1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Libya “rơi vào nội chiến”, Mỹ cắt quan hệ với sứ quán tại Washington

(Dân trí) - Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế (ICRC) nói Libya đã rơi vào nội chiến, trong khi người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ cho rằng lực lượng của Tổng thống Gadhafi “sẽ đánh bại quân nổi dậy”. Mỹ đã tuyên bố cắt đứt quan hệ với sứ quán Libya tại Washington.

 
Libya “rơi vào nội chiến”, Mỹ cắt quan hệ với sứ quán tại Washington - 1
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (trái) bắt tay với Ðại diện Hội đồng Cai trị Tạm quyền đối lập Libya sau cuộc họp tại Paris hôm qua.

Chủ tịch ICRC, ông Jakob Kellenberger, hôm qua cho biết tổ chức nhân đạo này bị ngăn không thể tiếp cận các khu vực miền tây, kể cả thủ đô Tripoli. Nhưng theo ông Kellenberger, miền tây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cuộc xung đột giữa phe nổi dậy và các lực lượng trung thành với lãnh đạo Muammar Gadhafi.

Giao tranh leo thang tại cảng dầu Ras Lanuf ở miền Đông, mặt trận của các lực lượng đối lập. Các lực lượng ủng hộ ông Gadhafi hôm qua đã tuyên bố giành lại quyền kiểm soát khu vực này sau khi tiến hành các cuộc không kích mới vào thị trấn.

Tại khu vực bất ổn Zawiya gần thủ đô Tripoli, người dân cho biết thành phố hiện đã yên tĩnh sau một đêm trải qua các cuộc giao tranh dữ dội. Có nhiều nguồn tin trái ngược nên hiện chưa rõ phe đối lập hay lực lượng ủng hộ ông Gadhafi đang nắm quyền kiểm soát thành phố. Phe nổi dậy và lực lượng thân ủng hộ Tổng thống Gadhafi đã giao tranh ác liệt những ngày qua ở thị trấn này. Không thể kiểm chứng những lời tuyên bố một cách độc lập vì chính phủ cấm phóng viên không được vào khu vực Zawiya.

Từ Washington, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (CIA), ông James Clapper nói xét đến tính vượt trội về vũ khí và quân lực thì ông Muammar Gadhafi có phần chắc sẽ đánh bại quân nổi dậy đang tìm cách lật đổ ông. Ông Clapper nói: "Quân đội Lybia, lực lượng được trang bị hùng hậu nhất với thiết bị của Nga gồm các thiết bị phòng không, trọng pháo, xe thiết giáp và các thiết bị cơ giới, và dường như họ rất có kỷ luật trong việc gìn giữ và sửa chữa những trang thiết bị đó".

Thượng tướng lục quân Ronald Burgess, chỉ huy Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, đồng ý với đánh giá của ông Clapper, nói rằng ông Muammar Gadhafi “đang duy trì được sức mạnh”. Ông nói quân nổi dậy đã có được khí thế lúc ban đầu, nhưng đang tiêu hao. Còn theo đánh giá của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế trụ sở tại London, phe nổi dậy ở Libya thiếu tổ chức, thiếu huấn luyện đầy đủ và chỉ được trang bị hầu hết bằng các vũ khí nhỏ như súng trường tự động, súng máy và súng phòng không đặt trên các xe tải nhỏ.

Cùng ngày hôm qua, phát biểu trước Uỷ ban Phân bổ ngân sách của Thượng viện, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiết lộ chính quyền đã ngưng các mối liên hệ với Đại sứ quán Libya tại Washington, nơi các viên chức thân và chống Gadhafi đều muốn nắm quyền kiểm soát, “vì vậy, chúng tôi mong họ chấm dứt hoạt động như một sứ quán của Libya”. Tuy nhiên, Mỹ không cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính phủ Libya và các viên chức Mỹ - kể từ những cuộc giao tranh bắt đầu - vẫn có quan hệ với Ngoại trưởng Libya Musa Kusa.

Các cuộc thảo luận về vấn đề Libya

Hôm qua, Pháp là nước đầu tiên chính thức công nhận Hội Đồng Cai trị Lâm thời của phe đối lập Libya là đại diện hợp pháp cho nhân dân Libya. Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý những chế tài mới đối với Libya khi bộ trưởng ngoại giao các nước EU họp tại Brussels. Theo dự kiến, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận việc thiết lập một vùng cấm bay chống lại Libya trong một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày hôm nay.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng giúp nâng cao vị thế cho phe đối lập Libya khi bà cho biết sẽ gặp đại diện đối lập tại Mỹ và trong chuyến viếng thăm Ai Cập và Tunisia trong tuần tới. Bà Hillary sẽ là giới chức cao cấp nhất của Mỹ thăm vùng này kể từ khi những cuộc nổi dậy chống chính phủ phát khởi tại một số quốc gia trong vùng đầu năm nay.

