Bốn quân chủ bài của bà Hillary Clinton-Kỳ 2:
Làm an lòng cử tri
Hillary Clinton đã trở thành gương mặt "thân quen" của giới chính trị gia Mỹ, là cái tên được phần lớn người dân Mỹ tôn sùng và là một dấu mốc đem lại sự yên tâm cho một dân tộc đang mất phương hướng.
Năm 2016, bà Hillary sẽ 69 tuổi, điều này khiến bà trở thành ứng cử viên nhiều tuổi nhất tranh cử tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên, giống như cựu Tổng thống Ronald Reagan. Song, trái với người chiến thắng năm 1980, bà Hillary Clinton sẽ gặp nhiều khó khăn để chuẩn bị một bài diễn văn mới, một tầm nhìn độc đáo về nước Mỹ trong tương lai.
Người Mỹ biết hết về bà. Họ biết bà từ năm 1992 - thậm chí, những người quan tâm đến đời sống chính trị của bang Arkansas biết bà từ năm 1978, khi chồng bà trở thành Thống đốc bang này.
Tuổi tác của bà Clinton là mục tiêu công kích của đảng Cộng hòa.
Ngay bây giờ, Đảng Cộng hòa đã công kích bà Hillary về vấn đề tuổi tác - họ đã không ngần ngại trưng bày những bức hình bà kém tươi khi không trang điểm. Một trong các nhà chiến lược của George W. Bush, bà Karen Hughes, nhận thấy chiến dịch tranh cử sắp tới của bà Hillary như là một bản sao của Bob Dole - đối thủ của chính ông Bill Clinton năm 1996. Nhiều tuổi và không mang lại điều gì mới mẻ, ứng cử viên Đảng Cộng hòa này khi đó đã sụp đổ trước Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ.
Quả thực, bà Karen Hughes giỏi chơi chữ. Sau khi nhắc lại rằng ông Bill Clinton đã tranh cử với khẩu hiệu xây dựng "một chiếc cầu bắc sang thế kỷ XXI", bà viết: Hillary rõ ràng đã bị mắc kẹt bên phía đầu cầu cũ... Ngay cả ông Barack Obama cũng đã “xỏ xiên” Hillary khi phát biểu trên kênh ABC hồi tháng 11/2014: "Tôi nghĩ rằng người Mỹ muốn cảm nhận được mùi của một chiếc xe mới, họ muốn lái một chiếc xe không qua nhiều km như tôi. Mọi người đều hiểu không phải "như tôi" mà là "như Hillary Clinton"...
Tuy nhiên, trên thực tế, tuổi của bà Hillary có thể là một lợi thế. Hồi còn trẻ hơn, hình ảnh của bà là hình ảnh của một người lạnh lùng, xa cách và đáo để. Trước đây, khi trò chuyện với người dân bang Arkansas, người ta thường nghe thấy họ nói rằng ông Bill là con người rất thân thiện nhưng họ không biết nhiều về bà Hillary... Mọi sự giờ đây đã thay đổi. Bây giờ, người phụ nữ trí thức băng giá đó ngày càng tỏ ra là một bậc mẫu quyền điềm đạm, trìu mến và thật sự lắng nghe những người đối thoại.
Không chỉ vậy. Người dân Mỹ đang vô cùng thất vọng về Tổng thống Obama. Dù năm 2008 mang đến một niềm hy vọng mạnh mẽ, nhưng Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ sẽ đi hết nhiệm kỳ hai của mình trong hoàn cảnh rất khó khăn. Thất bại đau đớn của đảng ông trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014 - lần đầu tiên kể từ năm 1994, đảng Cộng hòa chiếm đa số tại cả hai viện của Quốc hội - là dấu hiệu khủng khiếp cho thấy sự vỡ mộng do chủ nhân Nhà Trắng gây ra.
Theo một cuộc thăm dò dư luận của Rasmussen - một tổ chức thiên hữu ở Mỹ - ông Obama chỉ nhận được 38% ý kiến ủng hộ cuối năm 2014, một tỷ lệ tín nhiệm thấp đáng lưu ý đối với một Tổng thống Mỹ. Tất nhiên, sự thất sủng này có thể chuyển sang ứng cử viên đảng Dân chủ năm 2016. Tuy nhiên, bà Hillary đã biết đứng cách xa ông Obama. Đặc biệt sau bước đi mạo hiểm của ông Obama, người Mỹ rất muốn có một gương mặt lãnh đạo đủ làm họ yên tâm, có khả năng ngăn chặn sự suy tàn của nước Mỹ.
Bà Clinton có một người chồng được người dân Mỹ yêu mến.
Thực vậy, vào lúc này, người ta có một cảm giác rất mạnh mẽ về một nước Mỹ đang xuống dốc. Từ năm 1974, mỗi năm, Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Pew đều thăm dò ý kiến người dân Mỹ xem họ thấy đất nước của họ hùng mạnh hơn hay suy yếu hơn so với 10 năm trước đó. Không kể tác động của vụ Watergate và sự thất bại ở Việt Nam, những người bi quan không bao giờ đông hơn những người lạc quan... cho đến năm 2007.
Tệ hơn nữa, lần đầu tiên trong 40 năm qua, năm 2013, tỷ lệ người Mỹ cho rằng đất nước họ không hùng mạnh bằng 10 năm trước đã vượt quá 50%. Và trước sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cảm giác này chắc chắn đã không thay đổi trong năm 2014...
Trong bối cảnh này, Hillary Clinton, gương mặt "thân quen" của giới chính trị gia Mỹ, cái tên được phần lớn người dân Mỹ tôn sùng, là một dấu mốc đem lại sự yên tâm cho một dân tộc đang mất phương hướng. Những năm dưới thời ông Bill Clinton được coi như một thời kỳ hoàng kim; và hơn nữa cho đến nay, ông Bill Clinton vẫn là một cựu Tổng thống đang còn sống được các công dân Mỹ yêu mến.
Một cuộc thăm dò dư luận do trường Đại học Quinnipiac thực hiện hồi tháng 6/2014 đã xếp ông ở vị trí thứ hai trong số các tổng thống được người dân Mỹ yêu mến kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, chỉ sau Ronald Reagan.
Do vậy, bối cảnh dường như có lợi cho Hillary Clinton. Nhất là khi những phát biểu của bà hoàn toàn đáp ứng những mong đợi của cử tri...
(Kỳ 3: Lợi thế ứng cử viên nữ)
Theo TK/Politique internationale