1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Làn sóng nhà khoa học từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở về Trung Quốc

Thanh Thành

(Dân trí) - Một nhà khoa học nổi tiếng đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở lại Trung Quốc, đánh dấu trường hợp mới nhất trong số ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu Trung Quốc quyết định trở về nước.

Làn sóng nhà khoa học từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở về Trung Quốc - 1

Nhà hóa học lý sinh và cựu giáo sư Harvard Xie Xiaoliang (Ảnh: Weibo).

Ông Xie Xiaoliang, nhà hóa học lý sinh và cựu giáo sư tại Đại học Harvard, đã nằm trong danh sách thành viên trong nước của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS). 

Trước đây, ông là thành viên nước ngoài của CAS, nơi có quy tắc cho phép thay đổi tư cách thành viên trong nước sau khi nhập quốc tịch Trung Quốc. Tuy nhiên, không rõ vì sao ông Xie lại quyết định như vậy và hiện ông cũng chưa có tuyên bố gì về việc này. 

Ông Xie, sinh ra ở Trung Quốc và được đào tạo tại Mỹ, nổi tiếng thế giới nhờ phát minh của ông và nhóm khoa học được công bố vào năm 2012 về phương pháp khuếch đại ADN đơn bào.

Điều này cho phép giải trình tự các tế bào riêng lẻ của con người để tìm kiếm các đột biến có thể gây ra các bệnh di truyền hoặc ung thư. Phương pháp này có nghĩa là "ngay cả một đột biến trong số 6 tỷ cặp cơ sở" của ADN cũng có thể được phát hiện, ông Xie cho biết trên trang web của Đại học Bắc Kinh vào năm 2018.

Ông Xie nhận bằng Tiến sĩ hóa lý tại Đại học California San Diego vào năm 1990 và làm việc tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương và Đại học Harvard trong hơn 2 thập niên. Ông là giáo sư được thuê đầu tiên tại Đại học Harvard trong số các học giả từ Trung Quốc đại lục đến Mỹ sau khi đất nước cải cách kinh tế và mở cửa vào năm 1978.

Ông Xie, trước đây là thành viên của Học viện Khoa học Quốc gia Mỹ và Học viện Y khoa Quốc gia, đã trở thành giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Bắc Kinh vào năm 2001. Năm 2009, nhà thần kinh học hàng đầu Rao Yi, lúc đó là Trưởng khoa khoa học đời sống của trường, thuyết phục ông trở lại làm việc toàn thời gian tại Đại học Bắc Kinh, Xie cho biết trên trang web của trường.

Ông Rao, hiện là hiệu trưởng của Đại học Y khoa Thủ đô ở Bắc Kinh, cũng đã từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình và trở về Trung Quốc vào năm 2007, sau hơn 2 thập niên học tập và làm việc tại nước này.

Ông Xie cho biết, sau khi định cư ở Mỹ, mỗi lần trở lại Trung Quốc, ông đều ngạc nhiên và xúc động trước sự tiến bộ vượt bậc của quê nhà. "Khi tôi trở lại Bắc Kinh để xem Thế vận hội 2008, tôi đã rất phấn khích khi đội Trung Quốc giành được nhiều huy chương vàng nhất, nhưng tôi biết chúng tôi còn một chặng đường dài để giành vị trí số 1 trong lĩnh vực khoa học", ông nói.

Và ông Xie trở thành giáo sư chính thức tại Đại học Bắc Kinh vào năm 2018 và là trưởng khoa khoa học vào năm sau.

Trong khi đó, ông Sun Licheng, một nhà khoa học đến từ Thụy Điển, cũng đã chuyển sang làm thành viên trong nước của học viện này, nội dung đăng trên trang web của CAS nêu rõ. Ông Sun đã trở lại Trung Quốc và được bổ nhiệm Trưởng khoa hóa học tại Đại học Westlake vào tháng 4/2020.

Ông Sun, cựu giáo sư về điện tử phân tử tại Viện Công nghệ Hoàng gia KTH ở Stockholm, được bầu làm giáo sư ưu tú của Hội đồng Nghiên cứu Thụy Điển năm 2017.

Mỹ lo "chảy máu nhân tài" sang Trung Quốc

Đây không phải là những ví dụ duy nhất về các thành viên nước ngoài của CAS từ bỏ quốc tịch nước ngoài để trở thành thành viên trong nước.

Năm 2017, hai nhà khoa học lỗi lạc, trong đó có ông Yang Chen-ning, người đoạt giải Nobel vật lý năm 1957, cũng từ bỏ quốc tịch Mỹ để chuyển sang làm thành viên trong nước của CAS.

Mỹ đã để mất hàng loạt nhân tài vào tay đối thủ châu Á với tốc độ ngày càng tăng kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump khởi động "Sáng kiến Trung Quốc" vào năm 2018 nhằm chống lại hành vi đánh cắp bí mật và công nghệ từ Bắc Kinh.

Một nghiên cứu chung vào năm 2022 của các trường Đại học Princeton, Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts cho thấy, hơn 1.400 nhà khoa học gốc Hoa ở Mỹ đã thay đổi liên kết học thuật của họ từ các tổ chức Mỹ sang Trung Quốc vào năm 2021, tăng 22% so với năm trước.

Theo dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố vào tháng 4, Mỹ mất 896 tác giả khoa học vào năm 2021, trong khi Trung Quốc tăng lên 3.108. Những phát hiện này hoàn toàn trái ngược với năm 2015, khi số lượng bị đảo ngược, với Mỹ tăng lên 2.920 nhà khoa học trong khi Trung Quốc mất 336 người.

Con số theo dõi này của OECD dựa trên những thay đổi trong các tổ chức của các nhà khoa học. Theo dữ liệu mới nhất của OECD, Mỹ không chỉ thua Trung Quốc trong cuộc đua giành tài năng khoa học mà còn thua cả Liên minh châu Âu (EU), Canada và Đức.

Theo SCMP