1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Lá chắn thép" trên siêu tăng T-72B3 Nga hạ gục hỏa lực trong chớp mắt

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đoạn video mới được Nga đăng tải cho thấy xe tăng chủ lực T-72B3 của nước này tung đòn diệt gọn một lựu đạn chống tăng đang lao tới trong nháy mắt.

"Lá chắn thép" trên siêu tăng T-72B3 hạ gục hỏa lực trong chớp mắt

Lá chắn thép trên siêu tăng T-72B3 Nga hạ gục hỏa lực trong chớp mắt - 1

Xe tăng chủ lực T-72B3 của Nga (Ảnh: Tass).

Theo Popular Mechanic, đoạn video được đài One Russia của Nga công bố hồi cuối tháng trước cho thấy khả năng phòng thủ ấn tượng của siêu tăng T-72B3 nước này. Đoạn video ghi lại cảnh hệ thống phòng vệ chủ động (APS) của xe tăng đã phát hiện ra lựu đạn chống tăng lao tới, và ngay lập tức nó phóng ra vũ khí đánh chặn nổ tung hỏa lực từ đối thủ.

Trong đoạn video, một súng phóng lựu đã phóng ra lựu đạn chống tăng RPG-7 vào chiếc T-72B3. Khi tiến gần tới thân xe tăng, RPG bị nổ tung ngay lập tức khi một vật thể phóng ra từ tháp pháo của T-72B3.

Hệ thống APS được sử dụng trên T-72B3 là Arena-M, công nghệ mới được sử dụng để chủ động bảo vệ xe tăng khỏi các tên lửa và rocket chống tăng.

Cơ chế hoạt động của APS là xe tăng hoặc thiết giáp sẽ được nhiều radar với bước sóng ngắn, mỗi radar hướng ra ngoài và bao phủ một vòng cung khác nhau trong không gian. Nếu radar bắt được mối đe dọa từ rocket và tên lửa, nó sẽ truy dò mục tiêu và xác minh xem mục tiêu có đang lao về xe tăng hay không. Sau đó, APS tự động phóng ra đạn đánh chặn để tiêu diệt mối đe dọa.

Liên Xô lần đầu triển khai xe tăng T-72 từ những năm 1970. Trải qua nửa thế kỷ, T-72 vẫn là xe tăng đầy uy lực với biến thể T-72M3. Khi cải tiến, nếu Nga thêm vài tấn vỏ bọc lên xe tăng để chống lại vũ khí chống tăng hiện đại thì động thái có thể gây áp lực lên động cơ, hệ thống treo, hộp số và thậm chí cả động cơ quay tháp pháo của xe tăng. Thay vào đó, họ đặt hệ thống Arena-M nặng 1,4 tấn lên xe tăng để giải quyết bài toán này.

Theo giới quan sát, việc ứng dụng hệ thống APS có thể cho phép Nga vẫn có thể tiếp tục sử dụng các xe tăng đã "cao tuổi" trong kho vũ khí mà không cần phải đặt thêm gánh nặng lên chúng với các bộ giáp mới. Đồng thời, APS cũng giúp cho các xe tăng mới của Nga không trở nên nặng nề hơn vì không cần phải "độn" nhiều lớp phòng thủ bên ngoài.

Tuy nhiên, APS cũng có nhược điểm nhất định vì đạn đánh chặn có thể bắn ra nhiều mảnh vụn khi tiêu diệt mục tiêu, và điều này có thể gây nguy hiểm cho lính bộ binh tác chiến gần xe tăng. Nhiều quốc gia dùng cơ chế này đã tìm cách khắc phục bằng cách đánh chặn mục tiêu ở xa xe tăng hoặc dùng các vũ khí hạn chế bắn ra mảnh.

Phiên bản T-72B3 là biến thể của xe tăng huyền thoại T-72. Sau này, Nga tiếp tục cải tiến T-72B trở thành nhiều phiên bản trong đó có T-72B3, T-90… và vẫn dùng đến ngày nay. T-72B3 sở hữu sức mạnh gần như ngang ngửa với siêu tăng T-90 khi được trang bị giáp phản ứng nổ, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến và động cơ chạy bằng diesel tăng áp.