1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lãnh sự quán Trung Quốc lọt “tầm ngắm” của FBI từ lâu trước khi bị đóng cửa

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, cơ sở ngoại giao bị yêu cầu đóng cửa hồi tháng 7, từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của Cục Điều tra Liên bang (FBI).

Lãnh sự quán Trung Quốc lọt “tầm ngắm” của FBI từ lâu trước khi bị đóng cửa - 1

Đồ đạc được đưa ra ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston ngày 23/7. (Ảnh: ABC)

Trong cuộc thảo luận do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Mỹ tổ chức ngày 12/8, ông John Demers, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về an ninh quốc gia cho biết, lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston "không phải ngẫu nhiên được chọn" khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định đóng cửa cơ sở ngoại giao này hồi tháng 7.

Ông Demers cho biết việc chính phủ Mỹ quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc nhằm ngăn chặn các động thái mà "chúng tôi đã theo dõi suốt một khoảng thời gian". Ông cũng dẫn chứng 50 trường hợp được ghi nhận gần đây tại 30 thành phố khác nhau ở Mỹ, trong đó Washington đã phát hiện các hành vi do thám tài sản trí tuệ và công nghiệp nhằm phục vụ lợi ích của Trung Quốc.

Theo quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, vụ việc ở Houston chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang sau khi Washington yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, bang Texas. Mỹ cáo buộc cơ sở ngoại giao này là “hang ổ” của các điệp viên Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh lệnh Mỹ đóng cửa lãnh sự quán ở thành phố Thành Đô, cáo buộc các nhân viên tại cơ sở ngoại giao này can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc.

Ông Demers nhận định mối lo ngại lớn của chính phủ Mỹ hiện nay là người Mỹ đang trao cho ứng dụng TikTok của Trung Quốc quyền truy cập vào các dữ liệu cá nhân nhạy cảm, đôi khi bao gồm danh sách liên lạc cá nhân và dữ liệu về địa chỉ. Điều này đã dẫn đến các động thái gần đây của chính quyền Trump nhằm hạn chế sử dụng ứng dụng của Trung Quốc tại Mỹ.

Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ do tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc cung cấp trong quá trình phát triển và xây dựng dữ liệu cũng như mạng lưới viễn thông 5G ở Mỹ sẽ khiến người Mỹ bị lộ nhiều thông tin hơn. Theo ông Demers, đây là lý do chính quyền Trump thực hiện "nỗ lực mạnh mẽ" nhằm thuyết phục các đồng minh của Mỹ tại châu Âu và châu Á cẩn trọng, đồng thời dừng sử dụng các thiết bị do Trung Quốc sản xuất trong mạng lưới của họ.

Quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cũng cho biết ngày càng có nhiều cáo buộc được ghi nhận, tố Trung Quốc đột nhập dữ liệu máy tính trong năm 2020. Bộ Tư pháp Mỹ đang sắp xếp các công tố viên để xử lý các vụ kiện liên quan tới Trung Quốc.