1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lần đầu tiên người Trung Quốc mong sinh con gái

(Dân trí) - Nhiều thập kỷ nay, các ông bố bà mẹ Trung Quốc luôn mong muốn con trai, vì thế mà không ít người đã sử dụng mọi biện pháp để có quý tử. Nhưng một cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, lần đầu tiên người Trung Quốc mong muốn sinh “công chúa” hơn “hoàng tử”.

 
Lần đầu tiên người Trung Quốc mong sinh con gái - 1

Chính sách 1 con, và nhiều nhân tố khác, đã khiến số bé trai Trung Quốc nhiều hơn số bé gái khoảng 32 triệu. Tình trạng thiếu hụt phụ nữ cũng dẫn tới sự gia tăng nạn mại dâm và tội phạm tình dục.

Tuy nhiên, tại các thành phố lớn của Trung Quốc, chi phí khổng lồ cho việc nuôi dưỡng một quý tử đã khiến càng nhiều gia đình mong muốn đứa con duy nhất của họ là con gái. Với nhiều bậc cha mẹ, con gái giờ đây là một lựa chọn kinh tế nhất.

Tại Thượng Hải, các nhà nghiên cứu của chính phủ đã khảo sát khoảng 3.500 người sắp lên chức bố mẹ, 12% này nói họ mong muốn sinh con trai trong khi 15% mong ước sinh con gái.

Sự thay đổi ý thích có con trai truyền thống lâu nay có ý nghĩa quan trọng với chính phủ Trung Quốc, vốn đang phải giải quyết thực trạng hàng triệu nam giới chưa có vợ. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tỷ lệ bé gái so với bé trai vẫn đứng ở mức 120-100.

Nhiều người Trung Quốc, đặc biệt tại các vùng nông thôn, vẫn “chuộng” con trai hơn vì đàn ông thường có truyền thống chăm sóc cha mẹ khi về già. Nhiều gia đình đã sử dụng kỹ thuật siêu âm và nạo phá thai rẻ tiền để đảm bảo có con trai.

Nhưng truyền thống này giờ đây đang dần thay đổi tại các vùng đô thị. “Thực tế là sinh con trai hay con gái không có gì khác khi cha mẹ cần sự giúp đỡ. Không giống các vùng nông thôn, cuộc sống của người dân thị thành giờ đây được đảm bảo bởi các chương trình an sinh xã hội”, Chen Youhua, chuyên gia nhân khẩu học và xã hội học tại Đại học Nam Kinh nói.

“Bên cạnh đó, con gái thường biết suy nghĩ và chu đáo hơn nhiều so với con trai”.

Ông Chen cũng nói thêm, sự chênh lệnh về giới tính tại Trung Quốc đã lên đến mức đỉnh điểm và sẽ dần trở lại trạng thái cân bằng.

Điều kiện kinh tế khó khăn và chi phí sinh hoạt đắt đỏ cũng là những nhân tố góp phần xóa bỏ mong muốn sinh quý tử của các bậc cha mẹ.

Hầu hết thanh niên Trung Quốc đều phải mua nhà trước khi kết hôn - một khoản chi phí không hề nhỏ tại các thành phố lớn. Giá nhà đất tại các vùng đô thị của Trung Quốc đã tăng chóng mặt trong năm 2007-2008, tăng tới 60%, và dự kiến sẽ tăng thêm 10% trong năm nay.

“Tôi muốn con tôi sẽ là con gái”, Yang Min, 32 tuổi, một phụ nữ đang mang bầu tại Thượng Hải, tâm sự. “Mặc dù tôi thích con trai hơn, nhưng nếu sinh con trai sẽ có quá nhiều thứ phải lo lắng như tìm một trường học tốt, công việc tốt, rồi đến mua nhà, mua xe. Quá nhiều phiền toái”.

Li Qian, một nhân viên ngân hàng 27 tuổi, cho hay cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều bậc cha mẹ phải lo cho cả 2 gia đình - một của họ và một của con.

“Nhiều người sắp lên chức bố mẹ muốn có con gái để giảm gánh nặng tài chính. Con gái có thể kết hôn với các ông chồng giàu có”, Li nói.

Nhưng theo Giám đốc Trung tâm dân số và xã hội học thuộc Viện khoa học xã hội Quảng Đông, ông Zheng Zizhen, dù quan điểm của mọi người tại các thành phố lớn đang thay đổi nhưng mong muốn có con trai chỉ thực sự được loại bỏ khi có hệ thống an sinh xã hội và bảo hiểm tốt, đặc biệt tại các khu vực nông thôn”.

Giáo sư Zheng cho hay, các gia đình tại những khu vực như Quảng Đông, một trong những vùng đô thị hóa nhanh nhất cả nước, ngày càng trở nên thực dụng hơn về chuyện của hồi môn và mua nhà cửa.

“Khi Trung Quốc đổi mới, các thông lệ truyền thống rồi cũng sẽ phai nhạt dần. Đến lúc đó, mọi người lại mong có con gái hơn con trai, vì chính các cô con gái - chứ không phải con trai - mới là người túc trực bên giường và chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già”.

An Bình
Theo Telegraph