1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Liệu phương Tây cuối cùng có sẵn sàng thừa nhận thất bại ở Ukraine?

Thanh Thành

(Dân trí) - Các phương tiện truyền thông ở các nước phương Tây đang dần thay đổi câu chuyện đưa tin về cuộc xung đột ở Ukraine khi Nga đang đạt nhiều lợi thế hơn trong cuộc chiến ủy nhiệm này.

Liệu phương Tây cuối cùng có sẵn sàng thừa nhận thất bại ở Ukraine? - 1

Quân đội Nga ở khu vực Kursk (Ảnh: Getty).

Tạp chí Economist của Anh trong tuần này đưa tin rằng "Nga đang cắt qua hàng phòng thủ của Ukraine" và sau đó Kiev đang "vật lộn để tồn tại".

Trên khắp các phương tiện truyền thông phương Tây, nội dung câu chuyện đưa tin được truyền tải cho người dân theo hướng "Ukraine đang được chuẩn bị cho thất bại và những nhượng bộ lớn trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Nga".

Các nhà báo đang thay đổi câu chuyện vì họ không thể phớt lờ thực tế được nữa. Kịch bản thành công của Moscow đã trở nên rõ ràng kể từ ít nhất là mùa hè năm 2023, nhưng điều này đã bị bỏ qua để duy trì cuộc chiến ủy nhiệm.

Các nguồn tin báo chí phương Tây đã từng đưa tin không đúng rằng, các mặt trận đang trì trệ như bằng chứng cho thấy Nga không giành được lợi thế. Tuy nhiên, trong một cuộc chiến tiêu hao, hướng đi của cuộc chiến được đo bằng tỷ lệ tiêu hao - tổn thất ở mỗi bên. Việc kiểm soát lãnh thổ sẽ đạt được mục tiêu khi đối thủ đã kiệt sức vì việc mở rộng lãnh thổ rất tốn kém trong chiến tranh cường độ cao như vậy khi đối mặt các tuyến phòng thủ mạnh mẽ. 

Và sự sụp đổ hiện tại của các mặt trận của Ukraine là điều rất dễ đoán vì nhân lực và vũ khí của họ đã cạn kiệt.

Nhưng giờ đây, vì sao truyền thông phương Tây lại không còn có thể đưa tin những câu chuyện như trước?

Người dân có thể bị đánh lừa bởi tỷ lệ tiêu hao giả, nhưng không thể che đậy những thay đổi về lãnh thổ sau điểm phá vỡ cuối cùng. Hơn nữa, cuộc chiến ủy nhiệm có lợi cho NATO khi Nga và Ukraine đang làm tổn thương lẫn nhau mà không có bất kỳ thay đổi đáng kể nào về lãnh thổ. Giờ đây, khi Ukraine đã kiệt sức và bắt đầu mất lãnh thổ chiến lược, việc tiếp tục chiến sự không còn nằm trong lợi ích của liên minh quân sự này nữa.

Từng nỗ lực "biến sự đồng cảm thành vũ khí"

Trở lại năm 2022, giới tinh hoa chính trị-truyền thông phương Tây đã luôn nỗ lực tìm cách biến sự đồng cảm thành vũ khí để giành được sự ủng hộ của công chúng đối với chiến tranh và phớt lờ các biện pháp ngoại giao.

Công chúng phương Tây đã bị thuyết phục ủng hộ cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga bằng những thông điệp liên tục về nỗi thống khổ của người Ukraine và sự bất công khi họ mất chủ quyền.

Những người không đồng tình với "câu thần chú" của NATO rằng, "vũ khí là con đường dẫn đến hòa bình" và thay vào đó đề xuất đàm phán đã nhanh chóng bị coi là con rối của Nga không quan tâm đến người Ukraine. Nỗ lực ủng hộ cho việc tiếp tục chiến tranh trong một cuộc chiến không thể giành chiến thắng là biểu hiện duy nhất có thể chấp nhận được của sự đồng cảm.

Báo cáo về tỷ lệ thương vong cao của Ukraine đe dọa làm suy yếu sự ủng hộ cho cuộc chiến. Báo cáo về sự thất bại của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đe dọa làm giảm sự ủng hộ của công chúng đối với các lệnh trừng phạt. Báo cáo về khả năng Mỹ chính là thủ phạm đứng sau vụ phá hủy các đường ống dẫn Nord Stream đe dọa tạo ra sự chia rẽ trong NATO.

