Lãnh đạo thế giới nói gì về lễ nhậm chức của Obama?
(Dân trí) - Cùng với hàng triệu người dân thế giới, các nhà lãnh đạo nhiều nước đã chào đón kỷ nguyên Barack Obama với những hy vọng về một sự đổi thay phát xuất từ nước Mỹ, nhưng không quên cảnh báo ông về hàng núi thách thức sau ánh hào quang chiến thắng.
Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner: “Tôi chia sẻ sự khâm phục và xúc cảm của cả thế giới về Obama. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên mong chờ ông giải quyết ngay lập tức tất cả các vấn đề của người Mỹ, hoặc của chúng ta. Barack Obama không có phép thuật trong tay”.
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski: “Ba Lan sẽ ủng hộ Obama bất cứ nơi nào lợi ích của chúng ta cùng có và nơi nào khả năng kinh tế và chính trị của chúng ta cho phép”.
Tại Gaza, nơi vừa tạm im tiếng súng, vợ goá và là mẹ của sáu đứa con, chị Leila Khalil nói: “Obama sẽ không trả lại được cho chúng tôi người chồng, không thể sửa lại ngôi nhà của chúng tôi đã bị phá nát”.
Phía bên kia, thủ lĩnh phe đối lập của Israel Benjamin Netanyahu nói: “Tôi có cảm giác rằng Barack Obama hiểu nỗi đau khổ của chúng tôi, cũng như hiểu sự tàn bạo mà kẻ thù mà chúng tôi đang phải đối mặt”.
Tại Paris, nhà bình luận của tờ Le Monde viết: “Ông Obama sẽ là một tổng thống Mỹ bảo vệ quyền lợi kinh tế và chiến lược của đất nước ông, chứ không phải là một nhà hoạt động quốc tế bận lo đi chữa các căn bệnh của thời kỳ đầu thế kỷ 21…”.
Tại Mỹ, công dân John Kerry nói: “Ai cũng biết việc ông Obama nhậm chức tổng thống làm dấy nên một niềm hy vọng không chỉ cho người da đen mà còn cho toàn thể dân Mỹ, sau hai nhiệm kỳ đầy những u ám và thảm bại của tổng thống Bush”.
Còn các báo thi nhau đăng những con số đại loại như: “Có đến 79% người dân Mỹ tuyên bố lạc quan về bốn năm sắp tới, một kỷ lục về mức tín nhiệm đối với một vị tân tổng thống Mỹ từ 30 năm nay”.
Nhưng không quên bình luận thêm: “Có điều, trách nhiệm đặt lên vai ông Obama quá lớn, bởi vì ông lên nhậm chức đúng vào lúc mà Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Hơn 37 triệu dân Mỹ hiện vẫn sống dưới ngưỡng nghèo khó và 46 triệu người không được bảo hiểm y tế. Vừa giảm thuế cho người giàu, vừa tăng chi tiêu quân sự cho hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan, tổng thống Bush đã để lại cho người kế nhiệm một ngân sách với mức thâm thủng khổng lồ 1.200 tỷ USD trong năm tài khoá 2008/2009”.
Trà Giang
Tổng hợp