1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Mỹ cáo buộc lãnh sự quán Trung Quốc là “ổ gián điệp”?

Thành Đạt

(Dân trí) - Quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston không phải lần đầu tiên Mỹ nghi ngờ Bắc Kinh có liên quan tới các hoạt động gián điệp ở nước ngoài.

Vì sao Mỹ cáo buộc lãnh sự quán Trung Quốc là “ổ gián điệp”? - 1

Đồ đạc được đưa ra ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston ngày 23/7. (Ảnh: ABC)

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang trong những ngày gần đây sau khi Washington yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, bang Texas. Mỹ cáo buộc cơ sở ngoại giao này là “hang ổ” của các điệp viên Trung Quốc - những người tìm cách đánh cắp dữ liệu từ các cơ sở ở Texas.

Đáp lại, Bắc Kinh lệnh Mỹ đóng cửa lãnh sự quán ở thành phố Thành Đô, cáo buộc các nhân viên tại cơ sở ngoại giao này can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc.

Tuy vậy, theo các chuyên gia về hoạt động gián điệp, thu thập thông tin tình báo là một phần công việc quan trọng của các phái đoàn ngoại giao, không chỉ thông qua các kênh hợp pháp mà còn bao gồm sử dụng gián điệp để thu thập “thông tin bí mật”.

“Họ làm vậy, chúng ta cũng làm vậy. Chúng ta chỉ hy vọng có thể nắm bắt được họ, và hy vọng họ không nắm bắt được chúng ta. Đây đều là một phần của trò chơi lớn”, Anthony Glees, chuyên gia quốc tế về an ninh và tình báo kiêm giáo sư chính trị tại Đại học Buckingham, cho biết.

Giáo sư Glees nói với ABC rằng ở một mức độ nào đó, các nước vẫn “mắt nhắm mắt mở” đối với phần lớn hoạt động gián điệp “vì đều có lợi ích chung khi làm vậy”. Lời khai của “kẻ lộ mật” Edward Snowden năm 2014 đã hé lộ những thông tin chi tiết về cách Mỹ sử dụng các phái đoàn ngoại giao để do thám các nước trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chưa có lãnh sự quán Mỹ nào bị đóng cửa vì lý do này.

Mặc dù vậy, “văn hóa gián điệp” cũng cần có giới hạn. Nếu nước nào vượt qua ranh giới đó, dù là hiếm hoi, đều dẫn đến việc trục xuất ngoại giao.

“Ổ gián điệp” ở Houston

Vì sao Mỹ cáo buộc lãnh sự quán Trung Quốc là “ổ gián điệp”? - 2

Nhân viên tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston rời đi sau lệnh của Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Theo các quan chức cấp cao của Mỹ, hoạt động gián điệp do các phái đoàn ngoại giao Trung Quốc thực hiện diễn ra trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, các hoạt động ở lãnh sự quán tại Houston đã vượt qua ranh giới “có thể chấp nhận được”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là “ổ gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ”, trong khi Bắc Kinh gọi cáo buộc này là “vu khống trắng trợn”.

Một quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tiết lộ rằng hoạt động gián điệp của lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston có liên quan tới chương trình nghiên cứu phát triển vắc xin Covid-19 của Bắc Kinh.

Giáo sư Glees cho biết thành phố Houston được coi là “điểm nóng” về thông tin vì nhiều cơ sở nghiên cứu không gian vũ trụ và dược phẩm đặt tại đây. Điều này đặc biệt đáng lưu ý giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ.

“Tôi chắc chắn rằng người Trung Quốc ở Houston đang thu thập tình báo. Đây chỉ là một trong vài lãnh sự quán của Trung Quốc, nhưng có lẽ là nơi tốt nhất để thực hiện hoạt động tình báo”, ông Glees nói.

Giáo sư Glees cũng đặt ra hai câu hỏi quan trọng.

“Liệu có phải Trung Quốc đang cố gắng làm điều này một cách bí mật, nên bị coi là bất hợp pháp không? Liệu Mỹ, Anh hay Australia có làm điều tương tự không? Tất nhiên là có”, ông Glees nói.

Việc Trung Quốc đáp trả bằng cách đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô có thể là một lựa chọn dựa trên vị trí chiến lược của cơ sở này.