Báo cáo về việc Mỹ và Anh phá hoại các thỏa thuận Minsk và các cuộc đàm phán ở Istanbul đe dọa đến câu chuyện về phương Tây chỉ cố gắng "giúp đỡ" Ukraine. Công chúng được đưa ra lựa chọn nhị phân là tuân theo câu chuyện ủng hộ Ukraine/NATO hoặc câu chuyện ủng hộ Nga. Do đó, bất kỳ ai thách thức nó bằng những sự thật bất tiện đều có thể bị buộc tội ủng hộ các mục tiêu của Moscow. Việc chỉ ra rằng Nga đang chiến thắng bị hiểu một cách thiếu phê phán là đứng về phía họ.

Có rất nhiều sự thật và tuyên bố chứng minh rằng NATO đã chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng để làm suy yếu một đối thủ chiến lược. Tuy nhiên, giới truyền thông phương Tây không được phép thảo luận câu chuyện như vậy.

Chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng

Ông Chas Freeman, cựu Trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế và giám đốc các vấn đề Trung Quốc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, đã chỉ trích quyết định "chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng" của Washington.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã phác thảo những thỏa thuận có lợi mà Mỹ đã thiết lập với Ukraine: "Tôi thích con đường cấu trúc mà chúng ta đang đi ở đây. Miễn là chúng ta giúp Ukraine bằng vũ khí họ cần và hỗ trợ kinh tế, họ sẽ chiến đấu đến người cuối cùng". Lãnh đạo Thượng viện đảng Cộng hòa, Mitch McConnell, đã cảnh báo về việc nhầm lẫn chủ nghĩa lý tưởng với thực tế khắc nghiệt của các mục tiêu của Mỹ trong cuộc chiến ủy nhiệm này.

Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng lập luận rằng việc đánh bại Nga và sử dụng Ukraine làm thành trì chống lại Nga sẽ giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc "tập trung vào Trung Quốc". "Nếu Ukraine chiến thắng thì bạn sẽ có đội quân lớn thứ hai ở châu Âu, quân đội Ukraine, được tôi luyện trong chiến đấu, đứng về phía chúng ta, và chúng ta sẽ chứng kiến một đội quân Nga suy yếu, và bây giờ chúng ta cũng có châu Âu thực sự đang tăng cường chi tiêu cho quốc phòng", ông Stoltenberg nói.

Theo các chuyên gia, cần có một câu chuyện chiến thắng mới vì một Ukraine được NATO hậu thuẫn không thể đánh bại Nga trên chiến trường một cách thực tế.

Rõ ràng nhất là tuyên bố rằng Nga đã thất bại trong mục tiêu sáp nhập toàn bộ Ukraine để giúp tái thiết Liên Xô và sau đó chinh phục châu Âu. Câu chuyện lừa dối này sẽ cho phép NATO tuyên bố chiến thắng. Sau cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm 2023, David Ignatius đã chỉ trích điều này trên báo Washington Post, nơi ông lập luận rằng thước đo thành công là sự suy yếu của Nga:

"Trong khi đó, đối với Mỹ và các đồng minh NATO, 18 tháng chiến tranh này là một khoản lợi nhuận chiến lược, với chi phí tương đối thấp (ngoại trừ đối với người Ukraine). Kẻ thù liều lĩnh nhất của phương Tây đã bị lung lay. NATO đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều với sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan. Đức đã "cai nghiện" khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và theo nhiều cách, đã tìm lại được ý thức về các giá trị của mình. Những cuộc cãi vã của NATO trở thành tiêu điểm, nhưng nhìn chung, đây là một mùa hè chiến thắng cho liên minh này".

Hồi tháng 9/2023, Sean Bell, cựu Phó thống chế Không quân Hoàng gia Anh, đã lập luận rằng cuộc chiến đã làm suy yếu đáng kể quân đội Nga đến mức "Moscow không còn là mối đe dọa đáng sợ đối với châu Âu nữa". Do đó, ông Bell kết luận rằng "mục tiêu của phương Tây trong cuộc xung đột này đã đạt được" và "thực tế khắc nghiệt là các mục tiêu của Ukraine không còn phù hợp với những người ủng hộ họ nữa".

Nhưng thực tế thì lực lượng ủy nhiệm của Ukraine đã cạn kiệt và điều này sẽ chấm dứt cuộc chiến ủy nhiệm, và NATO không sẵn sàng tham chiến chống lại Nga. Khi NATO đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc cắt giảm tổn thất, xây dựng một câu chuyện mới là cần thiết. Và sau đó, NATO sẽ sớm được phép kêu gọi đàm phán như một biểu hiện của sự đồng cảm với người Ukraine.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm