1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lầu Năm Góc muốn chi thêm 4,5 tỷ USD cho phòng thủ tên lửa

(Dân trí) - Bộ quốc phòng Mỹ có kế hoạch đề nghị quốc hội phê chuẩn khoản ngân sách bổ sung trị giá 4,5 tỷ USD cho phòng thủ tên lửa trong 5 năm tới trong khuôn khổ đề nghị ngân sách tài khóa 2015.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Gần 1 tỷ USD trong số đó dự kiến được dùng để chi cho một ra-đa phòng thủ nội địa mới sẽ được đặt tại Alaska, và 560 triệu USD khác cho việc phát triển một tên lửa đánh chặn mới sau vài cuộc thử nghiệm thất bại, một chuyên gia và các nguồn tin quốc hội Mỹ cho biết.

Yêu cầu của Lầu Năm Góc về khoản chi tiêu bổ sung được đưa ra bất chấp áp lực ngân sách quốc phòng ngày càng gia tăng và các cắt giảm trong các chương trình vũ khí khác. Các nguồn tin cho hay đây là một dấu hiệu cho thấy Washington ngày càng lo ngại về các nỗ lực phát triển tên lửa của Triều Tiên và Iran.

Nhà Trắng dự kiến sẽ gửi đề nghị ngân sách cho năm tài khóa 2015 lên quốc hội vào ngày 4/3 tới.

Phòng thủ tên lửa là một trong những vấn đề lớn nhất trong ngân sách thường niên của Lầu Năm Góc.

Đề nghị trên dự kiến sẽ nhận được sự ủng hộ của cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ tại quốc hội, nhưng nó cũng có thể gây ra các chất vấn về hàng tỷ USD được chi trong 2 năm qua cho một "vũ khí hủy diệt" do hãng Raytheon Co chế tạo, được sử dụng để tấn công các tên lửa đối phương và phá hủy chúng.

"Vũ khí hủy diệt" là một phần của một hệ thống phòng thủ tên lửa lớn hơn trên mặt đất do Boeing vận hành.

Tuần trước, ông Michael Gilmore, người đứng đầu bộ phận thử nghiệm vũ khí của Bộ quốc phòng Mỹ, đã đặt câu hỏi về khả năng của "vũ khí hủy diệt" sau hàng loạt vụ thử nghiệm thất bại và cho rằng Lầu Năm Góc nên cân nhắc thiết kế lại vũ khí này.

Riki Ellison, người sáng lập Liên minh ủng hộ phòng thủ tên lửa, cho rằng vấn đề trên cần được giải quyết nhanh chóng, trong bối cảnh chính quyền Obama muốn mua bổ sung 14 tên lửa đánh chặn trên mặt đất để tăng cường các hệ thống phòng của Mỹ nhằm chống lại một cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng từ Triều Tiên.

Ngoài ra, Raytheon, Boeing và Lockheed Martin cũng đã phát đầu phát triển một "vũ khí hủy diệt thông thường" nhỏ hơn và đơn giản hơn. Chương trình này sẽ được thực hiện dựa trên thành công của hệ thống tên lửa Aegis, vốn sử dụng tên lửa SM-3 do Raytheon chế tạo, và hệ thống đẩy được sử dụng trên vũ khí hủy diệt hiện thời.

Trong khi đó, ngân sách tài khóa 2014 bao gồm 70 triệu USD cho công việc phát triển ban đầu về "vũ khí hủy diệt thông thường", hoặc tổng cộng 350 triệu USD trong 5 năm tới đến hết năm tài khóa 2018.

An Bình
Tổng hợp