1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lập căn cứ ở Libya, Nga thâu tóm Địa Trung Hải

Tàu sân bay Nga ghé thăm Libya, thảo luận cho Nga can dự chống khủng bố tại đất nước Bắc Phi, đẩy mạnh căn cứ của Nga tại Địa Trung Hải.

Nga kiếm dầu mỏ, bán vũ khí ở Bắc Phi

Khalifa Hifter, vị tướng trung thành của chính phủ miền bắc Libya vừa được quân đội Nga đón tiếp trọng thị khi thăm chiếc tàu sân bay duy nhất mang tên Đô đốc Kuznetsov vào ngày 11/1 vừa qua trên đường từ Syria trở về Nga.

Thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ông Hifter đã tham quan một vòng trên chiếc tàu sân bay Nga trước khi dự một cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu để thảo luận về các biện pháp Nga có thể giúp đỡ chống khủng bố ở Libya.

Ông Hifter cũng đã ký một bản ghi nhớ chung để cung cấp cho Quân đội quốc gia Libya (LNA) các dụng cụ sơ cứu và vật tư y tế cần thiết.

Tướng quân đội Libya Khalifa Hifter.
Tướng quân đội Libya Khalifa Hifter.

Liên minh Libya đối phó với Chính phủ hòa hợp dân tộc (GNA) đóng tại Tripoli, đồng thời cũng phản đối Hiệp ước chính trị Libya (LPA) do LHQ làm trung gian.

Trước đó, ông Agilah Saleh, Chủ tịch Hạ viện ở Tobruk và là lãnh đạo chính trị trên danh nghĩa của liên minh đã tới Moscow hôm 13/12/2016 và gặp gỡ Ngoại trưởng Sergey Lavrov cùng nhiều quan chức Nga khác. Ông Saleh và ông Lavrov đã thảo luận về tiến trình đối thoại chính trị Libya, việc thực thi Hiệp ước chính trị Libya, thảo luận về nền kinh tế, an ninh và cuộc chiến chống khủng bố ở Libya.

Các động thái mới nhất của Moscow đã thể hiện rõ sự ủng hộ cho LNA và rộng hơn là liên minh Libya về mặt chính trị trên trường quốc tế như đã từng làm với Syria. Dù đã có những ủng hộ rõ ràng đối với LNA và chính quyền ở miền đông Libya, Nga vẫn cố gắng tiếp cận với các phe phái và các nhân tố khác bao gồm Chính phủ hòa hợp dân tộc GNA cũng như các lãnh đạo Misratan.

Tháng 6/2016, ông Misratan Ahmed Maiteq, Phó Chủ tịch hội đồng Chủ tịch GNA cùng với Bộ trưởng Quốc phòng được chỉ định của GNA, ông Mahdi al-Bargathi và Ngoại trưởng được chỉ định Taher Syiala đã có chuyến công du đến Moscow.

Vào tháng 12/2016, Đại sứ Nga tại Libya, ông Ivan Moloktov đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Bargathi để thảo luận về hợp tác quân sự, bao gồm cả việc duy trì và nâng cấp các thiết bị quân sự của Nga ở Libya.

Nga đã không còn giữ vai trò thống trị ở Libya kể từ khi nhà lãnh đạo Gadhafi bị lật đổ. Thay vào đó là các thế lực khác gồm Mỹ và châu Âu, cùng các nhân tố trong khu vực gồm Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Ả Rập Xê-út đã can thiệp sâu vào sự chuyển giao quyền lực ở Libya thời kỳ hậu Gadhafi.

Tuy nhiên, Nga vẫn duy trì tập trung và can dự vào Libya và hiện vẫn can thiệp ở đây như một phần của trò chơi địa chính trị của Nga và cũng là một phần trong công cuộc mở rộng ảnh hưởng của nước này ở Trung Đông. Điều này cũng là vì lợi ích thương mại của các công ty của Nga.

Tàu sân bay Kuznetsov của Nga
Tàu sân bay Kuznetsov của Nga

Nga có hai lựa chọn khả thi khác nhau cho sự can thiệp vào khủng hoảng ở Libya. Lựa chọn thứ nhất là cách tiếp cận mềm mỏng, thông qua sự can thiệp ngoại giao và chính trị với các nhà cầm quyền quan trọng của Libya.

Đây là một lựa chọn khả thi vì các nỗ lực của LHQ, Mỹ và các nước châu Âu đã không đưa ra được một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng Libya. Nga đã cố gắng tiếp cận tất cả các đảng phái chính trị ở Libya, nhưng đến nay vẫn không có nhiều tiến triển.

Báo chí Libya từng đưa tin về phái đoàn của Nga đến thăm thành phố Misrata cùng thời điểm mà Hifter được tiếp đón trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Tuy nhiên vì một vài lý do, chuyến viếng thăm này không được công khai và cũng không giành được nhiều sự chú ý từ phía truyền thông.

Dẫu vậy, cách tiếp cận này có lẽ khó cho Nga vì những mối liên kết và hợp tác giữa một số bên liên quan chủ chốt ở Libya như GNA, lực lượng từ Misrata với các nước phương Tây bao gồm Italy, Anh và Mỹ.

