1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Lần trừng phạt cuối”

Liên minh châu Âu (EU) ngày 21-12 chính thức gia hạn thêm 6 tháng trừng phạt đối với Nga. Quyết định này dù có sự đồng thuận giữa 28 thành viên nhưng vẫn không khỏa lấp được những chia rẽ ngày càng lớn trong nội bộ EU.

Không ít thành viên EU không còn muốn gồng mình gây sức ép lên đối tác thương mại “nặng ký” Nga, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng, vì vụ sáp nhập Crimea và cuộc khủng hoảng Ukraine.

Quyết định có hiệu lực vào thời điểm kết thúc một năm cực kỳ khó khăn của EU với các vụ khủng bố ở Paris trong khi Hy Lạp suýt “văng” khỏi khu vực đồng euro (Eurozone) hồi tháng 7 và cuộc khủng hoảng di cư ngày càng trầm trọng.

Tất cả những vấn đề nóng bỏng này không hề có dấu hiệu hạ nhiệt khi năm mới sắp gõ cửa, khiến người ta bắt đầu nghi ngờ về khả năng các nước lục địa già có thể tiếp tục “nhìn về một hướng” trong vấn đề trừng phạt Moscow.

Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên của EU nhận định đây có thể là lần cuối cùng khối này trừng phạt Nga. Điều này thể hiện rõ qua thái độ của 2 “ông lớn” Pháp và Ý. Paris đang muốn Moscow quay trở lại hợp tác trong nhiều vấn đề như cuộc chiến chống khủng bố và tiến trình hòa bình cho Syria. Trong khi đó, Ý hồi tuần trước tỏ rõ ý không muốn tiếp tục trừng phạt Nga.

“Lần trừng phạt cuối” - 1

Ukraine mất toàn bộ ưu đãi về thương mại với Nga sau khi thỏa thuận thương mại tự do EU - Ukraine có hiệu lực.

Quyết định trừng phạt mà phía Moscow chỉ trích là “gượng ép” và “hoàn toàn không thể chấp nhận” này được công bố vào đúng ngày Nga phải nhận một tin bất lợi khác: Cuộc đàm phán thương mại  giữa Nga, EU và Ukraine diễn ra tại Bỉ đã thất bại.

Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström nhấn mạnh “cơ hội cuối cùng” nhằm thuyết phục Moscow rằng thỏa thuận thương mại tự do EU - Ukraine sẽ không gây nguy hại tới lợi ích kinh tế của Nga đã đổ vỡ.

Kiev không phải đợi lâu để chứng kiến cơn phẫn nộ của Moscow. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev gần như lập tức ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp đáp trả kinh tế đối với Ukraine ngay khi thỏa thuận EU - Ukraine có hiệu lực ngày 1-1-2016.

Theo đó, Moscow dỡ bỏ tất cả ưu đãi về thương mại dành cho Kiev, buộc hàng xuất khẩu của nước này chịu thuế suất ngang bằng các quốc gia khác. Thêm vào đó, Nga cấm nhập khẩu thực phẩm từ Ukraine. Thủ tướng Medvedev cũng ra lệnh các quan chức nước này chuẩn bị hành động pháp lý nhằm vào Ukraine về khoản nợ trái phiếu 3 tỉ USD mà Kiev không chịu trả dù hạn chót đã qua (20-12).

Không vừa, Ngoại trưởng Ukraine cho biết Kiev cũng đang chuẩn bị kiện Nga vì các thiệt hại đối với doanh nghiệp nước này sau khi Nga sáp nhập Crimea năm ngoái.

Theo Thu Hằng

Người lao động