1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lầu Năm Góc phát triển máy bay tốc độ cao không cần đường băng

Thanh Thành

(Dân trí) - Mỹ muốn trợ giúp các lực lượng hoạt động đặc biệt ở những khu vực khó khăn hiểm trở bằng cách nghiên cứu chế tạo một loại máy bay tốc độ cao mới không cần đường băng.

Lầu Năm Góc phát triển máy bay tốc độ cao không cần đường băng - 1

Mô hình máy bay mới của Lầu Năm Góc (Ảnh: DARPA).

Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) mới đây tuyên bố đã phối hợp với Bộ Tư lệnh hoạt động đặc biệt thực hiện dự án Công nghệ Độc lập Đường băng và Tốc độ (SPRINT), với mục tiêu là hạ cánh máy bay trên đường băng không có sẵn với tốc độ cao.

Giám đốc DARPA Stefanie Tompkins cho biết máy bay mới có thể được sử dụng trong chiến đấu để sơ tán y tế hoặc hỗ trợ binh lính đến các địa điểm xa xôi.

Hiện chưa rõ các chi tiết của chương trình bởi hầu hết các dự án của DARPA đều luôn được giữ bí mật tuyệt đối. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, hình vẽ của chiếc máy bay bí ẩn này cho thấy nó thiếu cánh quạt trực thăng và điểm nhấn là tốc độ.

Dự án này có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với máy bay trong tương lai là có thể hạ cánh ở những nơi không có đường băng.

Nếu dự án DARPA thành công, chiếc máy bay mới có thể tham gia cùng Bell Boeing V-22 Osprey như một giải pháp cho quân đội đang cố gắng nhanh chóng đi vào địa hình hiểm trở.

Osprey, một máy bay quân sự cánh quạt nghiêng có cả khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) cũng như cất cánh và hạ cánh ngắn (STOL), đã trở thành phương tiện được lựa chọn cho nhiều đặc nhiệm và lực lượng chính quy của Mỹ.

Nhưng Osprey chưa thực sự chứng minh được hiệu quả. Từ lần đầu tiên cất cánh vào năm 1989 đến nay, V-22 đã xảy ra 13 vụ tai nạn khiến 51 người thiệt mạng.

Gần đây, phi đội Osprey đã bị đình chỉ hoạt động do trục trặc bộ phận ly hợp. Bộ phận này đôi khi bị bung ra trong quá trình hạ cánh, dẫn đến khả năng xảy ra tai nạn.

Bất chấp những vấn đề đó, V-22 đã giúp lấp đầy một khoảng trống quan trọng trong chiến lược quân sự của Mỹ.

Sử dụng các cánh quạt, Osprey có thể cất cánh và hạ cánh trong không gian chật hẹp hoặc không có đường băng như máy bay trực thăng. Sau khi rời mặt đất, các cánh quạt có thể quay về phía trước để bay ngang, chuyển đổi V-22 thành máy bay tua-bin tốc độ cao hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Máy bay không người lái (UAV) có thể là một phần của giải pháp tìm điểm hạ cánh không có đường băng.

Công ty vũ khí BAE Systems gần đây đã trình diễn máy bay Strix VTOL không người lái mới của họ. Nó có thể nằm gọn trong một container vận chuyển tiêu chuẩn và mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm cả tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire

Đây được xem là loại máy bay trong tương lai bởi các cuộc chiến trong những năm tới có thể cần phải sử dụng nhiều máy bay có thể hạ cánh ở những nơi không có đường băng. Một báo cáo của RAND Corporation dự đoán, nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, cuộc xung đột có thể bắt đầu bằng việc phá hủy các sân bay.

Theo Popular Mechanics