1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lệnh ám sát tướng Iran: Bước đi đầy mạo hiểm của ông Trump

(Dân trí) - Việc Mỹ không kích khiến tướng quyền lực nhất Iran thiệt mạng có thể thổi bùng căng thẳng ở khu vực Trung Đông vốn âm ỉ lâu nay. Các lực lượng của Mỹ và đồng minh ở khu vực có thể đối mặt với các hành động trả đũa của Tehran.

Ông Trump lý giải về quyết định giết tướng Iran
Lệnh ám sát tướng Iran: Bước đi đầy mạo hiểm của ông Trump - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hạ lệnh giết chết tướng cấp cao Iran Qassem Soleimani. (Ảnh: AP)

Mỹ xác nhận, Iran thề trả thù

Lầu Năm Góc xác nhận, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đích thân ra lệnh giết chết thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ Quds của Iran, trong cuộc không kích rạng sáng 3/1 gần sân bay quốc tế Baghdad của Iraq.

“Theo mệnh lệnh của Tổng thống, quân đội Mỹ đã triển khai hành động phòng vệ quyết đoán nhằm bảo vệ lực lượng của Mỹ ở nước ngoài bằng việc giết tướng Qasem Soleimani, tư lệnh lực lượng Quds của Vệ binh cách mạng Iran. Tướng Soleimani đã ra sức lên kế hoạch tấn công nhằm vào các nhà ngoại giao, quân nhân của Mỹ ở Iraq và trong khu vực. Cuộc không kích nhằm ngăn chặn các kế hoạch tấn công trong tương lai của Iran”, thông cáo của Lầu Năm Góc cho biết.

Tuy nhiên, việc sát hại một trong những vị tướng quyền lực nhất của Iran có thể coi là một hành động rủi ro có thể kéo theo nguy hiểm cho lực lượng của Mỹ và đồng minh ở Trung Đông nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif chỉ trích cuộc không kích của Mỹ là hành động của “chủ nghĩa khủng bố” và cảnh báo Mỹ phải gánh hậu quả cho “chủ nghĩa phiêu lưu quân sự” của mình.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei tuyên bố sẽ “trả thù khốc liệt” cho cái chết của tướng Soleimani.

Video mới ghi khoảnh khắc xe của tướng Iran trúng tên lửa Mỹ
Lệnh ám sát tướng Iran: Bước đi đầy mạo hiểm của ông Trump - 2
Tướng Iran thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ gần sân bay quốc tế Baghdad, Iraq sáng 3/1. (Ảnh: AFP)

Mồi lửa Trung Đông

Charles Lister, chuyên gia phân tích hàng đầu về chính sách của Iran trong khu vực, cho rằng tính chất và mức độ căng thẳng của cuộc không kích này không giống các vụ không kích của Mỹ trước đó nhằm tiêu diệt thủ lĩnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS Abu Bakr al-Baghdadi và trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ Chris Murphy bình luận: “Quân đội Mỹ vừa thực hiện một vụ ám sát nhân vật quyền lực thứ hai của Iran khi chưa có sự phê chuẩn của quốc hội, có thể khơi mào một cuộc chiến tranh khu vực”.

Chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Washington, Ben Friedman, nhận định cuộc không kích là “hành động cực liều lĩnh” bởi lực lượng của Mỹ trong khu vực không đủ để đối phó với một cuộc khủng hoảng có thể nổ ra.

Kể từ tháng 5/2019, Mỹ đã điều thêm khoảng 14.000 binh sĩ tới Trung Đông. Sau vụ không kích hôm 3/1, Lầu Năm Góc xác nhận sẽ đưa thêm khoảng 3.000 binh sĩ nữa đến khu vực này.

Quyết định của ông Trump nhằm ám sát tướng Soleimani có thể kéo Mỹ vào một cuộc chiến hao người tốn của nữa ở Trung Đông. Đó là điều mà ông Trump không hề mong muốn bởi ngay từ khi tranh cử ông đã thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Mỹ rút quân khỏi Trung Đông. Ông cho rằng, lãng phí hàng nghìn tỷ USD ở Trung Đông là "sai lầm lớn nhất lịch sử của Mỹ". Hơn nữa, nếu sa lầy vào một cuộc chiến mới ở khu vực này sẽ là một bước lùi cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump bởi cử tri Mỹ sẽ cảm thấy thất vọng khi ông không giữ cam kết.

Những mục tiêu Iran có thể đáp trả

"Biển người" Iran xuống đường tiếc thương tướng cấp cao thiệt mạng

Ngoài các lực lượng của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, Iran còn có các lực lượng ủy nhiệm ở khắp khu vực như Iraq, Syria, Lebanon, Yemen và có thể tìm cách tấn công vào các lợi ích của Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Hiện chưa rõ Iran sẽ đáp trả Mỹ như thế nào, song giới quan sát cho rằng một trong những mục tiêu trả đũa sẽ là lực lượng quân sự Mỹ ở Syria.

“Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syrira đang giảm dần và cũng mất dần sự tin tưởng của các đồng minh, đối tác. Các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh, đặc biệt là Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Ả rập Xê út, có thể trở thành nạn nhân của các hành động trả đũa của Iran”, chuyên gia Charles Lister nhận định.

Chuyên gia Friedman cho rằng, Iran sẽ không phát động một cuộc chiến tranh với Mỹ, thay vào đó sẽ có hàng loạt “hành động khiêu khích” nhằm vào các lực lượng của Mỹ.

Một quan chức Trung Đông cảnh báo, hành động trả đũa của Iran có thể diễn ra ở bất cứ nơi đâu. “Họ có thể nhắm vào các mục tiêu ở châu Phi, có thể là Mỹ Latinh, có thể ở vùng Vịnh, có thể là bất cứ mục tiêu nào”, quan chức này nói.

Vụ không kích của Mỹ rạng sáng 3/1 có thể coi là “giọt nước tràn ly” trong bối cảnh Mỹ và Iran trên bờ vực xung đột quân sự trực tiếp hồi đầu năm nay sau khi Washington cáo buộc Tehran đứng sau các vụ tấn công nhằm vào các tàu dầu quốc tế.

Mặc dù Tổng thống Trump nhiều lần nhấn mạnh ông không mong muốn một cuộc chiến tranh với Iran, nhưng diễn biến mới nhất có thể buộc Iran phải đáp trả khốc liệt.

Minh Phương
Tổng hợp