“Đó là nơi Mỹ thu thập thông tin về Tây Tạng và sự phát triển của các vũ khí chiến lược Trung Quốc tại các vùng lân cận”, Wu Xinbo, giáo sư và là chuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết.

Gián điệp "hợp pháp"

Vì sao Mỹ cáo buộc lãnh sự quán Trung Quốc là “ổ gián điệp”? - 3

Nhóm người tìm cách mở cửa vào lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston sau khi các nhân viên ngoại giao rời đi. (Ảnh: Reuters)

Việc đóng cửa lãnh sự quán sau khi xuất hiện các cáo buộc về gián điệp là chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, trong quá khứ từng xảy ra việc các nhà ngoại giao bị trục xuất sau khi vướng nghi vấn gián điệp.

Trong khi việc trục xuất các nhà ngoại giao, hoặc nặng hơn là đóng cửa cơ sở ngoại giao, ít xảy ra trong thời bình, Giáo sư Glees cho biết việc đưa người vào lãnh sự quán của một nước khác là điều “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Theo Reuters, ngay sau khi lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston bị đóng cửa, một nhóm người được cho là giới chức Mỹ đã phá khóa và đi vào cửa sau của cơ sở này. Sau khi những người này tiến vào, hai nhân viên mặc đồng phục của Cục An ninh Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã tới để gác cửa.

Trung Quốc lên án hành động đột nhập này của phía Mỹ vi phạm cả Công ước Vienna về Quan hệ Lãnh sự và Hiệp ước Lãnh sự Mỹ - Trung.

“Hành động của Mỹ bây giờ gần như chắc chắn là bất hợp pháp. Nhưng họ sẽ cho qua vì ông Trump chuẩn bị tái tranh cử và việc nhắm mục tiêu tới Trung Quốc sẽ tạo ra sự nhạy cảm về chính trị nếu không có lý do đặc biệt", giáo sư Glees nhận định.

Theo Giáo sư Glees, các nhân viên lãnh sự được đăng ký chính thức với chính quyền nước sở tại có thể hoạt động như gián điệp “hợp pháp”, nhưng họ được pháp luật yêu cầu phải tuân thủ các quy tắc nhất định.

Quá trình thu thập thông tin tình báo, dù là bí mật hay công khai, có thể thực hiện bằng nhiều cách như thông qua các cuộc họp, hội nghị và thăm các trường đại học, doanh nghiệp hoặc trung tâm nghiên cứu.

Trong khi đó, các gián điệp “bất hợp pháp” bao gồm các sĩ quan và đặc vụ không nằm trong danh sách kê khai của đại sứ quán, nhưng vẫn thực hiện các công việc gián điệp. Tuy vậy, ngay cả các gián điệp “hợp pháp” đôi khi cũng phải tham gia vào hoạt động gián điệp “bất hợp pháp”, thường bằng cách tuyển dụng các đặc vụ hoạt động thay mặt họ.

Theo Chen Yonglin, nhà ngoại giao Trung Quốc đào tẩu sang Australia năm 2005, “hoạt động gián điệp là điều bình thường với mọi chính phủ”. Ông Chen nói rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc thu thập thông tin một cách công khai “để tránh bị buộc tội liên quan đến hoạt động tình báo bí mật”. Ngoài ra, họ cũng có thể hỗ trợ các hoạt động bí mật.

Ông Chen cho biết hầu hết hoạt động xâm nhập tình báo sẽ đạt hiệu quả cao hơn thông qua hình thức nhập cư, đặc biệt là đưa các chuyên gia và người lao động tay nghề cao ra nước ngoài. Thay vì sử dụng các đại sứ quán hoặc lãnh sự quán, họ có thể kết nối trực tiếp với các quan chức Trung Quốc hoặc gặp nhau ở nước thứ 3, khiến cho các hoạt động như vậy rất khó bị phát hiện.

Các nhà ngoại giao thường vào cuộc để móc nối và  cài cắm các sinh viên, chuyên gia vào các bộ phận nghiên cứu quan trọng để lấy thông tin về công nghệ mới mà Trung Quốc có thể sử dụng. Ông Chen cho biết các hoạt động này đặc biệt phổ biến ở Australia - nơi ứng phó rất yếu ớt với các hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ. Ngược lại, chính quyền Tổng thống Donald Trump có lập trường đặc biệt cứng rắn với Trung Quốc trong cả các thỏa thuận thương mại lẫn chính trị.