1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Lịch sử châu Mỹ đã sang trang

(Dân trí) - Với cuộc gặp mặt và cái bắt tay biểu tượng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7 diễn ra tại Panama, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba đã xóa tan bức màn ngăn cách sau hơn nửa thế kỷ tồn tại. Châu Mỹ từ nay đã bước sang trang sử mới…

Lịch sử châu Mỹ đã sang trang
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử châu Mỹ (Ảnh: AFP)

Sau hơn 20 năm thành lập (từ năm 1994), đây là lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ quy tụ được toàn bộ 35 quốc gia trong khu vực sau nhiều thập kỷ chia rẽ và chông gai.

Không chỉ thế, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 diễn ra ở Panama còn trở thành dấu son chói lọi trong lịch sử khu vực khi được chứng kiến cái bắt tay và cuộc gặp mặt đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh kể từ những năm 1950.

Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp được chờ đợi với Chủ tịch Cuba Raul Castro sau khi cả hai ông đều đưa ra những phát biểu mang tính hòa giải trước hơn 30 nhà lãnh đạo khu vực. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba kể từ cuộc gặp tháng 4/1959 giữa Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon với lãnh tụ Fidel Castro, khi đó là Thủ tướng Cuba.

Trong cuộc trao đổi công khai chưa từng có tiền lệ, hai bên nhất trí sẽ đẩy mạnh các nỗ lực cải thiện quan hệ song phương, khẳng định quyết tâm đối thoại để sớm tái thiết lập quan hệ ngoại giao và mở trang sử mới trong quan hệ nhiều chông gai giữa hai nước.

Chủ tịch Castro nhấn mạnh: “Cần phải đối thoại về mọi vấn đề liên quan tới quan hệ song phương, kể cả nhân quyền và những vấn đề gây bất đồng khác”. Theo ông, dù giữa hai nước còn nhiều khác biệt nhưng Cuba “sẵn sàng tiến lên” và hai nước “phải hết sức kiên nhẫn” trong tiến trình bình thường hóa quan hệ. Chủ tịch Cuba cũng đánh giá cao thiện chí của Mỹ trong việc xem xét loại Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố.

Về phần mình, Tổng thống Obama khẳng định đã tới lúc Mỹ “phải thay đổi sau 50 năm giữ nguyên một chính sách”. Vị lãnh đạo thứ 44 của Nhà Trắng cho rằng hai quốc gia cựu thù “đang đi những bước đầu tiên trên chặng đường hướng tới tương lai và gác lại quá khứ”, dù rằng những bất đồng giữa hai nước chưa thể được khép lại ngay trong “một sớm, một chiều”.

“Việc Chủ tịch Castro và tôi đều ngồi ở đây ngày hôm nay đã đánh dấu một cơ hội lịch sử”,  Tổng thống Obama phát biểu tại hội nghị bàn tròn ở Panama ngày 11/4.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoàn tất việc xem xét và đề xuất lên Nhà Trắng việc đưa Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố, một trong những rào cản lớn nhất trên con đường bình thường hóa quan hệ giữa Washington và La Habana. Tất nhiên đến nay Tổng thống Obama vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về vấn đề này, song theo đánh giá chung, đây chỉ là vấn đề về thời gian. Theo ông Diego Moya-Ocampos, chuyên gia phân tích về châu Mỹ thuộc tổ chức tư vấn IHS Country Risk (của Mỹ), “nếu điều này diễn ra, nó sẽ làm cho mối quan hệ Mỹ-Cuba hiện nay trở nên thực chất hơn”.

Rõ ràng sau 54 năm bao vây, cấm vận và thù địch, mối quan hệ giữa hai chính thể đối lập Mỹ  và Cuba không thể bỗng chốc trở nên nồng ấm ngay, cho dù cả hai bên đều có thừa thiện chí. Tổng thống Obama cũng từng nói “mọi chuyện không thể thay đổi hoàn toàn chỉ sau một đêm”.

Tuy nhiên, triển vọng về một sự xích lại gần nhau và chấm dứt lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba đã phần nào giúp làm dịu đáng kể tâm lý chống Mỹ thường thấy ở một hội nghị thượng đỉnh khu vực diễn ra 3 năm một lần, đồng thời mở ra hy vọng về một chương hợp tác mới tại khu vực từng được coi là “sân sau” của Mỹ. Lịch sử châu Mỹ đang lật sang trang mới cùng với sự chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ Mỹ - Cuba.

Nhưng phía sau sự thay đổi tích cực này, các nhà lãnh đạo khu vực vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hóa giải những “điểm nóng” sinh ra từ nhiều năm chia rẽ và nghi ngờ lẫn nhau. Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Venezuela, sự sụt giảm tăng trưởng trong khu vực, vấn nạn buôn lậu ở Colombia, tỷ lệ giết người cao ở Trung Mỹ, nền tài chính bấp bênh ở Caribe, cùng các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, bảo vệ môi trường…  sẽ là những rào cản tiếp theo mà các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh phải cùng nhau giải quyết để có thể thực sự trở thành một khu vực gắn kết, phát triển, hòa bình và thịnh vượng như mong muốn của mọi người dân nơi đây.

Đức Vũ