1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Liên hợp quốc viết lại dự thảo nghị quyết về Syria

(Dân trí) - Ngày 29/1, các nước phương Tây và Ảrập đã bắt tay vào việc sửa đổi dự thảo nghị quyết về Syria sau khi bản thảo cũ bị cả Nga và Trung Quốc bác bỏ. Động thái này diễn ra ngay sau khi Liên đoàn Ảrập quyết định ngừng sứ mệnh giám sát tại Syria.

Liên hợp quốc viết lại dự thảo nghị quyết về Syria - 1
Bạo loạn bùng phát mạnh trở lại ở ngoại vi thủ đô Damascus trong ngày cuối tuần.

Mục đích của việc sửa đổi dự thảo là nhằm thu hẹp bất đồng giữa hai luồng quan điểm ủng hộ và phản đối, ngõ hầu có thể sớm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Syria.

Điều này càng trở nên cấp thiết khi các cuộc bạo ở Syria đang có xu hướng bùng phát mạnh trở lại ngay sau khi Liên đoàn Ảrập (AL) bất ngờ tuyên bố tạm ngừng sứ mệnh giám sát tại quốc gia Trung Đông này. Theo thông tin mới nhất, ít nhất có thêm 19 người thiệt mạng trong các cuộc trấn áp biểu tình ở ngoại vi thủ đô Damascus ngày 29/1.

Các nước châu Âu cho rằng quyết định bất ngờ của AL và tình trạng bạo lực không hề thuyên giảm tại Syria là những chỉ dấu cho thấy đã đến lúc Liên hợp quốc (LHQ) cần có hành động dứt khoát về tình hình tại  Syria.

“Trong cuộc họp vào thứ Ba tuần tới, Hội đồng Bảo an (HĐBA) sẽ thảo luận kỹ lưỡng kế hoạch của AL về việc chấm dứt đổ máu ở Syria. Việc khối Ảrập quyết định ngừng sứ mệnh giám sát cho thấy một mình AL không thể hoàn thành sứ mệnh bảo vệ dân thường Syria”, người phát ngôn của phái bộ Anh tại LHQ nói.

Theo kế hoạch, Tổng thư ký AL Nabil al-Arabi và Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim Al-Thani cũng sẽ tham dự cuộc họp để thuyết phục các nước thành viên HĐBA, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, thông qua kế hoạch của khối và nhanh chóng đưa ra hành động thích hợp.
 
Trong nỗ lực dọn đường cho cuộc họp sắp tới, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe đã gửi một bức thư cho người đồng cấp Nga Sergei Lavrov nhằm vận động Mátxcơva thay đổi lập trường đối với dự thảo nghị quyết của châu Âu- Ảrập. Theo đó, yêu cầu Tổng thống Syria Basha al- Assad phải chuyển giao quyền lực cho cấp phó để thúc đẩy thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc trong vòng 2 tháng và tổ chức tổng tuyển cử trong thời gian tiếp theo.  

Tuy nhiên, việc thuyết phục Nga quay lưng lại với đồng minh duy nhất của nước này trong thế giới Ảrập dường như là “nhiệm vụ bất khả khi”, không chỉ đối với ông Juppe mà với bất kỳ chính khách phương Tây nào khác. Trước đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cũng đã khẳng định dự thảo nghị quyết của châu Âu - Ảrập vượt quá “giới hạn đỏ” của Mátxcơva khi cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt, cấm vận vũ khí và gây áp lực thay đổi chế độ ở Syria.  

 Vũ Anh
Theo AFP, Reuters