Để cách tiếp cận này thành công, Nga sẽ cần phải hợp tác với các nước phương Tây, những nước tham gia tích cực và có ảnh hưởng tới các nhân tố chính ở Libya. Tuy nhiên sự hợp tác này cũng khó hình dung vì những đóng băng trong quan hệ Nga và phương Tây ở vấn đề Syria và Ukraine, cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Lựa chọn thứ hai là cách tiếp cận mang tính cứng rắn, theo đó Nga có thể chọn cách hậu thuẫn Hifter và chính quyền miền đông Libya, đồng thời giúp đỡ cân bằng quyền lực theo hướng có lợi cho LNA để chiếm được Tripoli và kiểm soát phần lớn lãnh thổ Libya cũng như các nguồn năng lượng ở đây.

Nga sẽ tăng thêm quyền lực ở Địa Trung Hải

Chuyến viếng thăm của tàu sân bay Kuznetsov tới bờ biển Libya và tiếp đón ông Hifter trên tàu – sự kiện được người dân Libya và truyền thông quốc tế chú ý - là một dấu hiệu cho thấy Nga đang hướng theo lựa chọn này.

Điều này có nghĩa là Nga có khả năng can thiệp sâu hơn, do đó cũng đòi hỏi đầu tư một lượng lớn các nguồn lực mà lúc này Nga có thể chưa sẵn sàng, vì nước này đã bỏ ra khá nhiều vào Syria trong khi nền kinh tế Nga gần đây cũng đang phải chịu nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, những tính toán của Nga có thể khác, sự phiêu lưu của Moscow ở Libya có thể đổi lấy việc đảm bảo được các hợp đồng dầu lửa và khí đốt, vũ khí và xây dựng nếu như đồng minh của Nga lên nắm quyền ở đây. Hơn nữa, với tham vọng về ảnh hưởng và mở rộng thế lực của Nga ở Trung Đông, Libya có thể là một món mặc cả địa chính trị của Nga trước châu Âu.

Theo Al Monitor, Nga có thể sẽ can dự nhiều hơn vào Libya trong năm 2017 với những hậu quả rất tiêu cực cho phương Tây, đây là hệ quả của mối thù địch giữa Nga và phương Tây. Cho dù các động thái gần đây của Mátcơva vẫn mơ hồ, ý định của Nga với phương Tây lại rất rõ ràng.

Thậm chí nếu Nga không thể trực tiếp tác động hoặc kiểm soát các sự kiện ở Libya. Nga ít nhất vẫn có thể khiến tình hình bất ổn kéo dài, tạo ra những hậu quả thảm khốc đối với Libya và khu vực.

Putin sẽ biến Địa Trung Hải thành cửa nhà.
Putin sẽ biến Địa Trung Hải thành "cửa nhà".

Mattia Toaldo, một chuyên gia về Libya và là thành viên cao cấp của tổ chức Hội đồng Châu Âu về quan hệ đối ngoại (ECFR) tại London, cho rằng Libya là một bộ phận của chiến lược Trung Đông lớn của điện Kremlin. Tổng thống Vladimir Putin tìm cách nâng cao ảnh hưởng của Nga tại Libya để củng cố liên minh với các nước Arập khác như Ai Cập dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Abdel Fatah El-Sissi.

"Thứ nhất, Libya là một bằng chứng của tình thân hữu giữa hai ông Putin và Sissi. Libya rất quan trọng đối với Tổng thống Sissi và ông Sissi lại quan trọng đối với Tổng thống Putin. Do đó, ông Putin sẽ làm những gì có thể để tăng cường ảnh hưởng của Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sissi ở Libya” - ông Toaldo nói với DW.

Có một lý do vì sao Tổng thống Putin ủng hộ tướng Haftar ở Libya như ông từng ủng hộ tướng El-Sissi ở Ai Cập. Tổng thống Ai Cập El-Sissi và tướng Haftar đều xuất thân từ quân đội và đều chống tổ chức “Anh em Hồi giáo”.

Nhà phân tích Toaldo đồng ý với quan điểm cho rằng một căn cứ quân sự của Nga ở Libya có thể giúp củng cố quyền lực của Moscow ở Trung Đông. Ông nói thêm: "Việc Nga giành được một chỗ đứng ở Libya có thể rất hữu ích trong việc tăng cường vị thế tổng thể của nước này ở Địa Trung Hải. Ngày càng có nhiều đồn đoán về một căn cứ của Nga, thậm chí chỉ cần quyền cập cảng, ở Benghazi. Cùng với Syria và mối quan hệ mật thiết với Ai Cập, điều này sẽ cho phép Nga có một vị thế mạnh mẽ hơn ở khu vực này (Bắc Phi) của thế giới."

Việc Nga ủng hộ tướng Haftar có đôi chút tương đồng với việc ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Tuy nhiên, nhà phân tích Toaldo nhận xét: “Tôi không tin rằng Tổng thống Putin sẽ can dự vào Libya tương đương cấp độ mà ông đang cam kết với chính phủ Syria”.

Nga ủng hộ tướng Haftar chủ yếu liên quan đến lĩnh vực mua bán vũ khí. Trong khi đó, không quân Nga đã hỗ trợ đắc lực cho Tổng thống Assad bằng việc ném bom các vị trí của phiến quân ở Syria hơn một năm qua.

Theo nhà phân tích Mattia Toaldo, phía Nga hy vọng sẽ tăng cường ảnh hưởng của nước này ở Trung Đông và Bắc Phi đang thay đổi đến chóng mặt, để trở thành một thế lực chiếm ưu thế trong khu vực.

Clip tàu sân bay Kuznetsov nhả khói đen khi đến Syria:

Theo Huy Vũ

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm