1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Làn sóng biểu tình chống chính phủ lan tới Yemen

(Dân trí) - Hàng nghìn người Yemen đã tham gia biểu tình tại thủ đô Sanaa, kêu gọi Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức sau hơn 30 nắm quyền.

 
Làn sóng biểu tình chống chính phủ lan tới Yemen - 1
Người biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Sanaa của Yemen.

Động thái trên diễn ra sau các cuộc biểu tình lớn tại Ai Cập và một cuộc nổi dậy của dân chúng tại Tunisia khiến nhà lãnh đạo lâu năm bị lật đổ.

Các thành viên đối lập và các nhà hoạt động thanh niên Yemen đã tập trung tại 4 địa điểm của thủ đô Sanaa, trong đó có Đại học Sanaa, hô hào các khẩu hiệu chống chính phủ. Họ cũng kêu gọi cải cách kinh tế và chấm dứt tham nhũng.

Người Yemen phàn nàn về tình trạng nghèo đòi ngày càng gia tăng và tức giận về vì thiếu tự do chính trị.

Đất nước Yemen cũng vướng phải một loạt vấn đề về an ninh, trong đó có một phong trào ly khai ở phía nam và một cuộc nổi loạn của các phần tử nổi dậy Hồi giáo dòng Shiite Houthi ở phía bắc.

Có những lo ngại rằng Yemen đang ngày càng trở thành nơi ẩn náu hàng đầu của al-Qaeda, với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao được xem là có thể trở thành tân binh cho các nhóm phiến quân Hồi giáo.

Vào sáng ngày 27/1, những người biểu tình đã tụ tập tại vài địa điểm trên khắp thủ đô, hô khẩu hiệu “đã đến lúc phải thay đổi” và nhắc tới cuộc nổi dậy gần đây ở Tunisia.

Hồi cuối tuần qua, giới chức Yemen đã bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Yemen, bà Tawakul Karman, cáo buộc bà tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ. Việc bắt giữ bà Karman đã làm bùng phát thêm nhiều cuộc biểu tình ở Sanaa. Bà Karman đã được thả hôm thứ Hai.

Các cuộc biểu tình tại Tunisia đã chấm dứt 23 năm nắm quyền của Tổng thống Ben Ali và châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở những nước khác trong vùng, trong đó có Algeria và Ai Cập.

Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, một đồng minh của phương Tây, trở thành nhà lãnh đạo của Bắc Yemen năm 1978 và tiếp tục lãnh đạo Cộng hòa Yemen khi 2 miền nam bắc thống nhất năm 1990. Ông Saleh tái đắc cử năm 2006.

Người Yemen nổi giận trước các nỗ lực của quốc hội nhằm nới lỏng các quy định về giới hạn nhiệm kỳ tổng thống, làm dấy lên mối lo ngại ằng ông Saleh có thể muốn làm tổng thống suốt đời.

Ông Saleh cũng bị cáo buộc muốn chuyển giao quyền lực cho con trai cả Ahmed, người đứng đầu đội cận vệ tổng thống. Tuy nhiên, ông Saleh đã bác bỏ các cáo buộc này.

An Bình
Theo BBC