dường như vẫn không chịu từ bỏ quyền lực. Trong bài phát biểu trên truyền hình trực tiếp sau chuỗi ngày bị quản thúc, ông Mugabe không hề đả động đến ý định từ chức.

“Quá trình này đòi hỏi phải rất kiên nhẫn. Lắng nghe một người 93 tuổi không giống như lắng nghe một người 17 hay 23 tuổi”, ông Mukonori nói.

Các cuộc tuần hành sau đó ở khắp các thành phố của Zimbabwe cuối cùng đã thuyết phục ông từ bỏ quyền lực vào phút chót, ông Mukonori cho biết. Đến tối 21/11, ông Mugabe chính thức đệ đơn từ chức, chấm dứt 37 năm quyền lực.


Ông Mugabe từ chức hôm 21/11, kết thúc 37 năm cầm quyền. (Ảnh: Reuters)

Ông Mugabe từ chức hôm 21/11, kết thúc 37 năm cầm quyền. (Ảnh: Reuters)

Cuộc chính biến ở Zimbabwe khép lại với việc cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa tuyên thệ trở thành người đứng đầu của chính phủ lâm thời Zimbabwe. Điều đáng nói nhất là cuộc chính biến diễn ra nhanh chóng chỉ 1 tuần và gần như không tiếng súng, không đổ máu.

Sau khi ông Mugabe từ chức, linh mục Mukonori vẫn hàng ngày nói chuyện với ông ấy. Linh mục này cho biết, ông Mugabe đã đề nghị làm cố vấn cho tân tổng thống mặc dù đa số người dân Zimbabwe muốn ông rút lui hoàn toàn.

“Ông ấy không biến mất khỏi cõi đời này, ông ấy không chết, nhưng ông ấy không còn là trung tâm chú ý của công chúng nữa", linh mục Mukonori nói.

Minh Phương

Tổng hợp