Các thủ lĩnh đối lập Libya đã kêu gọi các cường quốc Tây phương thiết lập khu vực cấm bay tại Libya để chấm dứt những cuộc không tập của lực lượng chính phủ. Các thành viên NATO hôm qua đã bắt đầu cuộc họp hai ngày tại Brussels để xem xét một hành động như vậy.

Tổng Thư Ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói bất cứ một hành động quân sự nào của liên minh tại Libya phải căn cứ trên một nhu cầu có thể chứng minh được và cần phải có ủy nhiệm rõ ràng với sự ủng hộ của các nước trong vùng. Ông cũng nói liên minh đã bắt đầu theo dõi 24 giờ một ngày không phận Libya. Một giới chức của liên minh nói máy bay do thám AWACS đầu tiên đã bay tuần tra vào sáng hôm qua.

Trung Đông-Bắc Phi - những diễn biến mới

Một tháng sau khi xảy ra những cuộc biểu tình trên khắp nước Yemen, Tổng thống Ali Abdullah Saleh hôm qua đã cam kết sẽ cho thảo hiến pháp mới, và theo ông, sẽ được đem trưng cầu dân ý trước cuối năm nay. Một phát ngôn viên phe đối lập nói rằng hành động này quá ít và quá muộn.

Các nhà hoạt động đối lập tại Yemen hôm qua tiếp tục các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Ali Abdullah Saleh, một ngày sau khi lực lượng an ninh tấn công vào khuôn viên đại học Sanaa, khiến 1 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Những người biểu tình doạ tiếp tục tọa kháng “cho tới khi nào lật đổ quyền cai trị của ông Saleh” kéo dài đã 32 năm nay. Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Yemen điều tra và buộc những ai đã sử dụng lực lượng quá đáng phải chịu trách nhiệm.

Các cuộc biểu tình ở thủ đô Yemen đã tương đối ôn hòa kể từ khi ông Saleh tuyên bố lực lượng an ninh sẽ bảo vệ người biểu tình.

Tại Ai Cập, cựu Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử (IAEA), ông Mohamed ElBaradei cho biết ông sẽ ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Câu trả lời của ông ElBaradei trên đài truyền hình tư nhân Ai Cập hôm qua đánh dấu lần đầu tiên ông tuyên bố rõ sẽ ra tranh cử, kể từ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng trước. Ông cũng lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền quân nhân Ai Cập hoãn hoặc hủy một cuộc trưng cầu dân ý về các điều khoản sửa đổi hiến pháp mới, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19/3, và nói rằng ông sẽ bỏ phiếu chống.

Trong khi đó, báo chí phương Tây dẫn lời các nhân chứng hôm qua khẳng định cảnh sát Ảrập Xêút đã nổ súng trong tỉnh miền đông nhiều dầu hỏa để giải tán một đám đông hàng trăm người Hồi giáo Shiite tranh đấu đòi trả tự do cho tù nhân. 4 người bị thương trong vụ này.

Cảnh sát có biện pháp mạnh sau khi một lệnh của chính phủ Ảrập Xêút cấm biểu tình được ban hành vì có nhiều nhóm nhỏ những người biểu tình tụ họp đòi thay đổi tại vương quốc bảo thủ này. Bất chấp lệnh cấm, những người tranh đấu vẫn sử dụng Internet để kêu gọi người dân Ảrập Xêút xuống đường vào hôm nay, ngày thứ Sáu, tại thủ đô Riyadh, để tham gia cuộc tập hợp ngày "phẫn nộ". Những người tổ chức cho biết họ sẽ sử dụng cuộc tập hợp này để đòi thực hiện thay đổi chính trị và xã hội.

Còn Quốc vương Mohammed của Morocco hứa thực hiện "cải tổ toàn diện thể chế" tại đất nước vùng Bắc Phi. Đây là bài phát biểu đầu tiên của Quốc vương Mohammed kể từ cuộc biểu tình của nhiều ngàn người tại các thành phố lớn của Morocco ngày 20/2 vừa qua.

Trong phát biểu đầu tiên kể từ các cuộc phản đối của dân tháng trước, Quốc vương nói "tự do cá nhân và tập thể sẽ được cải thiện". Dù cho dân kéo đi biểu tình trên đường phố, lấy cảm hứng từ thay đổi ở Tunisia và Ai Cập, Quốc vương Morocco vẫn không từ bỏ quyền lực. Người biểu tình muốn thấy một số quyền của nhà vua trao bớt cho chính phủ do dân bầu ra.

Hà Khoa
Tổng hợp