1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lithuania bác "tối hậu thư" của Nga, sẵn sàng mở rộng phong tỏa Kaliningrad

Minh Phương

(Dân trí) - Bất chấp cảnh báo của Nga, Lithuania sẵn sàng mở rộng phong tỏa vùng Kaliningrad nếu Liên minh châu Âu áp dụng lệnh trừng phạt mới với Moscow.

Lithuania bác tối hậu thư của Nga, sẵn sàng mở rộng phong tỏa Kaliningrad - 1

Lithuania sẵn sàng mở rộng hạn chế trung chuyển hàng hóa Nga đến Kaliningrad (Ảnh minh họa: Sputnik).

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda hôm 22/6 cho biết, nước này sẵn sàng mở rộng danh sách hàng hóa từ Nga trung chuyển qua Lithuania đến vùng Kaliningrad bất chấp nguy cơ bị đáp trả. "Chúng tôi đã sẵn sàng và chuẩn bị cho những hành động của Nga. Chẳng hạn, Nga có thể cắt Lithuania khỏi mạng lưới điện hoặc sử dụng những biện pháp khác", ông Nauseda nói.

Ông cũng nhấn mạnh, lệnh hạn chế trung chuyển hàng hóa Nga đến Kaliningrad không phải động thái chủ quyền của Lithuania, mà chỉ đơn giản là việc Lithuania tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga do chiến dịch quân sự ở Ukraine.

"Chúng tôi cảm nhận được sự ủng hộ của toàn bộ thành viên EU bởi đây là quyết định có sự nhất trí của cả EU", ông Nauseda cho biết, đồng thời nhấn mạnh Lithuania sẵn sàng mở rộng hạn chế trung chuyển hàng hóa của Nga đến Kaliningrad nếu EU áp dụng lệnh trừng phạt bổ sung với Moscow.

"Chúng tôi đang chờ các giai đoạn trừng phạt tiếp theo. Hy vọng Ủy ban châu Âu sẽ giải thích rõ quyết định của họ với giới chức Nga. Điều đó có thể giúp xóa bỏ một số căng thẳng hiện nay không có lợi cho cả EU và Nga", Tổng thống Nauseda nêu rõ.

Bình luận trên được đưa ra sau khi cơ quan vận hành đường sắt quốc gia Lithuania cuối tuần qua bắt đầu ngừng trung chuyển một số hàng hóa từ Nga đến vùng lãnh thổ Kaliningrad. Các mặt hàng này thuộc danh sách cấm vận của EU như than đá, kim loại, vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghệ cao…

Kaliningrad, vùng lãnh thổ của Nga có khoảng 500.000 dân, nằm trên bờ biển Baltic giữa Lithuania và Ba Lan, hai thành viên của NATO. Kaliningrad không có bất cứ đường biên giới trên bộ với lãnh thổ chính của Nga và giống như một ốc đảo giữa lòng châu Âu. Kaliningrad nhận hàng hóa và khí đốt từ Nga thông qua đường sắt và đường ống chạy qua lãnh thổ Lithuania. Lệnh cấm vận chuyển một số hàng hóa qua Lithuania đã kéo theo tình trạng đổ xô mua hàng tích trữ ở Kaliningrad.

Nga cảnh báo đáp trả

Lithuania bác tối hậu thư của Nga, sẵn sàng mở rộng phong tỏa Kaliningrad - 2

Hàng hóa từ Nga đến Kaliningrad phần lớn trung chuyển qua Lithuania (Đồ họa: WSJ).

Mặc dù Lithuania và EU đều khẳng định lệnh hạn chế trung chuyển này không có nghĩa là "phong tỏa", nhưng Moscow coi đó là "phong tỏa kinh tế" với Kaliningrad và là hành động "thù địch công khai".

 "Nếu trong thời gian tới, việc vận chuyển hàng hóa giữa vùng Kaliningrad và phần còn lại của Liên bang Nga thông qua Lithuania không được khôi phục hoàn toàn, Nga có quyền hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia", Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, nói: "Nga chắc chắn sẽ đáp trả những hành động thù địch như vậy. Các biện pháp thích hợp đang được thực hiện theo hình thức liên cơ quan và sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Hậu quả của chúng sẽ có một tác động tiêu cực nghiêm trọng tới người dân Lithuania".

Căng thẳng giữa Nga và Lithuania - một thành viên NATO là tín hiệu nữa cho thấy tác động ngày càng lớn của cuộc khủng hoảng Ukraine đến mối quan hệ của Nga và phương Tây cũng như nguy cơ xung đột lan rộng. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 22/6 cảnh báo, phương Tây nên ngừng nhắc đến việc có thể kích hoạt điều khoản 5 về phòng thủ chung của NATO.

Cảnh báo được đưa ra sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao các biện pháp kinh tế chưa từng có tiền lệ mà nhiều nước trên thế giới, bao gồm Lithuania, đã cùng chúng tôi thực hiện để chống lại Nga và chiến dịch của họ ở Ukraine". Ông Price khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Lithuania trước bất cứ cuộc tấn công quân sự nào theo các nghĩa vụ trong khối quân sự NATO.

Điều khoản 5 trong hiệp ước NATO quy định về "phòng thủ tập thể", tức là cuộc tấn công vào một thành viên của liên minh sẽ được coi như cuộc tấn công vào toàn liên minh, do vậy NATO có quyền đáp trả.

Theo RT, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm