1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Toan tính của Trung Quốc khi lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô

Thành Đạt

(Dân trí) - Lãnh sự quán ở Thành Đô không phải là nơi lớn nhất trong 6 cơ sở ngoại giao của Mỹ tại Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh có lý do khi yêu cầu Washington đóng cửa cơ sở này.

Toan tính của Trung Quốc khi lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô - 1

Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô (Ảnh: Sputnik)

Cùng với một đại sứ quán ở Bắc Kinh, Mỹ có 5 lãnh sự quán ở Trung Quốc đại lục, gồm Quảng Châu, Thượng Hải, Thẩm Dương, Thành Đô và Vũ Hán.

Tương tự, Trung Quốc cũng có 5 lãnh sự quán tại Mỹ và một đại sứ quán ở Washington. Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, nơi bị Mỹ yêu cầu đóng cửa hôm 21/7, phụ trách các công việc lãnh sự cho các bang Alabama, Arkansas, Florida, Georgia, Louisiana, Mississippi, Oklahoma và Texas. Đây cũng là một trong những lãnh sự quán nhỏ nhất của Trung Quốc tại Mỹ.

Lãnh sự quán ở Thành Đô mở cửa vào năm 1985, trước khi Mỹ mở lãnh sự quán mới nhất ở Vũ Hán vào năm 2008. Theo thông tin trên trang web của lãnh sự quán Thành Đô, cơ sở ngoại giao này có 5 văn phòng và 130 nhân sự, trong đó 100 người được tuyển từ địa phương sở tại.

Nằm ở thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, lãnh sự quán ở Thành Đô xử lý tất cả vấn đề liên quan tới ngoại giao và lãnh sự ở khu vực tây nam Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, thành phố Trùng Khánh và khu tự trị Tây Tạng.

Bắc Kinh cho biết yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán ở Thành Đô là “phản ứng hợp pháp và cần thiết” trước các biện pháp “vô lý” của Mỹ, sau khi Washington yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston trong 72 giờ.

Toan tính của Trung Quốc

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng chọn lãnh sự quán ở Thành Đô để đáp trả Mỹ vì đây là cơ sở ngoại giao có quy mô nhỏ. Theo đó, việc đóng cửa lãnh sự quán sẽ không “đổ thêm quá nhiều dầu vào lửa” trong mối quan hệ vốn nhiều căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Khu vực thuộc phạm vi phụ trách của lãnh sự quán ở Thành Đô là nơi có ít doanh nghiệp và công dân Mỹ hơn so với hầu hết lãnh sự quán khác của Mỹ tại Trung Quốc.

“Phía Trung Quốc vẫn cố gắng tìm cách không leo thang căng thẳng quá nhanh”, Li Haidong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Đối ngoại Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định.

KJ Noh, một học giả về địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô là biện pháp đáp trả có tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc.

“Động thái này cho thấy Trung Quốc cố gắng đáp trả theo cách tránh làm leo thang căng thẳng. Rõ ràng, Mỹ đã tiến lên trên nấc thang căng thẳng, và Trung Quốc đang tìm cách đảm bảo rằng họ có thể đáp trả phù hợp, gửi một thông điệp mạnh mẽ, mà không cần lộ bài hoặc đẩy mọi việc đi quá xa”, ông Noh nhận định.

Theo chuyên gia Noh, Trung Quốc vẫn chọn lãnh sự quán ở Thành Đô để đáp trả, mặc dù các cuộc thăm dò dư luận trực tuyến tại Trung Quốc cho thấy người dân nước này ủng hộ mạnh mẽ phương án đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở đặc khu hành chính Hong Kong.

“Tuy nhiên, việc đóng cửa lãnh sự quán ở Hong Kong là thông điệp mạnh mẽ hơn nhiều, nên họ (Trung Quốc) sẽ chờ thời cơ trước khi thực sự làm điều này. Nếu họ đóng cửa lãnh sự quán ở Thượng Hải hay Quảng Châu, họ sẽ gây tổn hại cho Mỹ về mặt kinh tế, nhưng một lần nữa họ đang nằm trong tay lá bài này. Các thông tin ban đầu nói rằng Trung Quốc sẽ đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán, nhưng cơ sở này trên thực tế gần như đã đóng cửa rồi, do vậy nếu đóng cửa bây giờ thì chỉ là hành động mang tính biểu tượng. Họ sẽ không chọn cách đó”, ông Noh cho biết thêm.

“Việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thẩm Dương sẽ chặn đứng và phá vỡ hoạt động tình báo và lôi kéo của Mỹ đối với Nga và Triều Tiên, nên họ (Trung Quốc) sẽ làm chuyện đó sau. Lãnh sự quán ở Thành Đô thực chất có liên quan tới Tây Tạng và Tân Cương, chúng ta cũng lưu ý rằng có nhiều động thái leo thang căng thẳng liên quan tới các thông tin tuyên truyền xung quanh Tân Cương. Đó có thể là lý do khiến họ đóng cửa lãnh sự quán ở Thành Đô”, Sputnik dẫn lời ông Noh nói.

Theo chuyên gia Noh, xét từ góc nhìn của Mỹ, việc đóng cửa lãnh sự quán ở Thành Đô là “tổn thất về mặt tình báo”, nhất là khi Bắc Kinh cho đến nay vẫn từ chối cấp phép để Mỹ mở thêm lãnh sự quán ở Tây Tạng.

“Xét trên phương diện đó, Thành Đô là lãnh sự quán then chốt được Mỹ sử dụng để tiến hành các hoạt động tình báo ở Tây Tạng và Tân Cương”, ông Noh nhận định.

Theo SCMP, mặc dù các tỉnh phía tây nam không phát triển mạnh về kinh tế bằng các khu vực khác tại Trung Quốc, song vẫn có tầm quan trọng đáng kể về chính trị.

Gần như toàn bộ người Tây Tạng bản địa của Trung Quốc sống ở khu vực phía tây nam. Cơ sở Thành Đô cũng là lãnh sự quán gần nhất của Washington ở khu vực Lhasa - thủ phủ của Tây Tạng. Bắc Kinh từng nhiều lần từ chối đề nghị của Mỹ về việc mở một lãnh sự quán ở Lhasa.

Năm 2013, lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô là một trong những cơ sở ngoại giao nước ngoài bị “kẻ lộ mật” Edward Snowden khẳng định là có các cơ sở giám sát. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Mỹ giải thích.

Một năm trước đó, lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô cũng vướng vào một trong những vụ bê bối chính trị lớn nhất tại Trung Quốc trong những năm gần đây, khi trở thành nơi trú ẩn tạm thời cho cựu cảnh sát trưởng kiêm phó thị trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân, trong lúc ông này đang tìm cách trốn chạy cấp trên Bạc Hy Lai - cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh.