1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lo chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, doanh nghiệp Trung Quốc để mắt tới Đông Nam Á

(Dân trí) - Các công ty khởi nghiệp Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đang chuyển hướng sang các thị trường Đông Nam Á, bỏ qua thị trường Mỹ nhằm tránh những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.


Cô Betty Liu, một giám đốc điều hành tại Sở giao dịch chứng khoán New York (Ảnh: SCMP)

Cô Betty Liu, một giám đốc điều hành tại Sở giao dịch chứng khoán New York (Ảnh: SCMP)

Trong chuyến công tác mới đây đến châu Á, cô Betty Liu, một giám đốc điều hành tại Sở giao dịch chứng khoán New York, cho biết tình hình các doanh nghiệp ở đây đang tiếp tục có sự "xáo trộn", song nhìn chung các doanh nghiệp đều ngày càng để mắt đến tốc độ tăng trưởng của thị trường Đông Nam Á.

"Đông Nam Á là một trong những khu vực từng được thăm dò trước kia, nhưng hiện giờ lại trở thành tâm điểm mới", cô Liu nhận định với báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.

Cô cho biết thêm: "Hiện giờ các doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng thị trường Mỹ đang trở nên thách thức hơn do vậy họ quay sang các thị trường Đông Nam Á bởi một khu vực mới có thể giúp họ đa dạng hóa thị trường thay vì chỉ tập trung vào Mỹ, hay chỉ châu Âu hoặc các thị trường phát triển khác".

Theo cô Liu, sự dịch chuyển này có thể sẽ tạo ra thách thức cho thị trường Mỹ những năm tới trong việc thu hút thêm các doanh nghiệp niêm yết từ Trung Quốc vốn được coi là động cơ tăng trưởng cho sàn giao dịch chứng khoán New York.


Ngoài sàn chứng khoán New York (Mỹ), các thị trường khác cũng đang có sức hút không kém đối với các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này. (Ảnh: SCMP)

Ngoài sàn chứng khoán New York (Mỹ), các thị trường khác cũng đang có sức hút không kém đối với các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này. (Ảnh: SCMP)

Các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc có xu hướng niêm yết trên sàn chứng khoán với tốc độ nhanh hơn những năm gần đây. Tính từ đầu năm đến cuối tuần trước, 58 doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã huy động được hơn 20 tỷ USD để phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, các công ty này chọn niêm yết tại các thị trường ngoài Mỹ khi ngày càng có nhiều thị trường trở nên hấp dẫn hơn.

Ví dụ, những năm gần đây, sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong đã nới lỏng các quy định về niêm yết để thu hút thêm một số vụ IPO lớn trong ngành công nghệ. Hồi tháng 7, công ty sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi của Trung Quốc đã huy động đượ 3 tỷ USD khi niêm yết trên sàn Hong Kong.

Mặc dù sàn chứng khoán New York vẫn thu hút một số thương vụ niêm yết lớn từ Trung Quốc, nhưng giới đầu tư Mỹ lo ngại hoạt động này trong lĩnh vực công nghệ khó giữ được đà do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các nhà đầu tư đặc biệt lo ngại sự chuyển hướng của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc trong bối cảnh hai nước cạnh tranh vai trò thống trị trong lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, tự động hóa, khoa học đời sống.

Sự cạnh tranh này phần nào thể hiện qua căng thẳng Mỹ-Trung sau vụ việc Washington đề nghị Canada bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu hôm 1/12 với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Huawei là một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Mỹ cáo buộc các sản phẩm viễn thông của Huawei có thể là công cụ tình báo cho chính phủ Trung Quốc.

Minh Phương

Theo SCMP