1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

NATO tăng xung đột với Nga: Động lực Trump?

Quan điểm của NATO là không tìm cách đối đầu, không gây ra mối đe dọa cho Nga, nhưng thực tế Brussels hành động ngược lại dưới thời chinh quyền Trump...

Theo The Romania Journal, hơn 1.500 binh sỹ từ 7 nước thành viên NATO đã bắt đầu cuộc tập trận đa quốc gia mang tên Poseidon 2017, diễn ra trên trên lãnh thổ Romania và hải phận quốc tế thuộc phía Tây Biển Đen. Theo kế hoạch thì cuộc tập trận này dự kiến kéo dài từ ngày 5/3 đến ngày 13/3/2017.

Tờ tạp chí của Romania thông tin, cuộc tập trận có sự tham gia của 17 tàu chiến, máy bay lên thẳng Puma Naval và hai tàu cao tốc cùng thợ lặn. Nhiệm vụ chính của cuộc tập trận là nâng cao khả năng phối hợp giữa các nước thành viên NATO trong việc chống mìn cũng như đánh giá khả năng các đơn vị Romania tham gia Lực lượng phản ứng nhanh của NATO vào năm 2018.

Cuộc tập trận đang diễn ra tại Romania - một động thái NATO thách thức Nga, bất chấp sự thân thiện của bộ đôi Trump - Putin
Cuộc tập trận đang diễn ra tại Romania - một động thái NATO thách thức Nga, bất chấp sự thân thiện của bộ đôi Trump - Putin

Đây đã là cuộc tập trận quốc tế thứ hai do Hải quân Romania tổ chức ngay trong 3 tháng đầu năm 2017. Trước đó, 500 binh sĩ đến từ 8 nước: Bulgaria, Macedonia, Montenegro, Serbia, Romania, Slovenia, Ukraine và Mỹ đã tham gia cuộc tập trận đa quốc gia mang tên Platinum Eagle 17,1 do Bộ quốc phòng Romania tổ chức, diễn ra từ ngày 27/2 đến ngày 1/3/2017.

Cuộc tập trận mới nhất diễn ra tại một thành viên “NATO Đông Âu” và trên Biển Đen chẳng khác gì là một lời cảnh báo nguy hại mà Brussels gửi tới Moscow, bởi với động thái đó có thể nhận diện vòng vây mà NATO bao quanh nước Nga đang ngày càng khép lại và các cứ điểm mọc lên ngày một dày hơn trong các vành đai đang khép dần ấy.

Thực tế đó cho thấy, dường như NATO đang mở thêm một mặt trận mới trong xung đột với Nga tại vùng Trung Nam Âu - Biển Đen, bên cạnh vùng nóng Đông Bắc Âu – Baltic. Và dường như NATO đang tạo ra một vòng cung đối trọng với vòng cung Kaliningrad – Crimea của Nga, từ đó đưa mối đe dọa với người Nga tới gần biên giới nước Nga hơn.

Có thể thấy rằng “trận so găng, cân não” giữa Nga và phương Tây mà biểu hiện cụ thể qua quan hệ Nga – NATO đang trở nên ngày một tồi tệ hơn. Những đòn “ăn miếng, trả miếng” giữa hai bên khiến tình hình ngày càng leo thang căng thẳng, thậm chí ngưỡng nguy hiểm đã cận kề. Điều đó có thể đe dọa sự ổn định chiến lược toàn cầu.

Chỉ có điều là quan hệ Nga – NATO gia tăng căng thẳng trong bối cảnh có sự thay đổi lớn trên chính trường của nước Mỹ với chủ nhân Nhà Trắng là một người có thiện cảm với Nga và đã lên tiếng về sự lỗi thời của hệ thống cấu trúc an ninh chung Mỹ - Châu Âu, mà NATO là biểu hiện cụ thể nhất, chặt chẽ nhất của cấu trúc ấy.

Với tư cách là tổng tư lệnh tối cao của nước Mỹ, Tổng thống Trump được xem là người có ảnh hưởng quyết định tới kế hoạch hành động của NATO, qua đó có thể làm thay đổi tính chất mối quan hệ Nga – NATO. Vậy nhưng, dường như mọi việc đang diễn ra trái ngược với quan điểm của nhà lãnh đạo Mỹ là Nga và NATO có thể hợp tác, làm việc cùng nhau.

Ngay thời Chiến tranh Lạnh, ở những thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc” trong cuộc đối trọng giữa khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và khối Hiệp ước Warszawa, như việc quân đội Liên Xô tiến vào Hungary năm 1956 hay quân đội khối Warszawa kéo vào Tiệp Khắc năm 1968 thì NATO cũng không có những hiện tượng động binh như hiện nay.

Hay từ sau khi Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 57 có kết quả, NATO cũng không cho thấy việc gia tăng đối đầu với Nga như lúc này. Ngay cả khi Moscow bị cho là can thiệp vào cuộc xung đột tại Ukraine, sau đó là sáp nhập lại Crimea vào năm 2014, NATO cũng không có những động thái nguy hiểm như bây giờ.

Thậm chí việc kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tại Romania cũng được Brussels giải thích là nhằm bảo vệ NATO khỏi tên lửa tầm ngắn và tầm trung, nhất là từ Trung Đông, cụ thể là từ Iran, như lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work: “Chừng nào Iran còn phát triển và triển khai tên lửa đạn đạo, chừng đó Mỹ sẽ còn làm việc với các đồng minh để bảo vệ NATO”, theo Reuters ngày 13/5/2016.

Điều đó cho thấy, dưới thời chính quyền Tổng thống Obama – giai đoạn mà quan hệ giữa Washington và Moscow nằm ở mức thấp nhất thời hậu Chiến tranh Lạnh – thì NATO cũng rất e dè khi đề cập đến mối nguy hại từ Moscow mà được xem là để làm cơ sở cho những nước đi chiến lược của mình trong việc gia tăng đối trọng với Nga.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống và nhất là từ khi vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ chính thức nắm quyền lực thì NATO liên tục có những động thái tạo căng thẳng với Nga. Từ việc gia tăng sự hiện diện quân thường trực tại vùng Baltic hay Ba Lan, đến việc liên tục tổ chức các cuộc tập trận phối hợp nhiều quân binh chủng hay đa quốc gia.

Quan điểm của giới lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong quan hệ với Moscow được xác định là : “Dù NATO và Nga có những bất đồng sâu sắc và dai dẳng, song liên minh không tìm cách đối đầu và không gây ra mối đe dọa cho Nga”, theo nato.int - trang thông tin chính thức của liên minh quân sự này. Vậy nhưng thực tế thì Brussels lại hành động ngược với quan điểm đó, dưới thời chính quyền Trump.

Phải chăng, ông Trump đã trở thành động lực cho NATO gia tăng xung đột với Nga? Điều đó có thể được lý giải bởi hai nguyên nhân quan trọng, thứ nhất đó là hành động "NATO tự cứu mình" trước mối đe dọa từ chính Tổng thống Trump khi ông xem tổ chức này đã lỗi thời; và thứ hai là Brussels được sự ủng hộ bởi những đối thủ của ông Trump tại Washington.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt