1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Libya tái bùng phát nội chiến, NATO phải chơi ván cờ mới?

Trước đây, NATO chọn ném bom vào quân đội Gaddafi để ủng hộ lực lượng đối lập, nay NATO sẽ có kịch bản gì để có thể làm chủ ván cờ Libya?

The Guardian ngày 7/3 cho hay cuộc nội chiến tại Libya đã bùng phát dữ dội trở lại giữa các lực lượng đang kiểm soát quốc gia Bắc Phi này, nhằm tranh giành nguồn lợi ích từ các giếng dầu.

Cuộc khủng hoảng toàn diện tại Libya thời hậu Gaddafi đã có dấu hiệu bước vào một giai đoạn nguy hiểm khi mà các tác giả từng đạo diễn xoá bỏ “chế độ độc tài” năm xưa cũng phải bất lực.

Nhìn Libya đang rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu, các Đại sứ Anh, Mỹ và Pháp tại Libya chỉ biết kêu gọi các phe phái cần bình tĩnh, chứ không thể có bất cứ một khuyến cáo nào khác hay một giải pháp khả dĩ nào khác để có thể đảm bảo thành quả của họ không bị nhấn chìm giống như “chế độ độc tài” mà chính họ đã từng hỗ trợ lật đổ.

Theo The Guardian cho biết thì các nhà ngoại giao phương Tây lo ngại cuộc nội chiến tại Libya bùng phát sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ ven biển của Libya - huyết mạch kinh tế của đất nước Bắc Phi này. Tuy nhiên làm gì để cứu vãn tình hình thì các quốc gia phương Tây – trực tiếp là NATO – cũng chưa có giải pháp gì.

Libya tái bùng phát nội chiến, NATO phải chơi ván cờ mới? - 1

Nội chiến Libya bùng phát trở lại

Sự bùng phát mới nhất của cuộc nội chiến Libya được cho là xuất phát từ việc Lữ đoàn Phòng vệ tại Benghazi của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalid Haftar đứng đầu, thực hiện việc bắt giữ các phần tử đối nghịch tại cảng Sidra và Ras Lanuf.

Quân đội Quốc gia Libya của Tổng tư lệnh Khalid Haftar là lực lượng chiếm ưu thế ở miền đông Libya, được hỗ trợ của Nga và Ai Cập. Tướng Haftar đã khiểm soát những mỏ dầu vào tháng 9/2016 và sự có mặt của LNA dường như đã đảm bảo an ninh cho việc khai thác dầu, giúp cho lượng sản xuất tăng từ 200.000 thùng/ngày lên gần 700.000 thùng/ngày.

Việc LNA – thân Nga - nắm giữ quyền kiểm soát huyết mạnh kinh tế của Libya đã khiến cho các lực lượng khác – phần đông được phương Tây chống lưng – không thể chấp nhận. Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya đã thành công trong việc khai thác tình trạng vô chính phủ của Libya thời hậu Gaddafi để củng cố lực lượng và tạo vị thế cho mình trên bàn cờ chính trị Libya.

Ngược lại, những đối thủ của LNA lại cố gắng theo đuổi một ván cờ chính trị với sự hậu thuẫn của phương Tây, nhằm xây dựng một chính quyền thống nhất cho Libya, chấm dứt tình trạng hỗn loạn thời hậu Gaddafi. Lá cờ Liên Hợp Quốc cũng đã được tận dụng trong ván cờ này, song kết quả chỉ là “NATO ăn ốc”, còn “LHQ phải đổ vỏ”.

Bởi lẽ cho đến nay - đã 6 năm xảy ra cuộc nội chiến lần thứ nhất tại Libya mà kết quả là chế độ Gaddafi bị lật đổ - tại Libya có tới “hơn 2 chính phủ”, mà chính phủ được LHQ hậu thuẫn lại là lực lượng chính trị yếu thế trên cả chính trường lẫn chiến trường. Tuy nhiên, phương Tây và chính phủ Libya do họ chống lưng lại đòi nắm giữ huyết mạch kinh tế Libya, dù họ không đủ thế và lực để thực hiện được điều đó.

Chính vì vậy phương Tây đã chọn cách “kêu gọi tất cả các bên tại Libya phải thừa nhận rằng các cơ sở của ngành công nghiệp khai thác và xuất khẩu dầu khí của Libya phải nằm dưới sự kiểm soát của Tổng công ty Dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) và doanh thu phải được chuyển đến chính phủ Libya được LHQ hậu thuẫn ở Tripoli”, The Guardian tường thuật.

Thực tế đó là khó chấp nhận với những lực lượng “mạnh về thế, lớn về lực” như Quân đội Quốc gia Libya của Tổng tư lệnh Khalid Haftar. Bởi việc LNA trao nguồn lợi từ khai thác dầu khí do họ kiểm soát cho NOC chẳng khác nào họ gia tăng sức mạnh cho đối thủ, vì chính phủ do LHQ hậu thuẫn chưa phải đại diện cho lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia của Libya.

Có thể nhận diện đây là mấu chốt của vấn đề xung đột không thể giải quyết tại Libya. Người ta lật đổ Gaddfi mà không xuất phát từ lợi ích dân tộc của Libya, nên họ không thể nắm được gì trong một Libya hỗn loạn thời hậu Gaddafi.

Nay người ta lại muốn nắm giữ huyết mạch kinh tế của Libya, vậy lấy gì đảm bảo lợi ích của đất nước Libya có sẽ thuộc về người dân Libya?

Chắc chắn LNA và tướng Haftar đã nhận diện được phía sau những đòi hỏi của các lực lượng đối nghịch và những người bảo trợ cho các lực lượng ấy, còn LHQ thì chưa thực sự nắm được những gì đang diễn ra tại Libya.

Chính vì vậy NLA đã tập trung các lực lượng xung quanh cảng Brega và sẵn sàng các cuộc không kích mới, theo The Guardian.

Tình hình và tương quan lực lượng giữa các bên hiện nay tại Libya không khác nhiều so với thời Gaddafi bị ném bom năm 2011, chỉ có điều khi đó chính quyền tại Tripoli là mục tiêu mà NATO muốn lật đổ, còn hiện nay thì chính quyền tại Tripoli lại đang là lực lượng mà NATO hậu thuẫn và nâng đỡ.

Trước đây, NATO đã chọn ném bom vào lực lượng của Gaddafi để ủng hộ các lực lượng đối lập lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo này, nay lực lượng do NATO chống lưng, lại mang danh là chính quyền được LHQ hậu thuẫn đang bị thất thế, vậy NATO sẽ có kịch bản gì để hỗ trợ đồng minh để từ đó có thể làm chủ ván cờ Libya?

Đặc biệt, EU – anh em song sinh của NATO – đang khốn khổ vì lời nguyền Gaddafi khi người di cư từ Libya tràn vào Châu Âu.

Ngậm đắng nuốt cay nhìn thành quả của mình bị nhấn chìm thì không đặng, song làm sao chiếm lại thế thượng phong thì quả là chưa có nước đi nào.

Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng tìm được nước đi thì Brussels có thể phải đứng nhìn Moscow từng bước đạo diễn ván cờ Libya – như đã từng diễn ra tại Syria.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt