1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Liên minh châu Âu nêu các biện pháp tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Thanh Thành

(Dân trí) - Các nước Liên minh châu Âu (EU) đang muốn đẩy mạnh các chuyến thăm hải quân và có thể tham gia hoạt động tập trận quân sự chung nhằm thúc đẩy tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Liên minh châu Âu nêu các biện pháp tăng cường hiện diện ở Biển Đông - 1

Tàu tuần duyên Mỹ (trái) và tàu cảnh sát biển Philippines tuần tra ở Biển Đông hồi năm 2021 (Ảnh: USGC).

Theo AP, trong một tuyên bố hôm 15/3, Đặc phái viên của EU tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương Richard Tibbels cho biết, khối 27 quốc gia này sẵn sàng cung cấp dịch vụ giám sát vệ tinh nhằm giúp đỡ các quốc gia trong khu vực ứng phó thảm họa thiên tai và bảo vệ lợi ích.

Theo ông, đây là chiến lược quan trọng trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và những nước trong vùng Biển Đông đang gia tăng.

Hoạt động tiếp cận này là một phần trong chiến lược của EU, được công bố vào năm 2021, nhằm tập trung các hành động ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mục tiêu là nhằm đóng góp cho an ninh khu vực trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.

Ông Tibbels cho biết, sự gắn kết lâu dài sẽ dựa trên các giá trị được chia sẻ, bao gồm cam kết tôn trọng dân chủ, nhân quyền và pháp quyền.

"Chúng tôi thật sự quan tâm đến việc đảm bảo tiếp tục tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở khu vực, và mạng lưới thương mại toàn cầu không bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng gia tăng trong khu vực", ông Tibbels trả lời phỏng vấn hãng tin AP ở Manila, nơi ông gặp gỡ các quan chức ngoại giao, quốc phòng và cảnh sát biển Philippines.

Khoảng 40% ngoại thương của EU đi qua Biển Đông, vì vậy khối liên minh này đặc biệt quan tâm đến sự ổn định tại khu vực này.

"Chúng tôi sẽ cố gắng tăng cường sự hiện diện hải quân ở đây", ông Tibbels cho biết khi được hỏi EU đã sẵn sàng thực hiện những bước đi nào để giúp đảm bảo duy trì quyền tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Một số nước châu Âu, trong đó có Đức, đã triển khai tàu chiến trong khu vực này những năm gần đây.

"Chúng tôi sẽ cố gắng khuyến khích và phối hợp các quốc gia thành viên tiếp tục các chuyến thăm hải quân như vậy, thậm chí là tham gia các cuộc tập trận chung nếu có thể", ông cho biết.

Đặc phái viên EU cũng nói thêm rằng, việc triển khai như vậy "tương đối khiêm tốn" nhưng có thể diễn ra thường xuyên vì phù hợp với khả năng của các quốc gia thành viên trong khối.

Mỹ đã triển khai hàng không mẫu hạm, tàu chiến và máy bay chiến đấu tuần tra thường xuyên ở Biển Đông, thách thức các yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc. Và nay đến lượt EU.

"EU đã tổ chức hoạt động phối hợp tương tự ở Tây Bắc Ấn Độ Dương để thúc đẩy tự do hàng hải và đẩy lùi các vụ cướp biển. Nỗ lực này có thể mở rộng về phía đông trong tương lai, gần châu Á hơn "khi năng lực hải quân của các quốc gia thành viên cho phép", Đặc phái viên Tibbels nói.

Ông Tibbels nhắc lại sự ủng hộ của EU đối với những nỗ lực của ASEAN trong việc đàm phán một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc để ngăn chặn các tranh chấp lãnh thổ âm ỉ từ lâu và có nguy cơ leo thang đáng lo ngại hơn.

Theo AP